Thinh Pham đang làm việc cho một công ty marketing ở TP HCM. Cũng giống như phần lớn người Việt Nam hiện nay, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi này sinh ra sau chiến tranh. Thinh thích xem các chương trình đàm đạo trên truyền hình Mỹ của những người dẫn nổi tiếng như Stephen Colbert và Seth Meyers. Cậu cũng hâm mộ các series phim truyền hình Mỹ như Games of Thrones (Trò chơi Vương quyền).
"Có lẽ 80% những gì tôi xem hàng ngày đều là các sản phẩm của Mỹ", Thinh nói với tạp chí Atlantic. "Và tất cả đều bằng tiếng Anh. Tôi cần phải cải thiện tiếng Anh hơn nữa".
Ở những thành phố lớn của Việt Nam, thanh niên đổ tới các rạp chiếu phim hiện đại, xem những bộ phim Mỹ bom tấn. Điện thoại iPhones của hãng Apple trở thành món đồ phổ thông của tầng lớp trung lưu. Hơn 80% người trẻ Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook. Tại các quán cafe, người ta dễ dàng nghe thấy những bài hát "đang làm mưa làm gió" trên bảng xếp hạng Billboard.
Khi Kim Jong-un đến Việt Nam vào cuối tháng này để gặp Tổng thống Mỹ lần thứ hai, lãnh đạo Triều Tiên sẽ tận mắt chứng kiến một Việt Nam khác hoàn toàn so với những gì thế giới biết đến cách đây hơn 40 năm. Atlantic bình luận đó cũng là viễn cảnh lý tưởng mà chính quyền của Tổng thống Trump muốn Bình Nhưỡng hình dung về tương lai nếu lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân và mở cửa đất nước.
Theo CNBC, Triều Tiên từ lâu đã nghiên cứu con đường phát triển của Trung Quốc và Việt Nam. Hai quốc gia này đều duy trì chế độ chính trị một đảng lãnh đạo và chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế quản lý tập trung sang kinh tế thị trường. Các nhà phân tích nhận định lãnh đạo Triều Tiên nghiêng về mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam vì nhận thấy đất nước Đông Nam Á, cũng là một quốc gia có diện tích nhỏ, đã mở cửa, hội nhập quốc tế thành công mà vẫn duy trì được sự ổn định của hệ thống chính trị và không lệ thuộc vào sự hậu thuẫn của nước ngoài.
Triều Tiên đã nhiều lần cử phái đoàn sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm, theo hãng tin Yonhap. Ví dụ, năm 2012, một đoàn công tác đã đến tỉnh Thái Bình để tham quan cách thức phát triển ở vùng nông thôn. Trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 13/2 khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng 7 năm ngoái tuyên bố Triều Tiên "có thể phát triển kinh tế thần kỳ như Việt Nam" nếu lãnh đạo Kim Jong-un muốn.
Kênh tài chính CNBC dẫn phân tích của các chuyên gia nhận định xét trên nhiều phương diện, Triều Tiên hiện nay giống Việt Nam của thập niên 80 thế kỷ trước. "Cả hai quốc gia, Triều Tiên hiện nay và Việt Nam trong quá khứ, đều chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc", viện nghiên cứu chính sách Lowy Institute của Australia nhắc lại cuộc chiến biên giới Tây Nam trong những năm 1975-1978 đẩy Việt Nam vào thế bị quốc tế cô lập.
Và điểm tương đồng lớn nhất là khát vọng cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng. Cũng giống như Việt Nam đã làm vào cuối thập niên 80 với chương trình "đổi mới", phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu có động thái cải cách từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.
"Dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên đã và đang sẵn sàng thử nghiệm cải cách", chuyên gia Bradley Babson, thành viên hội đồng cố vấn của Viện Kinh Tế Triều Tiên của Mỹ, nhận xét trong một báo cáo.
Năm 2014, Kim Jong-un đưa vào áp dụng một số biện pháp chia tách nhỏ ruộng đất, cho phép các hộ gia đình trồng trọt, thu hoạch và bán các sản phẩm ra thị trường. "Kể từ năm 2016, những biện pháp cải cách như thế này đã được mở rộng và chính phủ nhấn mạnh vào việc phi tập trung hóa", chuyên gia Babson nói.
Fitch Solutions, công ty con của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhận định trong một báo cáo rằng con đường phát triển của Việt Nam "thực sự hấp dẫn với Kim Jong-un".
Việt Nam bắt đầu nhận trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, hai tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính cho các nước đang phát triển thông qua các khoản vay, vào những năm 90. Ngay sau mở cửa, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồn dập đổ vào Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng trung bình 6-7% mỗi năm.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đây là một cột mốc hội nhập quan trọng của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới. Tháng trước, Việt Nam bắt đầu thực thi hiệp định thương mại tự do CPTPP. Hiệp định này gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu. Nếu Mỹ không "rút chân", CPTPP là khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu.
Quan trọng hơn, Việt Nam duy trì được "sự linh hoạt địa chính trị và xây dựng quan hệ (với các nước)". Đó là hai yếu tố mà Bình Nhưỡng "dường như ngưỡng mộ", theo Fitch Solutions. Ví dụ, sau 19 năm gỡ bỏ cấm vận, mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington đang phát triển tốt đẹp bất chấp lịch sử chiến tranh và khác biệt về hệ thống chính trị. Các cường quốc khác, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ, cũng vun đắp quan hệ gần gũi với Việt Nam.
Chuyên gia Babson dự đoán, gỡ bỏ cấm vận kết hợp với cải cách kinh tế và thay đổi chính sách an ninh quốc gia cùng mở rộng quan hệ quốc tế "có thể giúp kinh tế Triều Tiên phát triển theo hướng bền vững và hội nhập".
An Hồng