Học sinh THPT học Văn để làm gì? Nếu đây là câu hỏi của một học sinh, một phụ huynh, bạn sẽ thấy sự băn khoăn kèm theo cả suy nghĩ thực dụng của họ khi so sánh môn Văn và môn học khác. Còn nếu đây là câu hỏi của một người ngoài ngành, bạn sẽ thấy sự hoài nghi đối với vai trò của môn học này trong tác động của nó với người học. Nhưng nếu đây là câu hỏi của một giáo viên dạy Văn thì đó là một sự khủng hoảng trong tâm lý. Và sự thực tôi cũng từng khủng hoảng như thế.
Tại sao tôi đặt ra vấn đề về học sinh THPT? Bởi học sinh Tiểu học cần học Tiếng Việt để biết chữ, biết từ, biết câu, biết viết đoạn, viết bài văn tả cảnh, biểu cảm, kể chuyện... Học sinh THCS cần học Ngữ văn để biết thuyết minh, nghị luận, để nhìn văn học Việt Nam trong tiến trình dân gian, trung đại, hiện đại, để thấy vẻ đẹp của văn học thế giới... Còn với học sinh THPT, vốn đã nắm được tất cả những kiến thức, kỹ năng đó từ cấp học dưới, vậy việc học Văn có thật sự cần thiết?
"Học sinh THPT là một đối tượng khá đặc biệt. Từ 16 tuổi, các em đã là thanh niên, 18 tuổi bắt đầu chọn nghề, chọn trường Đại học, chọn tương lai cho mình. Vậy điều gì khiến họ e dè khi nghĩ đến môn Văn?
Trước hết, trong bối cảnh xã hội mà công nghiệp, dịch vụ phát triển như hiện nay, nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế, những điều sáo mòn mà chúng ta vẫn rao giảng về tác dụng của Văn học đã không còn tác dụng. Chúng ta nói với học sinh rằng học Văn là học làm người. Vậy những môn học khác thì sao? Môn Giáo dục công dân, xét với ý nghĩa đó, còn thiết thực hơn.
Chúng ta nói, học Văn để biết giao tiếp ứng xử khéo léo. Thật ra, nhiều thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa còn nói hay hơn và sự thật, họ thành đạt hơn, giữ những vị trí chức vụ cao hơn. Chúng ta nói, học Văn để bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Vậy càng không nhất thiết phải học, bởi học sinh đọc truyện, đọc sách, xem phim... vẫn có thể xúc động và nhận được nhiều bài học quý giá hơn.
>> 'Học Văn lãng phí nếu chỉ để đi thi'
Thêm nữa, cơ hội việc làm với thu nhập cao có sử dụng môn Văn không nhiều. Quanh đi quẩn lại vẫn là giáo viên, nhân viên hành chính, phóng viên, luật sư, số ít là công an, bộ đội. Nghề phổ biến nhất dành cho những dân "chuyên Văn" có lẽ là giáo viên. Mà nhìn vào gương thầy cô bây giờ, có lẽ ít học trò muốn theo nghề này.
Vật chất vốn dĩ quyết định ý thức, dù người ta cố gắng ngụy biện bằng một hình thức tôn vinh hay động viên nào đó thì nguyên lý ấy cũng không thể thay đổi. Lương giáo viên thấp chung cả nước, hiện nay vào bậc thấp nhất còn thua cả công nhân, thợ hồ. Điều đó có nghĩa là sự coi trọng với nghề giáo cũng là rất thấp trong xã hội.
Giáo viên Văn ở thành phố dạy ôn cho học sinh thi vào 10, thi Đại học có thể kiếm thêm thu nhập. Còn ở nông thôn, miền núi, dạy phụ đạo cho học sinh không thu tiền, học sinh cũng chưa chắc đã đi học. Có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên cho lắm khi nhiều giáo viên Văn vẫn giàu có là hoặc nhờ chồng, hoặc vợ, hoặc bố mẹ, hoặc kinh doanh thêm, chứ không phải nhờ công việc chính nặng về tinh thần của họ.
