Áp đặt, quát mắng, hối thúc con học là phương pháp được nhiều bậc cha mẹ Việt áp dụng để dạy con và có thể mang lại tác dụng tức thì. Tuy nhiên, liệu đây có phải là phương pháp tốt đem đến hạnh phúc cho con trẻ và cả người lớn?
Nói về câu chuyện này, độc giả Trananh chia sẻ quan điểm: "Tôi năm nay 36 tuổi, vợ 32 tuổi. Chúng tôi kết hôn được tám năm, có hai con 6 tuổi và 4 tuổi. Tôi đồng cảm với quan điểm của tác giả bài viết 'Những đứa trẻ bị quát' trong việc nuôi dạy con trẻ.
Tôi học tiểu học vào những năm 1992-1995, thấy rằng học sinh bây giờ không có động lực học mạnh mẽ như thời của mình. Hồi đó, việc học với chúng tôi như một sứ mệnh cao cả mà cả xã hội đặt niềm tin vào mỗi học sinh. Phần thưởng cho học sinh giỏi cấp huyện chỉ là một mảnh vải may áo, nhưng sao mà quá đỗi tự hào.
Còn bây giờ, học sinh có ít động lực học hơn trước, chúng ngại tìm tòi, ngại động não. Nếu để chúng thoải mái chủ động học, tôi tin chúng sẽ thích xem YouTube, chơi game trên điện thoại hơn là ngồi vào bàn học. Tôi đã thử hướng dẫn con cách chủ động trong việc học, nhưng rồi lại phải theo cách của vợ, ép buộc con làm Toán, rèn chữ, chính tả.
Làm sao để khơi dậy trong mỗi đứa trẻ khát khao tiếp thu tri thức, trong một thời đại mọi thứ quá đủ đầy? Ngày xưa tôi được động viên, khích lệ từ gia đình, nhà trường, nên thành tích học tập khá tốt. Hồi đó, tôi học cấp 3 chuyên Toán của Đại học Khoa học tự nhiên. Tuy học giỏi Toán phổ thông, nhưng phải rất lâu sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mới có thể ứng dụng cách tư duy vào đời sống hàng ngày.
Trẻ con bây giờ thiếu sự tập trung cần thiết để giải quyết một vấn đề (như giải một bài Toán). Nếu thiếu đi nền tảng này, chúng sẽ gặp khó khăn khi lớn lên. Một điều nữa mà tôi gặp trong khi theo dõi con học lớp 1, đó là chương trình học tương đối nhàm chán, chưa tạo được hứng thú cho học sinh".
>> 'Không đánh thì dạy con bằng cách nào?'
Đồng quan điểm, bạn đọc Haiconmeongoibencuaso chia sẻ về tuổi thơ sống trong áp lực bởi những sức ép từ phía cha mẹ: "La mắng hay roi vọt không phải lúc nào cũng là phương pháp giáo dục tốt với trẻ. Chúng ta ai cũng từng là những đứa trẻ, hãy nhớ lại xem mỗi lần mình lỡ làm sai điều gì mà bị bố mẹ đánh mắng, chúng ta cảm giác thế nào? Tôi có những bậc phụ huynh rất yêu thương con nhưng đặt kỳ vọng lên con quá lớn và chưa có sự thấu hiểu cần thiết, nên để lại hậu quả là một đứa trẻ trong tôi bị tổn thương.
Tôi luôn nơm nớp lo sợ mình làm sai, bị đánh giá rồi bị chê bai. Tôi nghĩ đến từ việc hồi bé đã sợ bố mẹ la mắng và trên hết là thất vọng vì mình. Tôi không trách bố mẹ, vì họ có những lo toan cuộc sống và hành động của họ xuất phát vì tình yêu thương, lo lắng cho tương lai của tôi.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hồi bé tôi rất bướng, không biết đúng sai, cái gì nhất nhất phải theo ý mình. Khi trưởng thành, tôi biết rằng bố mẹ có những lúc mạnh tay như vậy cũng do tính cách quá cứng đầu của tôi. Họ nhẹ nhàng không ăn thua nên phải nặng lời và nặng tay hơn.
