Thứ năm, 28/2/2019, 09:35 (GMT+7)

Chuyên gia: Kim sẽ 'thúc đẩy kết quả thực chất' với Trump hôm nay

Giới quan sát hy vọng Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Mỹ sẽ đạt được kết quả cụ thể trong cuộc gặp tại Hà Nội.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tối 27/2. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tối 27/2. Ảnh: Reuters.

"Tôi cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thúc đẩy để có các kết quả thực chất hơn trong cuộc gặp lần hai với Tổng thống Mỹ Trump", giáo sư Jonathan Cristol, Đại học Adelphi, Mỹ, dự báo khi trao đổi với VnExpress về thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. 

Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ muốn Mỹ cam kết nới lỏng lệnh trừng phạt hoặc giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Về phía Trump, ông lại không quá cứng rắn để có kết quả thực chất, chừng nào Chủ tịch Triều Tiên còn giữ lời hứa không tiếp tục các vụ thử tên lửa và hạt nhân. "Chừng đó Trump có thể đã coi là một chiến thắng".

Ông Cristol cho rằng Mỹ - Triều chưa có những chuẩn bị để có thể đạt được thoả thuận cụ thể trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai. Hai bên có thể đưa ra một thoả thuận chung, có một số điểm cụ thể, chưa có lịch trình nhưng "không phải kết quả tồi". Mỹ - Triều có thể đưa ra Tuyên bố hoà bình, nhưng không phải Hiệp đình hoà bình vì cần có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc.

"Điều quan trọng nhất lúc này là Trump tin mọi điều đang tiến triển tốt, tạo ra không gian cho các thảo luận liên Triều tiếp tục, chậm nhưng thực chất", ông nói. Giáo sư Cristol bày tỏ quan ngại là Trump nhượng bộ để "đổi lấy cái bắt tay ấm áp" với Kim Jong-un. 

Đánh giá cao tiến triển đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Siegfried Hecker, Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore "có nhiều hơn ý nghĩa biểu tượng", đó là thiết lập quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, giúp tránh nguy cơ hai nước bên bờ vực chiến tranh. Sau đó, Triều Tiên đã có những bước đi đáng kể như chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân, giảm tốc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Hecker, đàm phán giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên đang trong tiến trình nhanh. Ông hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ thực hiện các đi cụ thể, gồm tạm ngừng và tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, đổi lại là giảm trừng phạt và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Harry Kazianis, Trung tâm Lợi ích quốc gia, Mỹ, cho rằng nếu Mỹ muốn thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Washington cần tìm cách để làm cho Bình Nhưỡng tin rằng Mỹ nghiêm túc về việc tạo dựng một mối quan hệ mới, cho thấy căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ cuối cùng có thể chấm dứt. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Trump cần ký một tuyên bố hoà bình, chấm dứt chiến tranh.

Khi đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có bằng chứng cho thấy Mỹ không có ý định duy trì chính sách thù địch với Bình Nhưỡng. Ông Kim có thể cần điều này để chia sẻ với người dân Triều Tiên, quân đội và thậm chí và bộ máy lãnh đạo của mình. Đó là một cơ sở để Triều Tiên bắt đầu quá trình phi hạt nhân hoá. 

"Đó có thể là cơ hội thực tế duy nhất giúp chấm dứt diễn biến thăng trầm trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên gần đây", Kazianis nói.

Tỏ ra thận trọng hơn, Evans Revere, Cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thời kỳ Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, dự đoán Chủ tịch Triều Tiên sẽ có một vài nhượng bộ nhỏ để đảm bảo duy trì đối thoại với Tổng thống Trump.

"Chúng ta nên hy vọng là Triều Tiên sẽ đề xuất một số vấn đề khiến Tổng thống Trump coi là có tiến triển trong phi hạt nhân, dù các bước đi đó chỉ mang tính biểu tượng", Revere nói.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế, Nhật Bản, coi việc Mỹ - Triều chính thức ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là "điểm xuất phát" để hai bên có các đàm phán tiếp theo. Bên cạnh đó, việc thiết lập văn phòng liên lạc của Mỹ ở Triều Tiên sẽ là bước đi cho thấy cam kết thực chất về ngoại giao. Văn phòng này giúp các quan chức hai bên có liên lạc thường xuyên và xây dựng niềm tin. 

Nagy cho rằng khi có văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng, con đường định nghĩa khái niệm phi hạt nhân sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc, dù đó là con đường dài. Việc này cũng giúp chính quyền Trump nhận thấy rằng đây là giải pháp phù hợp để đạt nối lại quan hệ với Triều Tiên và phi hạt nhân bán đảo. Nếu không giải quyết được các vấn đề này, việc đạt được thoả hiệp giữa hai nước sẽ càng khó khăn hơn.

Nagy gợi ý khi các chuyên gia của Mỹ và Triều Tiên kiên trì thảo luận, cam kết với nhau, và sử dụng "ngoại giao cửa sau", hai bên mới có thể thoả hiệp để đạt được mục tiêu lâu dài là phi hạt nhân và bình thường hoá quan hệ.

"Điều đó có nhiều ý nghĩa hơn là một thoả thuận", ông nói. 

Khánh Lynh

 

Chia sẻ bài viết qua email