Buổi sáng ngày cuối năm, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn thân, đang sinh sống và học tập ở châu Âu. Bạn tâm sự rằng mẹ mới gọi điện để nói chuyện, hỏi han chuyện Tết nhất. Trong cuộc trò chuyện đó, mẹ vẫn không quên so sánh bạn với con nhà hàng xóm, cũng đi du học nhưng đang vừa học vừa làm thực tập cho một công ty đa quốc gia, có lương thưởng hậu hĩnh hẳn hoi. Còn bạn đến giờ vẫn không được may mắn như thế, chỉ vừa đi học vừa đi làm thêm ở một nhà hàng nhỏ để đủ tiền trang trải sinh hoạt phí. Việc học của bạn cũng phải trì hoãn, phải thi tốt nghiệp muộn vì phải đi làm nhiều nên không thể học đủ các môn trong một kỳ.
Tâm sự với tôi, bạn nói rằng bản thân đang rất buồn và muốn buông xuôi, vì dù có cố gắng thế nào cũng vẫn thấy mình kém cỏi, không thể khiến cha mẹ ở nhà tự hào. Dù biết những lời nói của mẹ bạn cũng chỉ là mong con mình giỏi giang và cố gắng đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống như bao người khác, nhưng chính tôi cũng cảm thấy có chút buồn và thương cho bạn mình.
Bạn tôi đã sang châu Âu du học được sáu năm nay, thời gian dài phải ở xa gia đình, không có bạn bè ở bên chắc chắn không phải dễ dàng. Nếu ai từng đi nước ngoài nhiều năm, hẳn sẽ thấm thía nỗi cô đơn và lạc lõng như thế nào ở nơi đất khách quê người, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền. Chỉ là một cuộc nói chuyện ngắn với bạn những cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều về cách phụ huynh Việt thường vô tình tạo áp lực lên con cái.
>> Năm mới học cách yêu thương
Bản thân tôi cũng là con gái trong gia đình, đến nay vẫn chưa lấy chồng. Cứ đến Tết, tôi gặp ai cũng chỉ quanh quẩn mỗi chuyện "khi nào cưới?". Thực ra, chuyện này, ngày thường người ta cũng hỏi, nhưng dù sao cũng ít hơn ngày Tết. Mẹ tôi hay bảo: "Con gái lớn không đi lấy chồng, bố mẹ ăn cơm nuốt cũng không trôi", "không lấy chồng là ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình"... Nghe nhiều thành quen, nhưng những lời nói đó vẫn để lại trong tôi những vết cứa trong tim.
Tôi thừa nhận rằng truyền thống gia đình ở Việt Nam vốn bền chặt và có nhiều điều tích cực. Sự quan tâm, gần gũi đã tạo nên nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, những câu nói mà bố mẹ, người lớn nghĩ là bình thường, vẫn hay vô tình nói ra với con cái, dù chỉ là quen miệng, cũng gây nên những áp lực rất lớn lên thế hệ trẻ.
Xã hội đang ngày càng cởi mở, con người ngày càng độc lập, nên quyền tự do và lựa chọn cá nhân cũng dần được xem trọng đúng mực hơn. Nhưng cho dù không muốn thừa nhận hiện thực đó, tôi vẫn mong các bậc cha mẹ, các thế hệ đi trước cũng hãy để ý đến cách mình giao tiếp với con cái nhiều hơn, để cuộc sống của chúng ta bớt áp lực và quan hệ gia đình được vui vẻ, thoải mái.
Năm mới, tôi chúc mọi người thật nhiều niềm vui và hạnh phúc bên gia đình của mình. Và đặc biệt, hãy từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, để đừng gây thêm những áp lực không đáng có, bình thản đón nhận mọi thứ đến một cách tự nhiên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.