Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ hai, 3/2/2020, 10:00 (GMT+7)

Cam sành hữu cơ tiêu chuẩn Mỹ của lão nông Bình Dương

Vượt qua 225 tiêu chuẩn hữu cơ; 8,9 ha trên tổng số 10,5 ha cam của ông Nguyễn Hữu Hạng (Bình Dương) được chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu.

"Cha tôi là Ưu và ông đặt tên tôi là Hạng. Chính vì lẽ đó mà tôi muốn sản phẩm mình làm ra phải là hạng ưu - tên ghép của hai cha con", ông Nguyễn Hữu Hạng (còn gọi là Năm Hạng) chia sẻ khi nhắc đến mô hình trồng cam hữu cơ của gia đình.

Ông Hạng sinh ra và lớn lên tại xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Vài năm trước, người cùng quê gọi ông là "ngư ông trên núi" vì nuôi thành công mô hình cá lăng trên núi. Bây giờ, nhiều người lại gọi ông là "phu cam" vì những vườn cam trĩu quả, đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu. Trước đó, vườn cam vốn là nơi trồng cao su lâu năm của gia đình.

Ông Năm Hạng – người mong muốn tạo ra trái cam hạng ưu.

Ông Năm Hạng luôn mong muốn tạo ra những trái cam hạng ưu.

Cuối năm 2014, khi cao su rớt giá liên tục, toàn bộ diện tích vườn của ông Hạng gần như thất thu. Mủ cao su trắng xóa nhựa đìu hiu, hiếm bóng người qua lại. Những đêm dài mất ngủ, vợ ông Hạng trăn trở tìm cách cứu vườn cao su còn ông chỉ nghĩ đến việc thay đổi, không muốn chờ chết.

Nghĩ là làm, ông Hạng lẳng lặng phá bỏ toàn bộ diện tích cao su. Xe ủi, máy cẩu càn quét gần 10 ha vườn, bà Hạnh như ngã quỵ. "Tôi thức trắng nhiều đêm để tìm hiểu và thấy đây là cơ hội tốt nhất để trồng cam. Nhưng nếu đã làm thì phải làm cam hữu cơ, sản phẩm phải tốt nhất", ông nói khi họp gia đình.

Ông cho biết, thời điểm ấy tại miền Nam hiếm vườn trồng cam quy hoạch, đặc biệt là cam hữu cơ. Giống cam sành lại được giá, ổn định, sản phẩm an toàn với cả người trồng và người tiêu dùng. Ngoài ra, ông có thể tận dụng nguồn nước từ sông Đồng Nai và một nhánh sông Bé đổ về. Nghe lý giải, vợ ông Hạng dần nguôi ngoai. Cả gia đình bắt tay vào một khởi đầu mới: trồng cam sạch.

Chi phí đầu tư trồng cam ngốn toàn bộ tài sản của gia đình. Việc tạo ra trái cam hữu cơ cũng không phải là điều dễ dàng. "Ngày xưa, khi chưa có thuốc bảo vệ thực vật, ông bà ta vẫn làm hữu cơ. Bây giờ, dưới tác động của ngoại cảnh, đặc biệt là con người, việc trở lại lối canh tác tự nhiên sẽ khó khăn hơn. Nhưng không có nghĩa là không thực hiện được", ông Hạng tâm sự.

Mỗi ngày, đất đai trong vườn được canh tác, bón phân hữu cơ định kỳ. Nhờ trồng tự nhiên nên cỏ mọc tốt. Tuy nhiên, ông cho công nhân cắt tỉa, chứ không sử dụng thuốc diệt cỏ, hay nhổ gốc để giúp cân bằng sinh thái. Canh tác hữu cơ với ông Hạng không chỉ thuần túy có phân chuồng mà còn có các chế phẩm sinh học giúp khả năng chống chịu sâu bệnh. Dần dần, vườn cây ăn quả xanh mướt mắt, cây cao đều từ 3 đến 4 mét, trĩu quả. Cả vườn cam biệt lập, tách hoàn toàn với khu dân cư.

Cả gia đình ông Năm Hạng sinh sống ngay tại vườn, giúp thuận lợi cho việc chăm sóc cây. Ông kể, từ khi lui về làm vườn, ông thấy cuộc sống yên bình hơn hẳn.

Cam sành hữu cơ là tâm huyết của ông Hạng, tiếp tục được con cháu ông kế thừa và phát triển.

Cam sành hữu cơ là tâm huyết của ông Hạng.

Mùa đầu tiên, vườn cam của ông, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Sau gần 10 tháng chăm sóc, 4 tấn cam cho thu hoạch và tiêu thụ ngoài Bắc, trong Nam. Canh tác tự nhiên nên trái xấu, vỏ không đều màu nhưng vị ngọt thanh, hậu chua. Bóc một trái cam đều thấy tinh dầu trong vỏ túa ra, thơm mùi. 

Mang "đứa con tinh thần" đi kiểm nghiệm 255 tiêu chuẩn hữu cơ (Organic), ông Hạng mừng ra mặt vì mọi chỉ số đều vượt chuẩn. 8,9 ha trên tổng 10,5 ha cam Năm Hạng được chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu vào tháng 11 và 12 năm 2018.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hạng, thời tiết là một con dao hai lưỡi. Vụ cam có thành công hay không phụ thuộc 50% vào thời tiết. Vụ đầu tiên, nắng ấm quanh năm nên cam cho quả to, vỏ mỏng, múi mọng. Tuy nhiên, đến năm nay, mưa nhiều, dồn dập hàng tháng trời khiến một nửa vườn thất thu.

Ông giải thích, trong nước mưa chưa nhiều lượng đạm, trút xuống cây và trái cam quá nhiều sẽ khiến quả bị rụng. Sau mỗi trận mưa lớn, hầu như gốc nào cũng có trái rụng. Có người khuyên ông dùng thuốc kháng sinh cho cây, nhưng ông từ chối.

"Như thế thì đâu còn là hữu cơ? Rút kinh nghiệm nên năm tới tôi sẽ điều chỉnh lượng nước tưới, cũng như có biện pháp kiểm soát lượng mưa để cải thiện chất lượng trái", ông bày tỏ.

Cam sành hữu cơ Năm Hạng.

Cam sành hữu cơ Năm Hạng.

Cam Năm Hạng ở đất Tân Uyên có giá 60.000 - 70.000 đồng một kg tùy loại. "Những người không hiểu, họ chê cam tôi đắt. Hai mùa qua, cam lúc nào cũng bán hết xong cộng dồn chi phí sản xuất, tôi không lãi. Nhưng đã làm hữu cơ là phải chấp nhận đánh đổi, cần lấy ngắn để nuôi dài", ông Năm Hạng khẳng định.

Với ông Nguyễn Hữu Hạng, mục đích cao nhất của nghề nông là tạo ra sản phẩm không chỉ chất lượng, an toàn với người tiêu dùng mà còn với chính bản thân mình. Do đó, ông luôn ý thức việc tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn để phục vụ người dân. Ước mong của ông là trong tương lai không xa, cam sành tại vườn sinh trưởng tự nhiên, ra trái đều quả, "ưu hạng". Ông cũng hy vọng ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ tại Việt Nam - hướng đi cao nhất của nông nghiệp.

Ngọc Ly

Chia sẻ bài viết qua email