Học sinh THPT bước vào đời cũng phải bươn chải kiếm sống và họ phải lựa chọn những ngành nghề có thể kiếm ra tiền, thậm chí là nhiều tiền. Vì thế, họ không thể phù phiếm, mơ mộng với môn Văn - vốn chẳng hứa hẹn được tương lai nào cho họ và gia đình.
>> Tôi bị đánh giá 'dốt Văn' vì không viết theo khuôn mẫu
Và một sự thật nữa, khiến học sinh quyết định quay lưng lại với môn Văn, đó là trong khi tất cả các môn học đều thay đổi hình thức thi cử thì môn Văn vẫn giậm chân tại chỗ. Công nghệ phát triển khiến con người hiện đại không phải dùng đến văn bản viết tay, chúng ta gõ bàn phím đã quen, thậm chí có thể dùng giọng nói để hiển thị văn bản. Các môn học khác đã chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm nhưng riêng môn Văn, học sinh vẫn phải làm bài tự luận. Muốn lấy điểm 8, 9, các em phải luyện viết đến chai tay chứ không thể chỉ đọc, mà không phải ai cũng đủ bút lực để viết ít nhất tám mặt giấy trong 120 phút.
Và một hiện trạng là học sinh không muốn ghi chép, không muốn tập viết nữa. Việc học Văn với các trò bây giờ là cực hình. Khi mới vào nghề, tôi từng say sưa giảng và cho học sinh ghi các ý chính trên bảng. Có học sinh khi hết năm học, mới viết ra giấy cho tôi vài lời thế này: "Chúng em rất thích nghe cô giảng nhưng sau đó lại quên mất. Đến lúc viết bài, chúng em không có gì để viết".
Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm, bên cạnh giảng vẫn phải cho học sinh ghi chép thật kỹ. Nhưng Văn ghi chép thế nào cho ít mà vẫn được điểm cao? Một số bạn lười học, lấy cớ ghi nhiều, không muốn học. Thật sự tôi không biết phải làm sao? Có con đường thành công nào lại không phải trải qua gian khổ?
>> Học Văn dù 'không có tính ứng dụng'
Vừa rồi, khi đọc đề tham khảo kỳ thi khảo sát năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi rất vui. Tôi ao ước giá như thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn cũng chuyển đổi theo hình thức như thế. Giáo viên có thể truyền tình yêu môn học cho học trò mà không lo các em không có "vốn" đi thi. Học sinh không phải ghi chép nhiều, không phải đọc văn mẫu, được tư duy, được cảm nhận theo ý mình ngay trong những đoạn văn nhỏ xinh.
Về bản chất, môn Văn khác biệt so với các môn học khác, ngay cả với các môn trong khối Xã hội. Đó là môn học thuộc phạm trù nghệ thuật, nghĩa là thiên về cảm tính, về cảm nhận cái đẹp, đòi hỏi sáng tạo của cá nhân. Cuộc sống của giáo viên có thể chưa thay đổi, áp lực thành tích hằng năm vẫn giữ nguyên, nhưng chỉ cần học trò không sợ học Văn nữa, sẵn sàng mở lòng, yêu thích môn học này, đã là một niềm an ủi lớn với những người "chèo đò" tâm huyết.
Vấn đề nghề nghiệp, vấn đề thu nhập ngăn cản học sinh đến với môn Văn là điều không dễ thay đổi trong tương lai gần. Nhưng vấn đề cải cách thi cử hoàn toàn có thể làm được. Điều đó giúp môn Văn bình đẳng với các môn học khác trong các kỳ thi. Nó cũng sẽ cởi bỏ gánh nặng ghi chép, luyện viết đến chai tay cho người học. Và khi đó, học sinh sẽ có một lý do để học một môn nghệ thuật duy nhất trong trường học phổ thông hiện nay - môn học dạy chúng ta tư duy bằng hình tượng.
Chừng nào những vấn đề trên chưa được giải quyết thì giáo viên Văn vẫn sẽ phải làm việc trong khủng hoảng. Chúng tôi không thể làm cho học sinh yêu Văn khi thực tế là học Văn rất khổ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.