Khoảng 10 năm trở lại đây, tôi thấy trẻ con phải học hành nhiều hơn quá mức so với các thế hệ trước. Cách sinh hoạt hằng ngày cũng "bận rộn" hơn trước. Tôi thấy đáng ra ở cái tuổi mà trẻ cần vừa học vừa chơi, hái hoa bắt bướm, thì giờ chúng lại phải học quá nhiều. Bài viết của tôi dựa trên góc nhìn của một người đã lớn lên ở nông thôn và sống cả ở thành phố, trên cả ba miền đất nước. Hy vọng quan điểm của tôi sẽ giúp ích được phần nào cho các bậc phụ huynh có con dưới 18 tuổi.
Học ngoại ngữ quá sớm
Ở đây, tôi nói chủ yếu về tiếng Anh. Xu thế hội nhập làm các bậc phụ huynh mong muốn con mình trở thành những công dân toàn cầu, giỏi ngoại ngữ để có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, học ngoại ngữ như thế nào là vừa, như thế nào là hiệu quả thì lại không được quan tâm đúng lắm. Điều này đã dẫn tới hệ lụy là rất nhiều bố mẹ cho con đi học ở các trung tâm Anh ngữ từ khi bốn, năm tuổi, chấp nhận bỏ ra một khoản thu nhập rất lớn cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ giáo dục này.
Nếu sống ở Việt Nam và làm việc trong môi trường quốc tế, bạn chỉ cần trình độ ngoại ngữ ở mức độ vừa phải, ví dụ IELTS 6.5 hay TOEFL iBT khoảng 95 điểm là đủ dùng. Kiến thức chuyên môn trong công việc mới là ván đề then chốt chứ việc bạn có tiếng Anh nhưng không thể làm được việc thì cũng khó mà sống sót với nghề. Thực tế, để đạt được những số điểm TOEFL, IELTS như kể trên, bạn chỉ cần học tiếng Anh hai tiếng mỗi ngày, trong một năm liền (khoảng 700-800 giờ học thật hiệu quả) là đủ.
Trong khi đó, phụ huynh bây giờ hay cho các bé bốn, năm tuổi học ngoại ngữ sớm nhưng chủ yếu các bé chỉ được dạy về các câu từ giao tiếp cơ bản, các từ vựng phổ biển trong đời sống. Nhìn qua, chúng ta sẽ thấy rất hay vì các bé đang nhỏ mà đã giao tiếp với khách nước ngoài. Tuy vậy, để có đủ khả năng ngoại ngữ phụ vụ cho chuyên môn việc làm sau này thì trên hết bạn cần chăm chỉ học và thực hành. Việc tự học các từ vựng để bổ sung vào cách giao tiếp tiếng Anh là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng không trường lớp nào đủ kiên trì để suốt ngày thúc giục con bạn làm như vậy.
Bản thân tôi đã gặp rất nhiều anh chị trước đây học trường làng ở nông thôn, thi tốt nghiệp lớp 12 mà với điểm tiếng Anh chỉ đạt 6-7 điểm. Vậy mà lên đại học, họ quyết tâm học ngoại ngữ, dựa trên sự siêng năng đã có sẵn, số người thi TOEIC được trên 800 điểm, thi IETLS từ 6.5 trở lên không hề khó. Thậm chí, nhiều người sau này đã xin đi du học thành công, làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ, dùng tiếng Anh học thuật để viết bài báo khoa học... Do vậy, tôi nghĩ trẻ em bây giờ hoàn toàn đủ sức làm được điều đó, vì được chăm sóc tốt hơn thời xưa rất nhiều.
Tóm lại, đi nhanh chưa chắc đã đi được xa, phụ huynh cho con học tiếng Anh quá sớm không có nghĩa sau này con mình sẽ giỏi ngoại ngữ vượt trội hơn những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, tính chất nhiều công việc cũng không quá coi trọng việc bạn nói được như người bản ngữ.
>> 'Không nên cho trẻ học tiếng Anh trước 12 tuổi'
Xem nhẹ vận động thể chất
Nhiều phụ huynh hiện nay đang thiếu coi trọng việc vận động cho con trẻ, dẫn tới sự phụ thuộc sau này về mặt tâm lý cho con. Thể dục, thể thao là một phần tất yếu trong cuộc sống. Bạn hãy nhìn các tổng thống Mỹ mà xem, hầu hết họ thời trẻ đều giỏi thể thao ở trường đại học chứ không phải dạng ù lỳ, mọt sách, "trói gà không chặt". Đừng bắt con cái học văn hóa quá nhiều mà quên việc dạy con cái thói quen thể dục, thể thao. Mỗi ngày, trẻ em dưới 18 tuổi hoàn toàn có thể dành một giờ đồng hồ để chơi đủ các trò chơi từ vận động mạnh tới nghệ thuật. Chính những hoạt động này mới khai phá tiềm năng và phát triển tính cách cho trẻ (teamwork, sự nhẫn nại, cố gắng không bỏ cuộc, tỉ mỉ, khiêm tốn...).
