Tim mạch VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Tôi bị rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn tần số. Tôi muốn hỏi tôi cần phải kiểm tra chiếu chụp động mạnh vành không hay phải làm gì? Tôi có thể tập thể dục thể thao và bơi lội không?

Nguyễn Văn Phú, 64 tuổi, Hà Nội
ThS.BS Nguyễn Tuấn Long

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh,

Rung nhĩ có nhiều nguyên nhân, trong đó có thiếu máu cơ tim. Phương pháp chụp động mạch vành có thể giúp phát hiện tình trạng thiếu máu này.

Hiện nay, ở BVĐK Tâm Anh có hệ thống máy chụp mạch vành qua da rất hiện đại, sẽ giúp chẩn đoán tốt cho tình trạng của anh. Trong trường hợp thiếu máu cơ tim cần can thiệp stent, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ sẵn sàng tư vấn và điều trị kịp thời cho anh. Trước mắt, anh có thể tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức, nhưng nên đi thăm khám tại các bệnh viện lớn chuyên sâu về tim mạch để được hướng dẫn an toàn hơn. Trân trọng!

Tôi 29 tuổi, khám sức khỏe điịnh kỳ phát hiện tim hở van hai lá 1/4; hở van ba lá 2/4. Xin hỏi bác sĩ có cần điều trị không? bệnh sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian không (3/4)? Nguyên nhân là gì? Tôi thấy mình cũng chưa lớn tuổi. Hở van 1/4 và 2/4 nếu không cần điều trị thì có tự ...

ryeoan, 29 tuổi, Long An
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Bạn đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm tim phát hiện hở van 2 lá 1/4 và hở van ba lá 2/4. Thường những tình trạng hở van này là dòng hở sinh lý, không phải bệnh lý van tim. Hiện tại, nếu bạn không có triệu chứng gì thì chưa cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bạn cần thay đổi lối sống và tập thể dục đều đặn, siêu âm tim theo dõi sau 1-2 năm. Thông thường, hở van 2 lá và 3 lá sinh lý không tiến triển theo thời gian. Nhưng khi lớn tuổi, các van này có thể hở nặng hơn như trong trường hợp có bệnh động mạch vành hay các van tim bị thoái hóa và vôi hóa theo tuổi hoặc bệnh lý của cơ tim.

Tôi năm nay 51 tuổi. Trước đây, chỉ số huyết áp của tôi rất ổn định, bình thường 130/85. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, sau một bữa nhậu hơi nhiều tự nhiên tôi bị nóng ran đầu và huyết áp tăng đột ngột 165/90, và kể từ đó chỉ số huyết áp của tôi không còn đều nữa (dao động từ 120 đến 140), ...

Huỳnh Hùng, 51 tuổi, Tiền Giang
BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Huyết áp được định nghĩa như sau: Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số: huyết áp tâm thu là chỉ số trên, huyết áp tâm trương là chỉ số dưới.

Vậy khi nào mình bị tăng huyết áp? Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp: Tăng huyết áp đo tại phòng khám được chẩn đoán và phân độ như sau:
- Huyết áp tối ưu: huyết áp tâm thu 120 mmHg và huyết áp tâm trương 80 mmHg
- Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg
- Bình thường cao: huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg
- Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ): huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2 (trung bình): huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu 100-109 mmHg
- Tăng huyết áp độ 3 (nặng): huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương: ≥ 110 mmHg
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: HA tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương 90 mmHg
- Tiền tăng huyết áp kết hợp giữa huyết áp bình thường và bình thường cao, nghĩa là huyết áp tâm thu 120-139 mmHg và huyết áp tâm trương 80-89 mmHg

Vậy khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg có nghĩa là anh bị tăng huyết áp.