Trẻ con có lý luận của trẻ con. Lúc đó tôi chỉ đặt câu hỏi: "Tại sao con không được làm thế này?" nhưng không ai giải thích, mà chỉ bắt tôi không được làm điều này, điều nọ. Tôi thiết nghĩ mỗi bố mẹ hãy dành chút thời gian để hiểu hơn về con mình. Nếu con có hành động không phải, thay vì la mắng, hãy tìm hiểu vì sao chúng lại như vậy, rồi từ đó từ từ tìm cách điều chỉnh. Đừng vội bắt ép các em đi theo "tiêu chuẩn" của người lớn.
Mỗi người lớn chúng ta cũng đã là những đứa trẻ bị tổn thương. Hãy trao đi và thấu hiểu nhiều hơn cho các bé vì đó cũng là cách chúng ta chữa lành vết thương của chính mình".
>> Những đứa con vô dụng trong mắt cha mẹ
Làm sao khơi dậy ham muốn học cho trẻ khi cuộc sống đủ đầy? Độc giả Fannynguyen86 cho rằng: "Theo tôi, việc học ở nước ta vất vả như vậy bởi chúng ta xác định sai ngay từ đầu rằng học để làm gì? Học không phải chỉ để giỏi làm tính, viết chữ đẹp, thi học sinh giỏi có giải, vào đại học, sau này đi làm phòng máy lạnh, lương cao.
Học là để biết cuộc sống ngoài kia có những gì, đứa trẻ nghiệm qua mọi điều rồi chọn thứ nó thích làm nhất, có năng khiếu nhất để làm tốt nhất. Có như vậy, sau này ra đời, các em mới có thể bước chân vào thị trường lao động là làm tốt việc được ngay, đồng thời có đủ niềm đam mê mà trụ vững với nghề dù công việc vất vả.
Ở Việt Nam người lao động làm công ăn lương hầu hết khó có thể làm giàu, nên nhà nhà bỏ nghề đi buôn đất, buôn hàng xách tay... Điều đó khiến môi trường học đường, vốn là nhà máy chuẩn bị nguyên liệu cho môi trường lao động, cũng bị kéo xuống theo. Nên cũng đừng vội trách các thầy cô hay ngành giáo dục".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy cảm xúc của trẻ làm trung tâm trong giáo dục, bạn đọc Thanh.uyenmy nêu quan điểm: "Giáo dục là làm cho người học thấy được cái hay cái đẹp của tri thức. Tôi tin không có đứa trẻ dốt mọi thứ, chỉ có phương pháp chưa phù hợp mà thôi. Bản thân tôi làm nghề dạy học nhiều năm, nên rút ra được một số điều thế này:
Thứ nhất, chương trình học muốn bao phủ toàn bộ nội dung kiến thức, phát triển toàn diện trẻ, nhưng mỗi cá nhân người học chỉ quan tâm, chấp nhận, yêu thích, thể hiện năng lực ở một vài lĩnh vực nào đó. Vì thế, giáo viên và phụ huynh cần hiểu trẻ để có định hướng đúng.
Thứ hai, trẻ đi học ở các bậc học đều có mục tiêu, mốc phát triển phù hợp với mặt bằng chung của lứa tuổi, vì thế giáo viên và phụ huynh nên nắm bắt được điều này để làm căn cứ quan sát, nhận biết được mức độ phát triển của con mình.
Thứ ba, muốn giúp trẻ đạt được kiến thức thì người dạy phải lựa chọn phương pháp đúng, để vừa phát huy được sở thích sở trường của người học, thông qua đó bắc cầu được kiến thức cần chuyển tải. Vì thế, đầu tư cho giáo dục, việc đầu tiên cần làm là nâng cao chất lượng trình độ của giáo viên: hiểu chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hiểu năng lực và sở thích của trẻ. Chống bệnh thành tích, biểu diễn hình thức, thực sự lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng trẻ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.