Trên VnExpress gần đây có những phụ huynh thể hiện mối lo lắng khi con vào lớp 1 mà chưa nhớ hết mặt chữ. Ký ức gợi về, làm tôi nhớ hồi lớp 1, mình học "t" thì quên "h", bị cô đánh tay vì tô chữ không theo nét, tôi vật lộn khổ sở để nhớ chữ. Đầu óc non nớt của tôi khi ấy không hiểu tại sao mình bị phạt và buộc phải nhớ những nét chữ ngoằn ngoèo. Tôi khóc khi phải ngồi vào bàn học ở nhà, và sợ đi học, sợ cô giáo.
Rồi tôi cũng biết đọc, lớn lên cũng hiểu rằng cô giáo ngày đó chỉ có thể dạy theo cách mà cô biết. Nhưng tôi tin và mong có nhiều sự thay đổi trong cách dạy và học chữ cho trẻ em bây giờ. Tôi xin phép chia sẻ góc nhìn của mình cùng chút kinh nghiệm cá nhân trong việc dạy chữ cho con. Xin nói rõ ở đây rằng tôi không phải là một chuyên gia giáo dục, nhưng có dành thời gian tìm hiểu việc dạy chữ cho trẻ em.
1. Đọc sách cùng con
Cách đây 20 năm trở về trước, nguồn sách cho trẻ em chưa phong phú như bây giờ, khái niệm giáo dục từ sớm cũng chưa phổ biến, nên hầu hết trẻ em (trong đó có tôi) đều chưa được làm quen với chữ và sách cho đến khi vào lớp 1. Việc dạy chữ vì thế thường là việc của nhà trường và của giáo viên, cha mẹ hầu như rất ít hoặc không có vai trò gì trong việc dạy chữ cho con.
Ngày nay, với những phương tiện và tài nguyên dồi dào của đời sống hiện đại, chúng ta có thể giúp trẻ làm quen với sách từ rất sớm. Mục đích không phải để cho trẻ "biết đọc" sớm, mà là mở ra thế giới sách từ sớm và khiến việc học chữ diễn ra tự nhiên, dần dần và theo cách vui vẻ. Một em bé khoảng sáu tháng có thể ngồi trong lòng cha mẹ và tập lật quyển sách cỡ nhỏ, bìa cứng, với các hình ảnh (không cần chữ), còn cha mẹ chỉ vào hình và giới thiệu hình ảnh đó bằng lời (ví dụ: "Đây là bãi biển", "đây là chiếc lá").
Thao tác lật sách giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh (fine motor skills) của các ngón tay và kích thích hoạt động não bộ. Song song, mắt của trẻ được nhìn các màu sắc sinh động, tai nghe âm thanh và não ghi nhớ các từ vựng. Cứ như thế, trẻ lớn hơn một chút thì cha mẹ chọn sách có ít từ và nhiều hình ảnh liên quan đến từ. Trẻ một tuổi có thể hiểu được những câu đơn, ở thì hiện tại. Trẻ hai tuổi có thể hiểu được câu chuyện ngắn với ít tình huống. Trẻ ba tuổi có thể hiểu được câu chuyện có ít nhân vật, nhiều tình huống theo thứ tự thời gian (đầu tiên, sau đó) và liên quan nguyên nhân-kết quả (vì, nên). Trẻ bốn tuổi có thể hiểu chuyện nhiều nhân vật, nhiều tình huống và dự đoán việc gì sẽ xảy ra tiếp theo...
>> Con tôi đánh vật với chương trình lớp 1
Việc đọc sách cho trẻ nên được thực hiện thường xuyên (như mỗi tối trước khi ngủ), một quyển sách nên được đọc lại nhiều lần, nếu trong một quyển sách có các từ lặp lại nhiều lần càng tốt (giúp trẻ nhận ra từ quen). Mỗi gia đình đều có thể lập một tủ sách cho trẻ theo khả năng. Nếu kinh tế không dư dả, bạn có thể mua mỗi tháng một hoặc hai quyển sách chọn lọc (như vậy, khi vào lớp 1, con cũng đã đọc qua ít nhất 50-100 quyển sách, sẽ không hề xa lạ với chữ).
Trẻ nhỏ rất thích đọc đi, đọc lại, rồi đọc lại nữa, vì các bé thích thú với khả năng đoán biết việc gì sẽ xảy ra ở trang tiếp theo. Cha mẹ không lo nhà có ít sách (có câu nói: "Nếu không có 1.000 quyển sách, thì hãy đọc một quyển sách 1.000 lần"). Bên cạnh sách in, các bài hát thiếu nhi, đồng dao, các video kể chuyện bé nghe cũng là nơi học vốn từ vựng phong phú. Cha mẹ có thể cùng xem với trẻ hai tuổi trở lên (thời lượng hạn chế khoảng 10-15 phút một lần để tránh ảnh hưởng mắt của trẻ).
