Thứ bảy, 14/12/2024
Thứ tư, 5/2/2020, 16:00 (GMT+7)

Ý nghĩa bánh chưng đen của dân tộc Tày

Bánh chưng nhắc nhở về cuộc sống kham khổ, thiếu thốn của ông bà tổ tiên để con cháu nhớ về công nuôi dưỡng. 

Ông Hà Lâm Kỳ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chia sẻ về những câu chuyện văn hóa gắn liền với chiếc bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày ở Yên Bái.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ. 

Nhà văn Hà Lâm Kỳ. 

-  Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Tuy nhiên, bánh chưng mỗi vùng, dân tộc lại có những bản sắc riêng. Nhà văn có thể chia sẻ về nguồn gốc của chiếc bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày tại Yên Bái? 

- Xưa kia trên vùng núi cao Tây Bắc thiếu muối, tổ tiên đi rừng đẵn phần thân cây muối già, đem về cạo vỏ, phơi khô, đốt thành tro và dùng loại tro này thay muối biển. Màu đen trong bánh chưng tạo nên bằng cách trộn tro cây muối với gạo nếp. Khi chín, bánh có vị đậm đà, thoang thoảng hương cây rừng. Ngoài cây muối, người Tày còn lấy cây gùn, cỏ chanh đốt lấy tro làm bánh.

Đây là sự sáng tạo của đồng bào dân tộc người Tày bởi cuộc sống đòi hỏi họ phải thích ứng, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, sống hòa mình với thiên nhiên.

Bánh chưng đen là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày vào dịp Tết cổ truyền.

Bánh chưng đen là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày vào dịp Tết cổ truyền.

- Ý nghĩa của bánh chưng đen trong ngày Tết? 

- Các cụ dạy rằng, người Tày phải thờ cúng ông bà, tổ tiên bằng những gì gần gũi nhất. Người Tày thường sử dụng những nguyên liệu quanh vườn nấu những món ăn ngon, hấp dẫn dâng lên tổ tiên và mời khách đến chơi nhà. Bàn thờ ngày Tết của đồng bào nơi đây gồm bánh chưng đen, các vật chất thờ khác: hai cây mía, cây hoa gió.

Bánh chưng nhắc nhở con cháu nhớ lại về cuộc sống kham khổ, thiếu thốn của ông bà tổ tiên để trân trọng công nuôi dưỡng. Cây mía được coi là một linh vật, cái gậy đón ông bà, ông vải về ăn Tết với con cháu. Chùm hoa gió dâng lên, thể hiện tâm lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên. 

- Cách gói bánh chưng đen của người Tày chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về triết lý âm dương và sinh sôi nảy nở của vũ trụ. Nhà văn chia sẻ về những điểm đặc biệt trong các bước gói bánh chưng đen ?

- Đúng vậy, cách gói bánh chưng đen là một biểu hiện tiêu biểu về sự cân bằng âm dương trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Tày. Quan niệm "trời tròn, đất vuông" được thể hiện trong hình dáng của chiếc bánh đen: thân tròn, đầu gấp vuông vức.

Tính âm dương được thể hiện từ cách xếp lá: hai lá đặt tráo đầu đuôi, hai mặt trái úp vào nhau đến việc buộc lạt theo các số lẻ 5 hoặc 9. Những con số lẻ tuân theo quy luật tuần hoàn sinh - lão - bệnh - tử - sinh, nghĩa là luôn luôn có sự sống, phát triển.

Khi biếu bánh, đồng bào thường biếu theo cặp để tạo ra sự hài hòa âm dương, có đôi có lứa, sự phát triển từ cặp đôi mà ra. Đây cũng là phép biện chứng trong tâm linh của người Tày.

Ý nghĩa bánh chưng đen của dân tộc Tày  - 2

Cách gói bánh chưng thuận theo tính âm dương.

- Các mối lạt của chiếc bánh buộc thẳng hàng, đây là một sự ngẫu nhiên hay người gói có chủ ý? 

- Nút buộc lạt như hình xoắn ốc, tròn từ trong tâm điểm xoáy ra ngoài, kéo một đường thẳng xuống. Nút buộc lạt đặt xuôi một chiều theo quan niệm "người xuôi một bến, nước xuôi một chiều", đường lạt này chồng lên đường lạt kia, đầu lạt cài dọc bụng bánh giúp gạo nở đều, bánh chắc, đẹp. Đấy cũng là ngụ ý của người xưa: con cháu tuân thủ sự gắn kết, cùng hướng về một mối: tổ tiên và lúa gạo.

Thưa ông, các gia đình thường có hoạt động gì khi canh nồi bánh chưng luộc? 

- Việc bánh chưng trong ngày Tết, lễ hội mang lại không khí ấm cúng nhất, các bà các cô con cháu quây quần bên nồi bánh chưng nó không phải chỉ là chờ nồi bánh sôi, rồi chín, mà nó là những câu chuyện răn dạy, nhắc nhở con cháu của người Tày.

- Những cách thưởng thức bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày, thưa ông? 

- Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Miếng bánh dẻo quánh, hòa quyện mùi vị giữa gạo, đỗ, thịt, lá dong, nước và lửa. 

Bên cạnh đó, bạn có thể thưởng thức món bánh chưng đen nướng bằng cách đặt chiếc bánh còn nguyên lá lên lớp than hồng cho đến khi mùi thơm của lá dong, gạo nếp và thịt mỡ lan tỏa trong không khí.

Phạm Mơ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Lâm Kỳ sinh ra và lớn lên tại một xã vùng cao của quê hương Yên Bái trong một gia đình người dân tộc Tày. Ông được biết đến là một nhà văn chuyên viết lịch sử, văn hóa miền núi chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Các sáng tác của ông chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc sống thực nên giản dị, gần gũi.

Một số tác phẩm của nhà văn đã xuất bản: Kỷ vật cuối cùng, Cánh cung đỏ, Quả nhạc xòe của mẹ, Luật rừng... và nhiều tập nghiên cứu văn hóa dân gian.

 

Chia sẻ bài viết qua email