"Chúng tôi tiếp tục đánh giá rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và năng lực sản xuất chúng, ngay cả khi họ tìm cách đàm phán các bước phi hạt nhân hóa từng phần để có được những nhượng bộ quan trọng từ Mỹ và cộng đồng quốc tế", Reuters hôm nay dẫn tuyên bố của Dan Coats, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.
Tuyên bố này được Coats đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, nó trái ngược với các đánh giá mà Tổng thống Donald Trump thường đưa ra về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Coats thừa nhận Triều Tiên đã ngừng các hành vi khiêu khích liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt như thử hạt nhân và phóng tên lửa, đồng thời thể hiện sự cởi mở đối với phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng lãnh đạo nước này vẫn coi vũ khí hạt nhân là "công cụ quan trọng với sự sinh tồn của chế độ".
"Đánh giá của chúng tôi được củng cố bởi những quan sát về một số hoạt động không phù hợp với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn", Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khẳng định.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 21/1 công bố một báo cáo cho biết Triều Tiên vẫn che giấu 20 căn cứ tên lửa trên khắp cả nước, khiến chúng không nằm trong nội dung đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Trong số này có căn cứ Sino-ri, nơi có sở chỉ huy một trung đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1, đơn vị hạt nhân chiến lược có vai trò quan trọng trong quá trình vận hành các tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn tới căn cứ Mỹ trên đảo Guam.
Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái giữa lãnh đạo hai nước. Trump mới đây cho biết ông và Kim Jong-un nhất trí sẽ gặp nhau lần hai vào cuối tháng hai, với địa điểm đã được chốt nhưng chưa được công bố.
Ánh Ngọc