Thứ tư, 13/2/2019, 20:29 (GMT+7)

Triều Tiên cảm ơn nỗ lực thúc đẩy đối thoại vì hòa bình của Việt Nam

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) và Ngoại trưởng Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: BNG.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) và Ngoại trưởng Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: BNG.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Triều Tiên ngày 12 -14/2, hội đàm với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, Phó Chủ tịch Ban chấp hành trung ương đảng, Trưởng ban Quốc tế đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong và thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sẽ nỗ lực cùng Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi ích và quy định của mỗi nước cũng như quốc tế. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Về các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nhất trí trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ song phương phù hợp với tình hình mới. Ông cũng cảm ơn lập trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình đối thoại vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên đồng ý tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Hội nghị Phong trào không liên kết, diễn đàn khu vực ARF, các hội nghị, diễn đàn quốc tế giữa các chính đảng.

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp nhau vào cuối tháng này tại Hà Nội. Giới phân tích cho rằng Việt Nam là mô hình kinh tế mà Triều Tiên có thể nghiên cứu và học theo.

Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%, với các cải cách như chấm dứt kiểm soát giá cả và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân. 

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email