Đã là nền giáo dục thì luôn luôn hướng tới nhân lực chất lượng cao. Có nghĩa luôn cố gắng để người học có thể có kiến thức nền để phát triển cao hơn.
Ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, EU..., tỷ lệ học sinh giỏi chỉ 15-30%, tỷ lệ học đại học cũng chỉ tầm 50%. Điều đó có nghĩa họ thừa nhận mình không đủ năng lực để theo những ngành đại học, họ vui vẻ chấp nhận điều đó và sống tốt. Ngược lại phụ huynh Việt luôn muốn con mình vào đại học, và nếu con mình không đủ khả năng để thi đậu đại học thì họ sẽ yêu cầu đề thi phải dễ hơn thay vì thừa nhận sự thực là năng lực con mình có hạn.
Chương trình giáo dục để truyền kiến thức và phân loại học sinh. Nhưng phụ huynh luôn đòi hỏi 100% con mình phải đạt loại giỏi? Vậy thì chỉ còn cách hạ tiêu chuẩn giáo dục xuống.
Nhiều cha mẹ ngày nay luôn muốn con mình phát triển tài năng theo ý muốn chủ quan của bản thân thay vì dựa vào khả năng thực của trẻ. Mà trẻ cấp một, hai thì làm sao nhận thức được khả năng của chúng? Vì vậy mới có chuyện nhiều trẻ khi lên cấp ba, đại học lại quay ra quậy phá, không thuận theo ý cha mẹ. Vì chúng bị bức ép, không được làm cái mình giỏi nhất, không thể theo đuổi sở thích mà khả năng chúng đạt được.
Nên cho trẻ tự chọn môn các môn phát triển thể chất (đá bóng, bơi lội...) chúng yêu thích hơn là bị bắt buộc vì khi có đam mê, chúng sẽ tự giác học tập. Các môn như hội họa, đàn sáo, múa, nhảy... là nhằm phát triển về mặt tâm hồn cũng vậy. Tâm hồn mà bị bức ép gò bó, thậm chí không phù hợp với năng khiếu bản thân thì làm sao phát triển?
>> Tính độ khó đề để tránh 'học tài, thi phận'
Nhiều trẻ nghi ngờ bản thân vì những thành tích mà cha mẹ chúng cho rằng chúng giỏi. Thực chất, chúng "giỏi" vì được học trước người khác, phải bỏ hết thời gian công sức vào đó, nhưng cũng chỉ hơn mấy người không học, chứ so với người có tài thực sự chỉ đang cố với theo một cách vô vọng. Chúng nghi ngờ bản thân nhiều hơn, thiếu tự tin hơn khi đi theo định hướng của cha mẹ.
Thế nên, đừng cố biến con mình thành thiên tài lĩnh vực nào đó chỉ vì theo các phụ huynh thì lĩnh vực đó kiếm ra nhiều tiền nhất, có danh vọng địa vị xã hội... Có bao nhiêu người thành công như vậy? Đa số chỉ làng nhàng vì phần lớn đều đi trái ngành yêu thích của mình. Ở Việt Nam hay có kiểu học một đường ra làm một nẻo đó thôi.
Đúng là phải học nhiều mới biết mà thích, nhưng sẽ thế nào nếu đứa con bạn học ba, bốn năm đại học rồi mới nhận ra chúng không thích ngành đó, muốn học ngành khác? Liệu bạn có cho chúng học ngành khác một cách thoải mái không? Liệu phần lớn cha mẹ ngoài kia có cho phép chúng bỏ giữa chừng khi đã đầu tư tiền bạc, thời gian, mối quan hệ, thậm chí là nợ nhân tình của người khác?
Hay một đứa con học đại học quốc tế hai, ba năm trời, rồi khi chúng muốn học ngành, trường khác, liệu cha mẹ có cho phép không khi chỉ còn một chút thời gian nữa là tốt nghiệp? Nếu ngay từ đầu, cha mẹ cho trẻ học chỉ vì hiểu biết thì vấn đề lại khác. Nhưng rất nhiều người không nghĩ vậy, tiền họ bỏ ra phải thu lại kết quả gì đó chứ không phải để trẻ học cho vui.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.