Thứ sáu, 22/2/2019, 20:00 (GMT+7)

Người Hàn kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội

Những người Hàn Quốc lớn tuổi vui mừng nhưng vẫn nghi ngại về triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên, trong khi người trẻ tỏ ra lạc quan hơn.

Ông Kang Young-ho (phải), 73 tuổi chụp ảnh cùng vợ và cháu nội hai tuổi, con gái của con trai cả và một phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ông Kang Young-ho (phải), 73 tuổi chụp ảnh cùng vợ và cháu nội hai tuổi, con gái của con trai cả và một phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, ông Kang Young-ho, lúc đó 5 tuổi, xách một chiếc túi nhỏ, cùng cha mẹ, ba chị gái và một em trai, dắt díu nhau chạy từ Seoul xuống miền nam. Người đàn ông năm nay ở tuổi 73 nói với VnExpress rằng: "Đó là kỷ niệm cả đời tôi không thể quên".

Gia đình ông Kang là những người may mắn không chịu mất mát trong cuộc chiến kéo dài từ tháng 6/1950 đến tháng 7/1953. Theo các nhà sử học, khoảng 3-4 triệu người đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên, trong đó 70% là dân thường. "Tôi biết rất nhiều gia đình chịu cảnh ly tán sau cuộc chiến. Nhiều bạn bè tôi chưa từng được gặp lại người thân trong suốt gần 70 năm qua", ông Kang tâm sự.

Dù không có mối liên hệ với Triều Tiên, thi thoảng ông Kang vẫn dẫn gia đình đến khu vực gần biên giới và đứng trên đài quan sát trông về những ngôi làng phía bên kia. "Một vài lần tình cờ trên đường phố Seoul, tôi gặp người Triều Tiên đào tẩu. Tôi nhận ra họ ngay vì cách phát âm hơi khác".

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội cuối tháng này để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và khả năng ký một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên. Với những người Hàn Quốc thuộc thế hệ khác nhau, kỳ vọng của họ với hội nghị và mong ước về tương lai cũng không giống nhau.

Ông Kang Young-ho từng là giáo viên dạy đạo đức và xã hội tại trường trung học ở Seoul. Hiện ông đã nghỉ hưu và giúp vợ kinh doanh cơm văn phòng ở Gangnam, khu dân cư sầm uất và giàu có bậc nhất giữa lòng thủ đô của Hàn Quốc. Ông ngồi ở nhà theo dõi cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi năm ngoái qua truyền hình. "Tôi không bận tâm lắm và không có cảm xúc gì đặc biệt", ông thẳng thắn. "Nhưng tôi mừng là Triều Tiên đồng ý nói chuyện".

Đối với nhiều người Hàn Quốc, chứng kiến cảnh Kim Jong-un trò chuyện vui vẻ với Tổng thống Moon Jae-in trên đường phân định ranh giới hai miền và cú bắt tay lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều ở Singapore khiến họ cảm thấy lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên bớt xa lạ đi nhiều.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: Reuters.

Nhưng ở tuổi ngoài 70, dựa vào trải nghiệm sống của mình, ông Kang nghi ngờ về sự thay đổi thái độ đột ngột của lãnh đạo Triều Tiên. "Tôi không hoàn toàn tin Triều Tiên". Quan điểm của ông không phải không có lý.

Năm 1994, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton và Triều Tiên ký một thỏa thuận, trong đó Bình Nhưỡng cam kết dừng và giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lò phản ứng sản xuất điện dùng vào mục đích dân sự. Hai bên cũng cam kết tiến tới bình thường hóa quan hệ và không đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Nhưng đến năm 2002, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình làm giàu urani, vi phạm thỏa thuận 1994.

Năm 2005, sau đàm phán 6 bên, Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Nhưng năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.

Năm 2007, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga một lần nữa ngồi vào bàn đàm phán 6 bên, thuyết phục Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhưng mọi nỗ lực đều không hiệu quả. Đến cuối năm 2008, Bình Nhưỡng khởi động lại chương trình hạt nhân, cấm thanh sát viên quốc tế và chính thức chấm dứt đàm phán vào năm 2009.

Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, Triều Tiên liên tiếp phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tuyên bố của lãnh đạo Kim Jong-un rằng: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của chúng tôi". Hai vụ thử tên lửa đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Trump và Kim. Lần đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ đe dọa "xóa sổ hoàn toàn Triều Tiên".

Những tháng cuối năm 2017 chứng kiến các động thái leo thang nhanh chóng của Bình Nhưỡng. Vào tháng 8, trong một vụ thử khác, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay ngang lãnh thổ Nhật Bản. Tổng thống Mỹ đáp lại với tuyên bố cứng rắn: "Đối thoại với Triều Tiên không phải là giải pháp". Vào tháng 9, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 và tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân. Mỹ phản ứng bằng cách áp thêm lệnh trừng phạt mà Triều Tiên miêu tả là "hành động gây chiến".