Huyết áp của anh hiện tại không ổn định: dao động 120-140 mHg, có khi lên đến 165/90 mmHg. Để chẩn đoán xác định anh có bị bệnh tăng huyết áp hay không, anh nên đến bệnh viện để được thăm khám tổng quát và gắn máy theo dõi huyết áp liên tục 24h (ABPM). Đây là phương pháp để theo dõi chi tiết sự thay đổi huyết áp trong 24 giờ để xem mình có thật sự bị tăng huyết áp không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho anh làm siêu âm tim (xem tim anh có dày không vì tăng huyết áp có thể làm tim dày lên), đo điện tâm đồ, khám mắt chụp võng mạc... để góp phần đánh giá mình có tăng huyết áp hay không.

Anh uống 1 lon bia đã mệt, vì thế anh đừng uống bia nữa vì có khả năng bia không hợp với cơ thể anh.

Để hạn chế tình trạng huyết áp lên xuống không ổn định, anh cần thực hiện những điều sau:
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lối sống lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...
- Tránh căng thẳng, stress và áp lực trong công việc.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Huyết áp không ổn định, lên xuống thất thường rất khó để kiểm soát. Nếu tình trạng này kéo dài không được điều trị thì không chỉ ảnh hưởng đến tim mà còn có thể gây tổn thương đến thận, mạch máu, não và thậm chí là mắt, làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Gần đây, tim của em thường co thắt và có cảm giác nhói tim, gây khó thở. Em hay bị hồi hộp khi lo lắng, tim cảm giác bị đau. Em đi khám đo điện tâm đồ thì bác sĩ nói thiếu máu cục bộ, em có uống thuốc mỗi ngày trong 3 tháng nay, tình hình có giảm nhưng vẫn thường cảm thấy đau ...

Văn Thảo Quyên, 35 tuổi, Long An
BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn!

Đau nhói ở ngực trái có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý, cụ thể như:
Bệnh tim mạch: đây là nhóm bệnh gây đau ngực trái quan trọng nhất, vì nó nguy hiểm nhất, cụ thể như các bệnh lý mạch vành, viêm màng ngoài tim, bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, bệnh van tim...
Viêm cơ, sụn, xương hoặc dây thần kinh ở vùng ngực: kiểu đau âm ỉ, kéo dài hàng giờ, tăng lên khi vận động, khi ấn vào vùng bị viêm...
Bệnh đường tiêu hóa: Viêm dạ dày, thực quản, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây đau từ vùng bụng trên lan đến ngực. Đau liên quan đến bữa ăn, đau về đêm khi ngủ, đau âm ỉ có thể kèm những triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác như ợ hơi, ợ chua, nóng rát ngực...
Bệnh phổi: đau ngực thường đi kèm với ho, khạc đàm hoặc khó thở.
Nguyên nhân tâm lý: có các dạng đau ngực không xảy ra do bệnh lý của cơ quan hay bộ phận nào ở ngực, mà do vấn đề của hệ thần kinh cao cấp. Thuộc nhóm này có các nguyên nhân như rối loạn lo âu, lo sợ, căng thẳng, trạng thái tăng thông khí, trầm cảm... thường đau ngực do nhóm nguyên nhân này xảy ra mơ hồ, mức độ thay đổi (thường là đau nhẹ), thường kèm theo khó thở, hồi hộp, mất ngủ.

Nếu chỉ mới đo điện tâm đồ thì chưa đủ dữ liệu để kết luận chính xác bạn có bị thiếu máu cơ tim hay không. Do đó, bạn nên đến chuyên khoa tim mạch để được thăm khám tổng quát, làm thêm siêu âm tim, chụp X-quang phổi, chụp CT mạch vành nếu cần, chụp mạch vành nếu có chỉ định. Bên cạnh đó, bạn hay bị hồi hộp, rất có thể do nhịp tim rối loạn. Bác sĩ sẽ cho bạn gắn máy Holter theo dõi nhịp tim liên tục 24h để xem nhịp tim của bạn có đều đặn, ổn định không.

Bạn cảm thấy đau nhói về ban đêm từ 10-12h, có khả năng bạn có vấn đề tại dạ dày thực quản (trào ngược dạ dày thực quản). Bạn nên khám thêm chuyên khoa tiêu hóa xem mình có vấn đề dạ dày và thực quản hay không.