Đâu phải ai cũng lớn lên để trở thành bác sĩ, kỹ sư hay luật sư. Có thể con bạn sẽ thành cầu thủ bóng đá, ca sĩ, và những thứ đó đều bắt nguồn từ việc được trải nghiệm vận động khi còn nhỏ. Vận động nhiều sẽ làm con người siêng năng lên. Ví dụ, thường ngày, một cậu bé 16 tuổi có thể lên xà đơn được năm, bảy lượt thì khi bưng bê đồ đạc giúp bố mẹ, chúng sẽ khỏe hơn rất nhiều. Bố mẹ chỉ cần khích lệ rằng "con từng làm được việc khó hơn, nên việc dễ như thế này không thể cản con được".
Con người hay có tâm lý phản chiếu cái gương (mirror effect), tức là nhớ lại ngày xưa mình đã làm được việc này hay chưa để có thể đủ tự tin làm những việc khác. Với những bố mẹ bận rộn hoặc có thói quen lười vận động, hãy nên khuyến khích con cái tham gia các CLB ở địa phương, như vậy sẽ rất tốt cho con bạn.
Dinh dưỡng qua loa
Ở TP HCM, tôi thấy rất nhiều ba mẹ đưa đón con đi học rồi ghé vào quán ven đường ăn tối luôn. Họ quá bận để nấu một bữa cơm ở nhà. Nhưng thực tế, việc ăn ngoài không đảm bảo dinh dưỡng, cũng như vệ sinh cho con. Việc sắp xếp thời gian để con cái có thể được ăn cơm do bố mẹ nấu ở nhà là rất quan trọng, không chỉ về mặt thể chất cho con mà còn về mặt tinh thần. Bữa cơm gia đình luôn là thứ gắn kết tình cảm trong nhà, giúp cho thành viên chia sẻ chuyện riêng với nhau. Tôi không hiểu vì sao mà nhiều phụ huynh giờ cứ để con mình ăn hàng quán và tối về chỉ lo ôm điện thoại lướt Facebook, hóng chuyện của thiên hạ.
Nhồi nhét kỹ năng mềm
Nhiều phụ huynh bây giờ hay cho con đi học các trường đào tạo kỹ năng. Tôi thấy điều đó cũng có thể có ích, nhưng mong các phụ huynh cân nhắc dựa trên túi tiền của mình. Vì tất cả những kỹ năng đó hoàn toàn có thể rèn luyện được, nhưng cũng có thể mất đi nếu không duy trì thường xuyên. Do đó, việc con mình học bây giờ có thể hữu ích, nhưng sẽ không được gì nếu sau này chúng không duy trì luyện tập mỗi ngày. Sự bền bỉ (consistency) là yếu tố rất khó để thực hiện. Làm được thì luôn dễ, duy trì thật lâu dài mới khó. Nếu khóa học đó rẻ tiền, bạn có thể cho con mình học để biết, nhưng nếu đắt đỏ, tôi nghĩ chính cha mẹ có thể dành thời gian và tự tập luyện cho con mình dần dần theo năm tháng. Đừng phó mặc cho đồng tiền vốn chẳng dư dả gì.
>> Những đứa trẻ mắc kẹt trong mác 'thần đồng'
Tôi viết bốn điều trên đây với mong muốn các bậc phụ huynh xem xét và điều chỉnh cho bản thân. Cứ mỗi tối đi chạy bộ thể dục trên đường gần nhà, tôi lại thấy phụ huynh đậu xe máy, ôtô kín đường để chờ con trẻ học ngoại ngữ tới 20-21h, trong khi học phí cho các trung tâm cũng đâu có rẻ. Thời gian con trẻ phải ngồi học, của bố mẹ đứng chờ và đưa đón làm mỗi ngày ngắn đi bao nhiêu, nhưng hiệu quả mang lại không phải ai cũng đo đếm được.
Đường dài mới biết ngựa hay, con bạn không cần phải quá giỏi hơn các bé khác khi còn nhỏ vì như thế sẽ trở thành áp lực sau này. Bố mẹ kỳ vọng về con quá mức sẽ làm hại con mình. Cứ để con cái phát triển một cách tự nhiên. Với tôi, sau này khi dạy con, tôi sẽ gắng thiết kế thực đơn nghiêm chỉnh hằng tuần cho con, ít cho uống nước ngọt hay trà sữa, ít ăn ngoài nhất có thể. Mỗi ngày, cần cho con vận động ít nhất một giờ đồng hồ, cần tham gia làm việc nhà với bộ mẹ theo từng độ tuổi chứ không phó mặc cho cô giúp việc. Tôi cũng sẽ cho con 1-2 giờ mỗi ngày để tự do làm thứ mình muốn, chơi thứ mình thích.
Con được ăn uống đủ chất, vận động hằng ngày, có thời gian rảnh cho bản thân, và biết phụ giúp bố mẹ việc vặt trong nhà, như thế là đã quá đủ cho một ngày của bé. Đừng cố khỏa lấp những thời gian rảnh của con bằng việc buộc con phải ngồi ở các trung tâm Anh ngữ hay lớp học kỹ năng kia, hay bắt chúng phải ngồi ăn quán triền miên, hoặc ôm smartphone mỗi tối. Những đứa trẻ học quá nhiều sẽ sớm nản vì mệt mỏi, dẫn tới học phí tiền, trong khi ăn uống qua loa sẽ không giúp con có thể trạng tốt. Xin đừng biến con mình thành "gà nòi" quá sớm.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.