2. Dán bảng chữ cái và số đếm lên tường nhà
Cha mẹ nên chọn bảng chữ, số có minh họa hình ảnh (ví dụ: hình trái bóng và từ "bóng" in cạnh chữ cái "b"; hình vẽ "ba con cá" in cạnh số "3"). Khi nào thấy bé tò mò chỉ tay vào hình thì cha mẹ nhân đó giới thiệu nội dung bé hứng thú muốn biết (đây là chữ "b", "bờ - bóng"). Nguyên tắc cơ bản giúp trẻ nhận mặt chữ và số ở đây là: lặp lại rất nhiều lần, ở nhiều thời điểm, qua nhiều tháng, không áp lực (lên trẻ và cả cha mẹ).
Còn viết chữ, từ ba tuổi, bé có thể chơi mà học với việc vẽ bằng ngón tay trên cát, vẽ bằng phấn to trên bảng. Học "vẽ" chữ in hoa trước, dễ hơn chữ thường. Đầu tiên, các nét của bé còn run, chưa thẳng, nhìn chưa giống chữ cái. Hãy cứ để trẻ thoải mái và khích lệ trẻ. Đến khoảng năm tuổi, bạn có thể tập cho trẻ tô theo nét có sẵn trên các bảng xóa nhanh. Không nên vội vàng mục tiêu học đọc, học viết trong một vài tháng. Quan trọng hơn cả việc dạy cho trẻ biết chữ, hoạt động đọc sách cùng nhau sẽ giúp xây dựng kỷ niệm và quan hệ gắn kết giữa cha mẹ với con cái, cũng như giúp trẻ khởi tạo niềm yêu thích đọc sách.
>> Tôi bị đổ lỗi vì con học dốt
Hẳn nhiều bạn có thể đồng ý rằng ký ức tuổi thơ (dù tươi đẹp hoặc buồn khổ) là điều mà mỗi người đều mang theo trong cuộc đời. Với tôi, những câu ầu ơ của bà ngoại, những lần vừa ngồi sàng thóc vừa nghe bà kể chuyện đời xưa vẫn luôn là những ký ức đẹp hiếm hoi của tuổi thơ mà tôi muốn giữ. Vậy, cha mẹ hãy ghi vào ký ức của con những buổi tối đọc sách cùng nhau. Nếu con đã tự đọc được, bạn vẫn có thể tiếp tục cùng đọc với con (hãy dắt con ra hiệu sách để con chọn, và nói là chúng ta sẽ cùng đọc một lần trước khi con sở hữu quyển sách ấy). Có thể khoảng 10 tuổi thì con thích tự đọc một mình, vậy thì cha mẹ lại có thể mượn đọc cùng quyển sách ấy và thảo luận với con.
Một tủ sách gia đình không cần đầu tư tốn kém, có thể chọn mua sách cũ cũng được. Nói không ngoa, chỉ một kệ sách chừng 1m2 đã góp phần to lớn trong việc mở ra cánh cửa và cuốn hút tôi vào thế giới tri thức bao la. Thời ấy (hơn 30 năm trước), đến trường chỉ có sách giáo khoa, thư viện địa phương cũng không có mấy đầu sách hay, kệ sách nhỏ trong nhà là tất cả những gì mà tôi có, tôi đọc hết và đọc lại không biết bao nhiêu lần. Tôi còn nhớ, trên đó là quyển Truyện Kiều với các điển tích được giải thích cặn kẽ, quyển thơ Sân ga chiều em đi của Xuân Quỳnh, quyển Tuyển tập Thơ Nguyễn Bính, quyển Tiểu thuyết Hãy để ngày ấy lụi tàn của Gerald Gordon, quyển Cổ học tinh hoa, và những quyển Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay...
Đúng là những quyển sách, báo đó là khá sớm để đọc đối với một đứa trẻ 9-10 tuổi. Nhưng ngày đó, tôi không có gì khác để đọc, và tôi thích đọc, nên đọc hết. Cha mẹ tôi không khuyến khích, cũng chẳng ngăn cản (mẹ tôi thích thơ văn, cha tôi thích đọc tin thế giới). Nhìn lại, tôi cảm ơn tủ sách ngày xưa như một món quà quý giá cha mẹ đã vô tình tặng cho mình.
Để kết thúc bài viết, tôi xin dẫn câu nói nổi tiếng của Frederick Douglass: "Khi bạn biết đọc, bạn sẽ mãi mãi được tự do" (Nguyên gốc tiếng Anh: "Once you learn to read, you will be free forever"). Vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể làm những người thầy đầu tiên, biến gia đình thành ngôi trường đầu tiên dẫn dắt trẻ đến với tri thức. Tại sao không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.