Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ hai, 3/2/2020, 11:00 (GMT+7)

Lão nông 30 năm gắn bó với nghề nuôi vịt

Từ chăn vịt thả đồng, lão nông Vũ Văn Ngọc (Hà Nam) dựng lò ấp trứng, nuôi vịt an toàn sinh học, quyết gắn bó với nghề sau dịch bệnh.

Xây lò ấp trứng

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm chũng Hà Nam, ông Vũ Văn Ngọc (58 tuổi), thôn Thọ Lão 1, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng đã tận dụng lợi thế đó để chăn nuôi vịt. Năm 1985, ông bắt đầu nuôi vịt cỏ, vịt bầu theo hình thức thả đồng tận dụng lợi thế đất ruộng màu mỡ, có nhiều tôm, cua, ốc.

Ông Vũ Văn Ngọc ở thôn Thọ Lão 1, xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam.

Ông Vũ Văn Ngọc ở thôn Thọ Lão 1, xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam.

Sau một thời gia nuôi vịt cỏ, vịt bầu không đem lại hiệu quả cao, bởi giống vịt này chỉ đẻ theo mùa, ông Ngọc mạnh dạn chuyển sang nuôi vịt siêu trứng. Vịt siêu trứng cho hiệu quả gấp 4 - 5 lần, mỗi năm có thể đẻ được 300 trứng.

Tự nhận mình là một trong những người đầu tiên trong làng chuyển sang nuôi vịt siêu trứng, ông Ngọc sớm nhận ra bất cập trong công đoạn ấp trứng bằng các phương pháp truyền thống như: ấp bằng chấu, đèn dầu, thóc rang. Ông nhớ lại thời đó mình mới là anh nông dân hơn 20 tuổi nhưng đã quyết định đầu tư lò ấp trứng công nghiệp.

"Đề gây dựng được lò ấp, tôi đã phải bỏ ra một cái giá rất đắt lên tới 14 triệu, tính ra gần 30 cây vàng. Sau khi học, tôi xây hệ thống ấp trứng tự động bằng điện, với công suất hàng trăm nghìn quả trứng mỗi ngày". Ông Ngọc ví lò ấp giống như một nồi cơm điện khổng lồ, cài đặt sẵn nhiệt độ, khi đủ nhiệt sẽ tự động ngắt.

Thời điểm đó, ông Ngọc vừa nuôi vịt siêu trứng, vừa ấp trứng để cung cấp giống cho người dân nuôi, mô hình này kéo dài hơn 20 năm. Tuổi cao, ông bỏ lò ấp nhưng vẫn nuôi vịt đẻ. Đến nay, ông Ngọc đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi vịt đẻ trứng.

Nuôi vịt an toàn sinh học

Trong 2 năm trở lại đây, vịt siêu trứng bão hòa, giá trứng đi xuống, ông Ngọc nung nấu ý định chuyển sang giống vịt mới. Tháng 4/2019, ông là một trong 2 hộ gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam tài trợ giống vịt Super để nuôi thí điểm theo mô hình an toàn sinh học. Sẵn kinh nghiệm có trong tay, ông Ngọc nhận lời nuôi 500 con. Không chỉ được hỗ trợ 100% con giống, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn các kỹ thuật nuôi, các tiêu chuẩn khắt khe đảm bảo đúng chuẩn an toàn sinh học.

Vịt siêu trứng đẻ sau 4 tháng nuôi, nhưng giống vịt Super phải mất 6 tháng mới bắt đầu đẻ, chưa kể từ nguồn thức ăn đến chuồng trại phải luôn sạch. Ông cho biết: "Nuôi vịt an toàn sinh học phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Thức ăn của vịt Super gồm thóc, rau, bèo, ngô và cám có nguồn gốc rõ ràng. Tôi ghi chép đầy đủ theo quy trình, hàng tuần đều có cán bộ khuyến nông về kiểm tra. Đặc biệt trú trọng xử lý môi trường nuôi để đảm không ô nhiễm và hạn chế dịch bệnh cho vịt".

Với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi vịt, ông Ngọc đúc rút kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh là khâu rất quan trọng. Theo ông, người nuôi phải chú ý sự thay đổi của thời tiết kết hợp ới việc tuân thủ các quy định an toàn sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh mà thay vào đó là các thảo dược như: giã lá mơ, búp ổi chắt lấy nước và hòa với nước ấm cho vịt uống thường xuyên.

Ông Ngọc thường xuyên theo dõi đàn vịt, con nào có biểu hiện bị bệnh phải chữa trị ngay để tránh lây lan.

Ông Ngọc thường xuyên theo dõi đàn vịt, con nào có biểu hiện bị bệnh phải chữa trị ngay để tránh lây lan.

Ông Ngọc còn trồng cây để vịt tránh nắng trú mưa, nền chuồng trại phủ cát vàng để hút ẩm. Đều đặn 2 ngày 1 lần quét lông rụng và phân trên sân nuôi và chuồng đẻ. Phân vịt được có thể tận dụng để bón cho cây trồng.

Nuôi vịt cần phải có ao, hồ nước để vịt bơi lội và tắm rửa cho sạch lông. Do đó, thời gian gần đây ông Ngọc đã kết hợp nuôi cá với nuôi vịt. Ông xây dựng một mô hình khép kín "hai trong một", cá có thể tận dụng phân vịt làm thức ăn, xung quanh bờ ao trồng cỏ để bổ sung thêm thức ăn cho cá.

Lão nông cũng tính đến trường hợp nếu lỗ vịt thì có cá gồng gánh cho.  Để duy trì được mô hình, ông sắm máy hút bùn để vệ sinh lòng ao hàng năm, hút bùn, cặn bẩn và khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Ông Ngọc quây lưới riêng khu nuôi vịt và thường xuyên vớt lông để mặt ao luôn sạch.

Ông Ngọc quây lưới riêng khu nuôi vịt và thường xuyên vớt lông để mặt ao luôn sạch.

Nói về kỷ niệm buồn trong nghề nuôi vịt, ông Ngọc nhớ đến đại dịch H5N1 năm 2003-2004. "Nhà máy dừng cấp cám, vịt không ốm bệnh nhưng đói, tôi thả cho chúng đi kiếm ăn linh tinh, con nào sống được thì sống, trứng bán không ai mua", ông Ngọc kể.

Đại dịch đi qua, cũng là lúc ông Ngọc tay trắng, thêm nhiều khoản nợ. Nhưng vì nghề nuôi bịt đã gắn bó hàng chục năm, ông quyết tâm gây dựng lại từ chính con vịt và quả trứng nhờ giúp sức của bạn bè và sự động viên của vợ con.

Thời gian tới, ông Ngọc tiếp tục nuôi vịt theo mô hình an toàn sinh học với hy vọng cung cấp ra thị trường những quả trứng sạch và lan tỏa mô hình đến nhiều hộ dân trong xã. 

Hà Hiền

Chia sẻ bài viết qua email