"Chính quyền Mỹ có thể đồng ý cho Triều Tiên duy trì năng lực hạt nhân với một số điều kiện nhất định, có nghĩa là Triều Tiên sẽ được đưa vào tình trạng tương tự Pakistan dù điều này hiện khá lạ lẫm. Đây sẽ là bước phát triển rất thú vị của tình hình trên bán đảo Triều Tiên", TASS ngày 27/2 dẫn nhận định của Georgy Toloraya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á của Nga thuộc Viện Kinh tế.
Chuyên gia Toloraya cho rằng Tổng thống Trump có ý muốn chuyển từ chỗ coi Triều Tiên từ đối thủ sang đối tác phục vụ mục tiêu địa chính trị của mình, trong đó có việc đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó Chủ tịch Kim Jong-un muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ và có thể có một số nhượng bộ với Tổng thống Trump.
"Chúng ta sẽ biết cam kết của lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ sau khi cuộc gặp ngày 28/2 kết thúc, chúng phụ thuộc vào vị trí và những nhượng bộ của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un dành cho nhau", Toloraya nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay có buổi làm việc thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. Triều Tiên tuyên bố hai bên sẽ cùng xây dựng niềm tin và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Tổng thống Trump thừa nhận tiềm năng kinh tế vô tận của Triều Tiên.
Pakistan là một trong chín nước sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Quốc gia Nam Á này bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân sau thất bại trong Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 dẫn đến sự thành lập của Bangladesh.
Lần đầu tiên Pakistan công khai năng lực hạt nhân là vụ thử Chagai-I tháng 5/1998. Mỹ đình chỉ toàn bộ hoạt động hỗ trợ kinh tế và ban hành lệnh trừng phạt Pakistan sau vụ thử hạt nhân này. Tuy nhiên, khi phát động "Cuộc chiến chống khủng bố" năm 2001, Mỹ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập quan hệ đồng minh với Pakistan.
Nguyễn Tiến