Chủ nhật, 17/11/2024
Thứ ba, 4/2/2020, 13:00 (GMT+7)

Xây dựng thương hiệu cacao Vũng Tàu

Sau một thập kỉ khủng hoảng, cacao Bà Rịa – Vũng Tàu hồi phục và được  xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, châu Âu.

"Bỉ, Pháp đã có hàng trăm năm làm chocolate, mặc dù nước họ không hề có cây cacao nguyên liệu. Chúng tôi không chỉ muốn người dân Việt Nam tin dùng thương hiệu chocolate của người Việt, do người Việt làm ra mà cả thế giới biết đến", ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Binon cacao chia sẻ.

Ông ham vọng xây dựng  thương hiệu tiềm năng của người Việt vào những năm 2000. Nhận thấy vùng Châu Đức, Vũng Tàu có những lợi thế về thổ nhưỡng để phát triển giống cacao sạch, ông cùng 1 số người dân trong huyện trồng thử nghiệm 12ha. Khí hậu tốt cùng quy trình chăm sóc an toàn nên cây cacao lớn lên mạnh khỏe, sai trái, có trái to hơn bắp tay người lớn. Diện tích cacao mở rộng, đời sống người dân cũng ổn định nhờ giống cây này. 

Ông Thành cho biết,  một số chuyên gia từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản sang vùng Châu Đức và đánh giá hương vị cacao tại đây thuộc hàng top thế giới.

Cacao Châu Đức từng có thời kì hưng thịnh trước khi lâm vào khủng hoảng trong gần 10 năm.

Cacao Châu Đức từng có thời kì hưng thịnh trước khi lâm vào "khủng hoảng" trong gần 10 năm.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tại Châu Đức cacao dần được thay thế bởi hồ tiêu, loại cây cho thu nhập "nhanh, nhiều" hơn. Nhìn các vườn cacao bị đốn hạ, lấp dần bởi các gốc tiêu, ông Thành không khỏi xót xa. Đau đáu về  loại nguyên liệu thượng hạng có nguy cơ bị chôn vùi, 4 năm trở lại đây, ông Thành cùng đồng nghiệp quyết định hồi sinh dòng cây này.

Thuyết phục được 70 hộ dân tham gia vào hợp tác xã Xà Bang, ông từng bước hướng dẫn người dân trong việc chọn giống, chăm sóc cacao. Các vườn cacao san sát nhau, cây ra trái vàng đỏ phủ kín cả góc trời.

Phục hồi thành công cacao Châu Đức, ông Thành lại trăn trở: "Tại sao chúng ta đang có vùng cacao nguyên liệu được xem là hàng thượng phẩm trên toàn cầu, nhưng lại chưa làm ra chocolate ngon nhất thế giới? Tại sao người Việt có thể kể đến vài ba nhãn hiệu chocolate của Bỉ, Pháp nhưng thương hiệu socola nước ta thì họ lại không biết tới".

Với ông Thành, chiến lược sản xuất ra các thành phẩm được "nhớ mặt, đọc tên" còn quan trọng hơn cả việc xuất khẩu nguyên liệu thô ra thế giới. Đồng thời, ông trăn trở làm thế nào để có thể giúp đỡ người nông dân trong việc chăm sóc cây cacao và đưa hạt cacao ra thế giới.

Năm 2007, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sự cố vấn của 2 cổ đông Nhật Bản, Công ty CP Binon đã được hình thành do ông Thành dứng đầu. Hàng năm, công ty thu mua toàn bộ cacao của người nông dân, với giá 9.000-11.000 đồng một kg. Ngoài ra, ông Thành đầu tư dây chuyền sản xuất hàng tỷ đồng để chế biến sản phẩm từ cacao tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức.

Cacao được sản xuất sạch với dây chuyền tự động, riêng quá trình nghiền mất 24 giờ.

Cacao được sản xuất sạch với dây chuyền tự động, riêng quá trình nghiền mất 24 giờ.

Khởi nguồn từ những cây cacao con được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, qua 10 công đoạn chế biến tỉ mẩn, những thanh chocolate đậm đặc hương vị của loại cacao ra đời. Bên cạnh đó còn có những sản phẩm như bột cacao, bơ cacao, trà, rượu cacao, ngũ cốc, sinh tố cacao, xà phòng cacao.

Việc học hỏi phương pháp chế biến của châu Âu, sự chuyển giao kỹ thuật hiện đại cùng sự tìm tòi, sáng tạo những công thức và sản phẩm khác nhau đã tạo nên thương hiệu Binon.

Hiện nay, trung bình mỗi năm Công ty Binon xuất khẩu hơn 200 tấn thành phẩm ra nước ngoài. "Thật tự hào khi sản phẩm từ cacao Châu Đức dần được người Việt đón nhận và tiếp tục xuất hiện trong các cửa hàng, siêu thị tại Nhật Bản, châu Âu, Hà Lan, Mỹ", ông Trịnh Văn Thành chia sẻ.

Các sản phẩm được chế biến từ cacao.

Các sản phẩm được chế biến từ cacao.

Sản phẩm cacao Organic 92% Bà Rịa giành giải Bạc tại cuộc thi Chocolate khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018. Công ty xuất khẩu thành công sang Nhật 1.000 sản phẩm bột cacao hữu cơ đạt chứng nhận Mỹ (USDA) và Nhật Bản (JAS).

Ngọc Ly

Chia sẻ bài viết qua email