Đọc bài viết "Tôi dạy con kỹ năng sống từ ba tuổi", tôi thấy nhiều người phản đối cách dạy con của tác giả. Cá nhân tôi lại rất tôn trọng quan điểm đó và cho rằng mỗi người sẽ biết điều gì là phù hợp nhất với gia đình và con cái mình, điều đó chẳng có gì đáng phản đối (trừ những trường hợp thái quá đến mức cực đoan).
Có bạn nói điều này chỉ là thành tích hay đặt ra những nguy hiểm như khi bé cầm dao lúc từ lúc ba tuổi chẳng hạn. Mọi người có vẻ thường chỉ tìm ra những điều để chỉ trích thay vì lắng nghe những thứ mới mẻ. Tất nhiên, tôi không đánh đồng việc này với việc chỉ ra những điều cần được khắc phục.
Cá nhân tôi thấy, trẻ cần có kỹ năng sống từ đơn giản đến phức tạp, từ lúc còn nhỏ. Thậm chí, chúng cần những điều đó trước cả khi cần kiến thức. Ở Việt Nam có một nghịch lý, đó là trẻ cấp 1 học nặng như Tiến sĩ, nhưng nhiều người học Tiến sĩ lại nhẹ như cấp 1 (ở đây tôi chỉ muốn nói đến các "Tiến sĩ giấy").
Theo tôi, học gì cũng chỉ để cho cuộc sống sau này được tốt đẹp hơn, để các con có một nghề nghiệp phù hợp và tốt nhất với mình. Thế nên ép con phải "giỏi toàn diện" như chúng ta bây giờ hoàn toàn là "cướp đoạt" tuổi thơ của trẻ. Đời người chỉ có một lần sống, một tuổi thơ để tận hưởng, cuộc đời như con đường một chiều, cứ để trẻ tận hưởng từng giai đoạn, tôi nghĩ chúng sẽ hạnh phúc hơn, bố mẹ cũng thoải mái hơn và cuộc sống sẽ có nhiều năng lượng tích cực hơn.
>> Đo lường tuổi thơ bằng học lực
Cả hai bé nhà tôi đều nói "không" với các loại học thêm trên đời, nhất là ở cấp 1. Lên giữa cấp 2, con lớn nhà tôi bắt đầu đề nghị cần thêm gia sư vì mẹ không còn đủ thời gian để giúp khi con cần nữa. Đương nhiên là tôi duyệt ngay, nhưng hạn chế thời gian học với gia sư, nhiều nhất chỉ sáu tiếng một tuần.
Cả hai con của tôi đều có thói quen tự học, tự đọc từ rất sớm (khoảng 4-5 tuổi), chỉ nhờ mẹ giúp thêm khi thật sự cần (về kiến thức, về kế hoạch thời gian biểu...). Các con đều có một số môn học trội hơn các môn khác do thực sự yêu thích. Các con yêu việc đến trường nhưng hầu như không bị ảnh hưởng do học online cả năm qua. Cả hai con đều thấm nhuần tư tưởng "coi trọng quá trình để có kết quả tốt, chứ không nhìn vào kết quả tốt để tự mãn; và cũng không nhìn vào kết quả chưa tốt để tự ti, đau khổ; chỉ nhìn vào kết quả chưa tốt để tìm xem mình đang làm chưa đúng ở đâu mà sửa lại".
Quay trở lại với câu chuyện dạy con kỹ năng sống từ sớm của tác giả Loan Le, tôi biết chẳng cha mẹ nào muốn con chỉ loanh quanh chuyện bếp núc hay việc tay chân. Nhưng tôi cho rằng đây hoàn toàn là những kỹ năng cơ bản để trẻ có thể tồn tại độc lập trong đa số hoàn cảnh. Dù sao, tôi nghĩ mình cũng sẽ cho con lướt qua mọi kỹ năng trong khả năng có thể của mình, rồi từ đó con sẽ dần dần lựa chọn tương lai mà con muốn trở thành. Khi dạy con, quan trọng nhất là trẻ xác định và dần xác định rõ điều cần học và muốn học. Chỉ cần đảm bảo những điều đó thôi, tâm lý và cảm xúc đều không quá căng thẳng với cả trẻ và cha mẹ.
>> Chật vật học vì những kỳ thi đánh giá
Một số bạn nói rằng "như vậy là cuồng phương Tây" hay "sang Tây mà dạy con kiểu đó". Quả thực, đi ngược dòng đám đông ở Việt Nam thực sự vô cùng khó, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất nhiều để có quan điểm nhất quán và kiên trì theo đuổi đến cùng, vượt qua định kiến xã hội. Tuy nhiên, kinh nghiệm của một bà mẹ hai con, chưa từng cho con đi luyện chữ, học thêm với thầy cô, chống lại mọi thứ học theo "phong trào và hình thức", cho tôi biết điều này:
Khi bọn trẻ còn nhỏ, tôi khốn khổ và cô đơn vì đi một mình trên con đường đó. Nhưng khi các bé nhà tôi lớn, dần phát huy những ưu điểm từ cách dạy dỗ của mẹ thì tôi mới đỡ bị kỳ thị. Rồi sau đó, tôi chuyển sang được mọi người chú ý và tham khảo nhiều hơn. Điều đó khiến tôi mong mỏi được lan tỏa cách cố gắng dạy con tự lập tối đa (hoàn toàn không phải bỏ mặc) theo từng lứa tuổi và các việc con có thể làm.
Tóm lại, cha mẹ chỉ cần cố gắng làm sao để các con mình cảm thấy đi học thực sự là điều cần thiết và vui vẻ, chứ không phải chuyện khổ ải hay tiêu chuẩn đánh giá duy nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.