Cố vấn an ninh Hàn Quốc Chung Eui-yong thông báo về cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: New York Times.
Kể từ sau cuộc chiến đẫm máu trên bán đảo Triều Tiên 65 năm trước, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên luôn trong trạng thái đối đầu và căng thẳng, xen vào đó là những khoảng thời gian "tan băng" ngắn ngủi, AFP đưa tin.
Bán đảo Triều Tiên chia cắt
Năm 1945, Thế chiến II kết thúc và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ quân phát-xít Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Tháng 8/1945, số phận của bán đảo này được định đoạt khi Mỹ và Liên Xô quyết định chia đôi bán đảo từ vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía bắc, còn Mỹ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía nam.
Đến ngày 10/5/1948, người dân phía Nam đi bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đầu tiên Syngman Rhee. Khoảng 4 tháng sau đó, vào ngày 9/9/1948, đảng Cộng sản Triều Tiên do Kim Nhật Thành đứng đầu thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trong khi Mỹ hậu thuẫn Hàn Quốc thì Liên Xô và Trung Quốc bảo trợ Triều Tiên.
Ngày 25/6/1950, khoảng 135.000 binh sĩ Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công Hàn Quốc. Tháng 7/1950, quân đội Mỹ tham chiến cùng Hàn Quốc để "chống lại sự bành trướng" của Triều Tiên. Tháng 10/1950, khi quân đội Triều Tiên bị đẩy đến sát biên giới với Trung Quốc, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu tham chiến. Nhận thấy nguy cơ về Thế chiến III sắp xảy ra, Mỹ quyết định rút quân. Tháng 7/1953, cùng với hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, khu phi quân sự dọc vĩ tuyến 38 được hình thành. Và kể từ đó Washington áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng.
Khủng hoảng tàu do thám Pueblo
Sau cuộc chiến khốc liệt kéo dài ba năm, Mỹ và Triều Tiên liên tục va chạm trong những sự vụ căng thẳng. Vụ tàu do thám cải trang USS Pueblo của Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ đầu năm 1968 được xem là một trong sự kiện như thế.
Vào thập niên 1970, hải quân Mỹ muốn thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực. Washington quyết định sẽ sử dụng một tàu do thám cải trang để thực hiện nhiệm vụ tối mật này. Tuy nhiên, điệp vụ này hoàn toàn thất bại, sau đó đoàn thủy thủ gồm 83 người bị Bình Nhưỡng giam giữ suốt 11 tháng. Vào năm 1969, Triều Tiên bắn hạ một máy bay trinh sát của Mỹ.
Những lần tiếp xúc
Tháng 6/1994, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter có chuyến đi lịch sử tới Triều Tiên. Sau đó 4 tháng, khi Kim Nhật Thành qua đời, con trai Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) lên lãnh đạo và ký kết hiệp định song phương với Mỹ. Theo đó, Bình Nhưỡng cam kết dừng và giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lò phản ứng sản xuất điện dùng vào mục đích dân sự.
Năm 1999, một năm sau vụthử tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên, lãnh đạo Kim Jong-il tuyên bố hoãn các vụ thử trong tương lai. Để đáp lại, Washington nới lỏng lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.
Vào tháng 10/2000, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ bà Madeleine Albright gặp gỡ Kim Jong-il tại thủ đô Bình Nhưỡng.
'Trục ma quỷ'
Tới tháng 1/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush xếp Triều Tiên, bên cạnh Iran và Iraq, vào "trục ma quỷ". Đến cuối năm đó, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình làm giàu uranium, vi phạm hiệp định ký kết năm 1994.
Tháng 8/2004, Triều Tiên tuyên bố phá vỡ hiệp định về chương trình hạt nhân đã ký với Mỹ và chỉ trích Tổng thống Bush là "kẻ độc tài" tàn độc hơn cả Hitler và "một chính trị gia tay mơ".
Đến năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Ra khỏi danh sách đen của Mỹ
Tháng 10/2008, Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách đen những quốc gia tài trợ khủng bố để đổi lại quyền kiểm soát việc lắp đặt các cơ sở hạt nhân ở nước Đông Á này. Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen này kể từ năm 1988 vì bị nghi dính líu đến vụ đánh bom một chuyến bay dân sự của Hàn Quốc, khiến 115 người thiệt mạng.
Những người Mỹ bị bắt giữ
Tháng 1/2016, sinh viên Mỹ Otto Wambier bị bắt và kết án 15 năm cải tạo khổ sai vì tội ăn cắp một tấm áp-phích tuyên truyền tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Wambier chết vào tháng 6 năm ngoái, chỉ một tuần sau khi được thả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.
Không chỉ riêng Wambier mà nhiều công dân Mỹ đã và đang bị Triều Tiên giam giữ.
Cuộc chiến Trump - Kim
Sau khi nhậm chức vào đầu năm ngoái, Tổng thống Donald Trump tuyên bố không cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, Triều Tiên liên tiếp thử hai vụ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tuyên bố của lãnh đạo Kim Jong-un rằng: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của chúng tôi". Hai vụ thử tên lửa đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và Kim Jong-un. Lần đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đe dọa "xóa sổ hoàn toàn Triều Tiên".
Những tháng cuối năm 2017 chứng kiến những động thái leo thang nhanh chóng của Bình Nhưỡng. Vào tháng 8, trong một vụ thử khác, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay ngang lãnh thổ Nhật Bản. Tổng thống Mỹ cứng rắn tuyên bố: "Đối thoại với Triều Tiên không phải là giải pháp". Vào tháng 9, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 và tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân. Đáp trả, Mỹ ban hành thêm lệnh trừng phạt mà Triều Tiên miêu tả là "hành động gây chiến".
Lời mời lịch sử
Trong một nỗ lực phá băng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 tổ chức ở PyeongChang tháng 2. Vào ngày 8/3, trở về sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc thông báo tại Washington rằng lãnh đạo Kim Jong-un mời Tổng thống Trump gặp gỡ vào tháng 5 đồng thời cam kết "không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa hay hạt nhân".
Nhà Trắng nhận lời mời nhưng chưa ấn định thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử này. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng vẫn có hiệu lực.
An Hồng