Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 19/1/2020, 15:00 (GMT+7)

Bánh chưng, bánh giầy - linh hồn Tết Việt

Bánh chưng bánh giầy là tinh hoa của nền nông nghiệp lâu đời của người Việt, gói ghém chiều dài lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bước ra từ truyền thuyết, bánh chưng, bánh giầy là những tinh hoa ẩm thực đại diện cho nền văn minh lúa nước của người Việt xưa. Nền nông nghiệp lâu đời gắn liền với những lễ hội: tịch điền, lúa mới,... mong muốn khích lệ tinh thần sản xuất của nhân dân, cảm tạ trời đất cho một năm mùa màng bội thu.

Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời.

Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời.

Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Vỏ bánh gói được bọc bằng lá dong, bên trong là gạo nếp và nhân gồm đậu xanh, hành, thịt lợn. Đây đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của các gia đình Việt.

Bánh giầy có hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh đầy đặn, trắng tinh khiết, mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời, có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưới. Người Việt xưa quan niệm rằng bầu trời là nơi cư ngụ của thần linh, vì vậy bánh giầy thường dùng để tế trời, tế thần cầu mong thời tiết thuận lợi cho một năm ấm no.

Gia đình bà Ảnh dự trữ 5 tấn gạo để gói bánh chưng Tết.

Gia đình bà Ảnh dự trữ 5 tấn gạo để gói bánh chưng Tết.

Trong tiềm thức của người Việt, vào ngày Tết cổ truyền, gia đình dù giàu sang hay nghèo khó, cũng đều có cặp bánh để cúng gia tiên, tỏ lòng biết ơn tới đấng sinh thành. Mâm lễ cúng tất niên gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng... bày biện trang nghiêm. Những chiếc bánh chưng thơm lừng không đơn thuần là món ăn mà còn là niềm vui, sự hân hoan trong những ngày đầu năm mới.

Từ ngày rằm tháng Chạp, làng Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) bắt đầu vào vụ bánh chưng Tết, không khí nơi đây nhộn nhịp với những nồi bánh chất đầy, bếp lửa ngày đêm đỏ rực. Mỗi ngày hàng nghìn chiếc bánh được gói dưới đôi bàn tay tài hoa của dân làng. 

Thịt ba chỉ được ướp tiêu, muối, hành.

Thịt ba chỉ được ướp tiêu, muối, hành.

Bánh chưng làng Cát Trù ngon nức tiếng cả nước bởi sự cầu kỳ trong cách chọn nguyên liệu, kỹ thuật gói, nấu bánh của người dân nơi đây. Từng tàu lá dong xanh to bản sạch được lựa chọn kỹ càng, gạo nếp chắc mẩy ngâm trong nước mưa lắng lọc, gói ghém với đậu xanh thịt tươi thớ nạc thớ mỡ, nêm gia vị muối tiêu hành khô thơm nức.

Theo bà Nguyễn Thị Ảnh, nghệ nhân gói bánh chưng 6 lần đạt giải Nhất tại hội thi gói bánh chưng tiến vua cho biết, bánh chưng thơm ngon là lớp nhân, lớp vỏ gạo cũng dẻo mềm rền hạt không nhão không khô. Bí quyết gói bánh nhanh mà vẫn đẹp là kỹ thuật bẻ lá, định hình bánh vuông vức, sắc cạnh, buộc lạt chặt tay. 

Bánh chưng được luộc bằng củi nhãn trong vòng 10 – 12 tiếng. Chiếc bánh có màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong, màu vàng ngà của nhân đậu bùi bùi, màu đỏ hồng của thịt lợn, điểm xuyết những chấm đen của hạt tiêu.

Ngay từ nhỏ, các con của bà Ảnh đã biết gói bánh chưng thành thạo.

Ngay từ nhỏ, các con của bà Ảnh đã biết gói bánh chưng thành thạo.

Mùi nếp lan toả từ những chiếc bánh chưng như tiếng gọi những người con xa quê nhớ về nguồn cội, trở về quê nhà đón Tết đoàn viên. Đêm giao thừa, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, hân hoan chào đón khoảnh khắc thiêng liêng, chuyển giao của đất trời.

Hằng năm, vào dịp giổ tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đều tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy để thể hiện tấm lòng thành kính của những người con luôn hướng về cội nguồn, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ nét đẹp truyền thống của cha ông.

Phạm Mơ

Chia sẻ bài viết qua email