Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 5/2/2020, 11:00 (GMT+7)

Nhân viên văn phòng nghỉ việc để trồng rau công nghệ cao

Sau hai năm gắn bó với công sở, Trần Minh Hiếu quyết định bỏ phố về quê, nuôi cá và trồng rau.

Trần Minh Hiếu, sinh năm 1993, ở ấp 2, Lạc An, Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ngày nhỏ, cô đã theo chân bố mẹ lên rừng trồng cao su và ấp ủ ước mơ có một vườn cây rộng lớn của mình.

Lớn lên,  Hiếu theo học Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) và trở thành nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, 2 năm sự gò bó và lặp lại mỗi ngày khiến cô quyết định nghỉ việc. Hiếu gọi đây là cuộc cách mạng của đời mình.

Minh Hiếu – cô gái trẻ từng bỏ phố về quê gắn bó với cây rau ngọn cỏ.

Minh Hiếu – cô gái trẻ từng bỏ phố về quê gắn bó với cây rau ngọn cỏ.

"Cảm giác thoải mái và vui vẻ hiếm xảy ra với tôi ở chốn công sở, nhưng điều này diễn ra mỗi ngày khi tôi được nhìn vườn rau của mình lớn lên". Hiếu chia sẻ. 

Sau khi nghỉ việc, tháng 4/2019, Hiếu xin anh trai đầu tư 200 triệu đồng làm vườn rau thủy canh 200 m2. "Tại Bình Dương, những khu vườn sản xuất rau công nghệ cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi cùng anh trai của mình muốn thử nghiệm và phát triển mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu", cô tâm sự.

Đây là mô hình dẫn nước và chất dinh dưỡng từ bồn chứa tổng, qua hệ thống ống và cung cấp cho cây trồng. Sau đó, phần dinh dưỡng còn dư sẽ được luân chuyển về bồn chứa ban đầu. Tại vườn của Minh Hiếu, các dung dịch dinh dưỡng được vận chuyển 30 phút một lần. Đó cũng là tần suất mà các thiết bị phun sương, quạt gió hoạt động. Rau trồng qua 3 giai đoạn,  từ ươm giống thành cây con cao khoảng từ 1-2 cm, sau đó chuyển ươm giai đoạn  khi cây cao từ 3-5cm, sau đó trồng rau đến khi thu hoạch.

Mô hình này được thực hiện trong nhà lưới kín, giúp hạn chế thời tiết xấu, đồng thời cách ly sâu bệnh, côn trùng phá hoại cây. "Tôi nhỏ quá, cao chưa nổi 1,5m nên đành phải lựa chọn phương thức trồng rau sao cho tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí nhất", Hiếu cho biết. 

Vườn rau thủy canh của Minh Hiếu rộng 200m2 với chi phí đầu tư 200 triệu.

Vườn rau thủy canh của Minh Hiếu rộng 200m2 với chi phí đầu tư 200 triệu.

Một ngày của cô bao gồm các công việc kiểm tra chất lượng rau, nồng độ dinh dưỡng, xem xét hệ thống vận hành và hái rau, gói rau. Xung quanh nhà xếp đầy những cuốn sổ ghi chép về tình trạng cây trong vườn. Hiếu nhận mình chỉ là "tay mơ yêu nghề" nên cô cần ráng sức học hỏi.

Thời gian đầu, cô gái trẻ loay hoay trong việc lựa chọn dinh dưỡng để sử dụng. Đợt đầu tiên vườn rau dùng dinh dưỡng của Isarel, cây phát triển tốt nhưng giá thành quá cao, phải thay liên tục và khi độ pH lên cao thì cây không hấp thụ dinh dưỡng được. Trong vòng 5 tháng, Hiếu thay dinh dưỡng cho cây liên tục để thử nghiệm, nhưng thất bại. 

Có khi suốt 5 tháng trời vườn gần như thất thu. "Nhưng lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đây là thời điểm mình cần phải đánh liều. Việc mới bắt đầu và chưa có khách hàng là cơ hội để thử nghiệm các loại dinh dưỡng. Chưa có kết quả là vì mình chưa đi đúng đường, chứ không phải có đường để đi", Hiếu tâm sự.

Không lâu sau, Hiếu và anh trai của mình đã tìm ra được loại dinh dưỡng phù hợp cho vườn, cây lớn dần và cho thu hoạch ổn định. Cô chủ vườn luôn tận dụng và làm mọi cách có thể để bảo vệ môi trường.

Một ngày Hiếu thu hoạch 10kg rau, số lượng ấy được gói bằng giấy hoặc lá chuối để gửi cho khách. Những khách quen đến vườn của Hiếu đều mang theo túi vải hoặc túi cói để đựng rau mang về. Chỉ khi vận chuyển đi xa, Hiếu mới dùng đến túi nilon.

Vườn rau thủy canh xanh tốt thay thế cho những đợt rau héo úa, thất thu trước kia.

Vườn rau thủy canh xanh tốt thay thế cho những đợt rau héo úa, thất thu trước kia.

Dự định của Hiếu là sẽ mở rộng diện tích vườn ra khoảng 1.000m2 và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Quá trình gắn bó với vườn rau khiến Hiếu hiểu rằng, yêu công việc mình làm cũng như hiểu được hệ sinh thái của khu vườn thì mới trồng được rau xanh tốt.

Ngọc Ly

Chia sẻ bài viết qua email