Ngoài ra, có thể nhói ngực do nguyên nhân tâm lý. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc đã được bác sĩ kê đơn, bạn cũng cần thay đổi lối sống: giảm cân nếu béo phì, điều trị đái tháo đường nếu có, điều trị tăng huyết áp tích cực nếu có, không dung nạp chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá... tập thể dục điều độ với một số bộ môn như bơi, ngồi thiền, yoga, chạy bộ, đạp xe... tránh các bài tập mạnh, có tính chất thi đấu. Giảm bớt gánh nặng công việc, thư giãn, tránh làm việc quá sức, hay lo âu, căng thẳng... Thay vào đó, bạn nên giữ tâm trạng tươi vui, lạc quan, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Không nên thức khuya, ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi ngày).

Chúc bạn sức khỏe! Thân mến!

Tôi đã đặt 5 sten trên 3 năm, nay mới chụp CT lại thấy báo là chỉ số Calcium Score 144, các stent LAD thông tốt, các đoạn ngoài không hẹp, hẹp 50% đoạn gần giữa LCX. Các stent đoạn gần giữa RCA thông tốt, hẹp 50-60% đoạn xa RCA. Vậy tôi có cần tiếp tục đặc stent hay chỉ cần uống thuốc theo toa ...

Diệp Chí Hải, 65 tuổi, Ngã bảy Hậu Giang
ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Bác sĩ khoa Thông tim can thiệp, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Hiện bạn đang quan tâm về vấn đề điều trị tiếp theo sau đặt stent mạch vành nhánh động mạch vành trái (LAD) và nhánh động mạch vành phải (RCA). Sau khi đặt stent mạch vành, bạn đã được chụp CT mạch vành, kết quả các stent thông tốt, các sang thương mạch vành khác hẹp khoảng 50-60%. Với kết quả CT mạch vành đã chụp, hiện bạn chưa có chỉ định tiếp tục đặt stent mạch vành. Tuy nhiên, việc đánh giá tình trạng bệnh của bạn không chỉ dựa vào kết quả CT mạch vành. Phải có sự đánh giá toàn diện, kết hợp giữa lâm sàng (triệu chứng đau ngực, khó thở...), cận lâm sàng (siêu âm tim, điện tim... ). Vì vậy, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá tình trạng sức khỏe sau đặt stent mạch vành.

Tôi bị bệnh cao huyết áp được bác sĩ cho dùng thuốc điều hòa huyết áp nhiều năm nay. Nhưng độ hai năm nay thỉnh thoảng (khoảng một tháng) vào ban đêm huyết áp của tôi lại tăng đột ngột, đến 190, thậm chí gần 200, có lần phải đi cấp cứu. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân tại sao và cách chữa. Xin ...

Bắc Hà, 66 tuổi, Đống Đa, Hà Nội
ThS.BS Nguyễn Thị Oanh

Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bác!

Theo như thông tin, bác bị tăng huyết áp nhiều năm và đang điều trị thuốc đều, không rõ bác có tái khám định kỳ hay không? Gần đây huyết áp của bác không ổn định và có lúc tăng rất cao. Trong trường hợp này, bác cần được thăm khám kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân tại sao huyết áp chưa được kiểm soát tốt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kiểm soát huyết áp chưa tốt như: liều thuốc hạ huyết áp chưa đủ, bệnh lý suy thận/u tuyến thượng thận/hẹp động mạch thận, lối sống hoặc các vấn đề stress, căng thẳng, mất ngủ... Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định một số thăm dò để tìm nguyên nhân (xét nghiệm máu, siêu âm mạch thận, theo dõi huyết áp bằng thiết bị Holter 24 giờ...).

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho bác tốt nhất.

Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác có thể liên hệ tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

Tôi biết bệnh tăng huyết áp và bệnh nhồi máu cơ tim thường được nhắc đến qua lối sống ít vận động, dinh dưỡng chưa đúng. Vậy sau khi đã mắc bệnh có liên quan đến huyết áp và tim thì vận động theo thể trạng từng người như thế nào là vừa sức? Có chỉ số đo để có thể tự theo dõi không? ...