Tuy nhiên nhờ những nỗ lực "phá băng" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội Mùa đông PyeongChang tháng 2/2018. Một tháng sau đó, trở về sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc thông báo tại Washington rằng lãnh đạo Kim Jong-un mời Tổng thống Trump gặp thượng đỉnh. Lời mời này có tính chất lịch sử trong mối quan hệ Mỹ - Triều vì chưa từng có một tổng thống Mỹ đương nhiệm nào đồng ý ngồi vào bàn thương lượng mặt đối mặt với lãnh đạo Triều Tiên.

Dẫu vậy, nhiều người dân Hàn Quốc như ông Kang vẫn không giấu được sự lo lắng. "Tôi nghĩ Hàn Quốc nên duy trì sức mạnh quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia". Nhiều chuyên gia lo ngại Trump có thể đồng ý rút lực lượng quân sự đồn trú tại Hàn Quốc như động thái nhượng bộ để tiến tới một hiệp đình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đổi lấy cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

"Tôi lo lắng về nguy cơ Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Tôi nghĩ họ nên ở Hàn Quốc thêm một thời gian nữa", ông Kang bày tỏ quan điểm.

Nói về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp diễn ra ở Hà Nội, ông Kang Young-ho cho biết lần này ông càng có lý do để quan tâm và theo dõi. "Bởi đơn giản con dâu tôi là người Việt Nam, quê hương của con bé ở Hà Nội", ông tự hào khoe.

Ông hy vọng tương lai tốt đẹp sẽ đến với người dân Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. "Họ nên mở cửa và phát triển kinh tế", ông nói. "Nhưng tôi không cho rằng việc thống nhất là hoàn toàn cần thiết".

Lee Guy-hun học tại đại học Sheffield, Anh vào năm 2010. Ảnh: NVCC.

Lee Guy-hun học tại đại học Sheffield, Anh vào năm 2010. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Lee Guy-hun, 32 tuổi, lại hy vọng về một tương lai thống nhất bán đảo Triều Tiên bất chấp những khác biệt văn hóa sau 70 năm chia cắt và khoảng cách kinh tế giữa hai miền.

Theo anh, nếu viễn cảnh đó xảy ra sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ trở thành một khối thống nhất nhiều tiềm năng phát triển hơn, sức mạnh quốc gia lớn hơn và vị thế đất nước sẽ nâng cao hơn nữa.

Lee từng tốt nghiệp đại học ở Anh và sang Việt Nam năm 2013 nhờ học bổng Kim Woo-Choong, cựu chủ tập đoàn Daewoo. Chương trình hỗ trợ tài chính cho Lee một năm học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa địa phương và thực tập tại một công ty Hàn Quốc đang làm ăn kinh doanh ở Việt Nam.

Sau 6 năm sống ở Hà Nội, Lee hiện quản lý một công ty riêng và đồng quản lý một văn phòng chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc có ý định đầu tư vào Việt Nam và tham gia vào các dự án kinh tế của chính phủ Hàn ở Việt Nam.

"Các bạn hẳn cảm thấy rất tự hào vì Việt Nam là nước đứng ra tổ chức hội nghị Trump - Kim lần hai. Một sự kiện lớn như vậy cơ mà. Hình ảnh của đất nước sẽ thay đổi hoàn toàn sau sự kiện này", Lee nói bằng tiếng Anh pha giọng Anh và Mỹ trong cuộc phỏng vấn.

Lee kể trước khi đi du học, anh phải đi nghĩa vụ quân sự hai năm. Hàn Quốc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ năm 1957 với mọi nam công dân tuổi từ 18 đến 27 vì Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau hiệp định ngừng bắn năm 1953. "Tất cả những gì tôi biết về Triều Tiên là qua lời kể của ông bà cha mẹ và học ở trường. Thế hệ chúng tôi có những mối bận tâm khác", anh nói.

Sinh ra ở Seoul và lớn lên ở một thành phố nhỏ yên bình cách thủ đô không xa, Lee cho biết cũng giống như thanh niên Hàn Quốc, anh không cảm thấy sợ hãi trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Lee nắm thông tin về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên qua đài báo vì suốt 10 năm qua, anh chủ yếu sống ở nước ngoài và mỗi năm chỉ về thăm nhà hai lần. "Hơn nữa, cũng giống như người Nhật quen với động đất, chúng tôi không sống trong nỗi sợ hãi thường trực hàng ngày", Lee phân tích.

Lee thừa nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai "có tính chất lịch sử". "Nhưng tôi không chắc lãnh đạo Triều Tiên sẽ lắng nghe bao nhiêu", Lee thận trọng khi nhận xét rằng có thể Kim Jong-un thấy đã đến lúc phải mở cửa vì tình hình kinh tế trong nước khó khăn.

"Tôi luôn muốn hai miền thống nhất vì trong lịch sử chúng tôi từng là một", Lee kết luận trước khi vội vàng trở lại với công việc bận rộn.

Hạnh Phạm

 

Chia sẻ bài viết qua email