Trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng này, hai bên có thể đạt được thỏa thuận phá dỡ tổ hợp Yongbyon, một cơ sở hạt nhân quan trọng của Triều Tiên, ông Moon Chung-in cố vấn đặc biệt về đối ngoại và an ninh quốc gia của Hàn Quốc, ngày 15/2 tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
"Kim Jong-un nói 'Được thôi' và sẽ chấp nhận quá trình kiểm chứng", Moon Chung-in cho biết. "Tôi hy vọng Tổng thống Donald Trump có thể nhấn mạnh sự kiểm chứng này là một phần trong quá trình tháo dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon".
Cố vấn Moon nhận định lãnh đạo Triều Tiên đã đảm bảo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về điểm này trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái.
Yongbyon là một trong những cơ sở quan trọng nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên và lò phản ứng tại đây có thể làm giàu plutoni đủ để sản xuất một quả bom nguyên tử mỗi năm.
Dù cố vấn Hàn Quốc nói rằng lãnh đạo Triều Tiên tỏ thiện chí chấp nhận "việc tháo dỡ vĩnh viễn" nhà máy hạt nhân Yongbyon, Kim Jong-un chưa từng công khai cam kết cho phép các thanh sát viên vào kiểm tra các cơ sở vũ khí của nước này.
Theo cố vấn Moon Chung-in, Mỹ nên đồng ý để Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành các dự án kinh tế nhằm đổi lại việc thanh sát cơ sở hạt nhân Yongbyon. Lãnh đạo Triều Tiên phản đối lệnh trừng phạt quốc tế đang bót nghẹn nền kinh tế nước này và kêu gọi khởi động lại các dự án như khu công nghiệp và khu nghỉ dưỡng trên núi gần biên giới hai miền.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/2, Tổng thống Trump ca ngợi tiềm năng kinh tế của Triều Tiên và cho hay ông "không vội" đòi hỏi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần thứ nhất diễn ra ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, đàm phán giữa hai bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng cho rằng Washington cần có "những biện pháp tương ứng" để đáp lại những nỗ lực từ phía họ. Trong khi đó, Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước đi cụ thể và thực chất hơn hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng.
"Nếu Triều Tiên tiếp sản xuất nguyên liệu hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, tôi cho rằng đó sẽ là chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy cuộc gặp đã thất bại", cố vấn Moon nhận định.
An Hồng