Lê Thanh, 39 tuổi, Vũng Tàu
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Tăng huyết áp và lối sống ít vận động là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch xơ vữa, bao gồm bệnh động mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), bệnh động mạch não và bệnh động mạch ngoại biên chi dưới. Người có nguy cơ hay đã có bệnh tim mạch xơ vữa cần phải thay đổi lối sống và có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bên cạnh việc tuân thủ điều trị bằng thuốc.

Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Những người từng bị nhồi máu cơ tim chỉ nên thực hiện các bài tập thể lực cường độ trung bình, duy trì nhịp tim tối đa khoảng 64-76% của nhịp tim ước tính theo tuổi (nhịp tim ước tính theo tuổi: 220 - tuổi). Bên cạnh đó, những bệnh nhân không thể hoạt động thể lực cường độ trung bình vẫn có thể vận động và tập các động tác nhẹ nhàng tùy theo tình trạng sức khỏe của mình, tránh tối thiểu lối sống tĩnh tại, không vận động.

Hiện tại em bầu bé thứ 2 được 29 tuần. Khoảng 8 tuần trở lại đây, em thường xuyên bị hụt hơi vào buổi tối, nằm nghiêng hay ngửa đều bị (kiểu như vừa khóc xong còn ấm ức mà nấc lên 4, 5 hơi). Ban ngày thì hiện tượng này không có ạ. Như vậy đây là bệnh gì và có thể can thiệp ...

Võ Thị Hiếu Hạnh, 33 tuổi, Thành phố Thủ Đức

Tôi bị hồi hộp khó thở khi nằm. Xin được tư vấn.

Bùi Xuân Thanh, 48 tuổi, Ba Vì, Hà Nội
ThS.BS Nguyễn Thị Oanh

Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào anh!

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi tới chúng tôi. Anh bị hồi hộp, khó thở khi nằm. Đây là triệu chứng của nhiều nhóm bệnh lý, bao gồm cả bất thường về tim mạch. Chúng tôi cần khai thác thêm thông tin của anh như có khó thở khi làm việc nặng không, có đau tức ngực, sưng phù chân không, thể trạng có béo phì hay không. Có một số bệnh lý tim mạch có triệu chứng như anh mô tả, đó là suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý tim bẩm sinh ở người trưởng thành (thông liên thất, thông liên nhĩ...). Anh nên đi khám để sàng lọc bệnh lý tim mạch và một số nhóm bệnh nguy cơ thấp hơn như bệnh hô hấp, tiêu hóa, thần kinh cơ...

Khi tôi nằm ngủ thì thỉnh thoảng bị hụt hơi như ngưng thở, lúc giật mình ngồi dậy thì thấy rất mệt. Tôi bị đau bên vai trái do thoái hóa c3 đến c5. Vậy xin hỏi bác sĩ đó là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? Trước đó, tôi thường siêu âm tim và động mạch cổ thì tất cả đều rất ...

tranmai46@gmail.com, 76 tuổi, Phường Cô Giang, Q.1 TP HCM
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bác,

Bác bị hụt hơi khi ngủ, giật mình dậy thì thấy rất mệt, có thể là biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Hội chứng ngưng thở xảy ra do lưỡi và mô mềm ở vùng hầu họng giãn ra khi ngủ, gây tắc nghẽn đường thở một phần hay hoàn toàn. Nguyên nhân gây nên chứng này có thể do nguyên nhân ngoại biên như lưỡi quá to, phì đại VA, bất thường xương hàm... hoặc nguyên nhân trung ương như có các vấn đề ở não gây rối loạn điều khiển cơ hô hấp lúc ngủ, hoặc có khả năng là thể hỗn hợp. Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tai biến nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp kháng trị khó kiểm soát...

Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ cần theo nguyên nhân gây bệnh như thay đổi lối sống, giảm cân, ngưng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, cải thiện chất lượng giấc ngủ, đeo nẹp hàm, phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân cơ học gây tắc nghẽn đường thở, liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục...

Để phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ, tốt nhất bác nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn đeo máy đa ký giấc ngủ nhằm theo dõi nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu khi ngủ. Từ đó, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp cho bác.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn