Em có một vết lõm sâu bẩm sinh ở lồng ngực, 2 bên xương lồng ngực không cân đối, phần bên trái nhô lên trong khi phía bên phải xẹp xuống. Thể trạng của em cũng không tốt lắm, hiện tại em chỉ nặng 47 kg và không thể hoạt động nặng. Em có dấu hiệu của nhịp tim nhanh, thở ngắn ngay cả khi ...
Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, có thể đơn thuần hoặc kết hợp với dị tật bẩm sinh của tim nên bạn cần tới bệnh viện khám chuyên khoa lồng ngực để được đánh giá đầy đủ, từ đó bác sĩ có thể tư vấn chi tiết hơn cho bạn. Nếu có kèm bệnh tim bẩm sinh thì tùy theo tình trạng các dị tật mà có hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp chỉ bị lõm ngực, có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt thanh nâng chỗ lõm lên. Vậy bạn nên sắp sếp thời gian đến khám chuyên khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực để chúng tôi có thể trực tiếp thăm khám tìm nguyên nhân và tư vấn cụ thể hướng điều trị cho bạn.
Tôi 50 tuổi, phát hiện bị tăng huyết áp, đã làm một số xét nghiệm thì được chẩn đoán là tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid máu. Các bác sĩ kê đơn và tôi thực hiện dùng thuốc, thay đổi chế độ sinh hoạt và đo kiểm soát huyết áp hàng ngày rất nghiêm túc. Nay chỉ số huyết áp luôn ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Với thông tin bác gửi trong câu hỏi, có thể thấy việc điều trị huyết áp của bác rất hiệu quả, đạt được mục tiêu điều trị, bác nên tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh lý huyết áp đều đặn. Các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch và rối loạn lipid hiện tại không có thuốc nào ghi nhận có tác dụng phụ gây rối loạn giấc ngủ, do vậy bác có thể yên tâm tiếp tục điều trị bệnh lý hiện tại.
Về vấn đề rối loạn giấc ngủ, một trong những nguyên nhân thường gặp ở nam giới cao tuổi là rối loạn tiểu đêm do phì đại tiền liệt tuyến, vì vậy bác nên đi khám chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá chính xác và có thể can thiệp điều trị nếu cần. Ngoài ra, khi đã dùng các thuốc thảo dược và thực phẩm nhưng không hiệu quả, bác cần khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để có thể được tư vấn và điều trị bệnh lý rối loạn giấc ngủ tốt nhất, giúp đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đạt hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý đang có.
Cần làm gì khi bị mỡ máu cao? Cần hạn chế thức ăn nào để hạ chỉ số mỡ máu? Mỡ máu cao có liên quan đến bệnh tim không? Em cảm ơn bác sĩ.
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào em,
Em bị mỡ máu cao thì trước tiên nên thực hiện chế độ ăn kiêng (như giảm chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, nội tạng, chất bột đường...), thực hiện lối sống lành mạnh (giảm bia rượu, tập thể dục hàng ngày, giảm cân nặng...). Mỡ máu cao sẽ liên quan tới các bệnh lý về tim mạch như xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, bệnh thiếu máu cơ tim... Vì vậy, em nên tới bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và tư vấn chi tiết nhé. Chúc em luôn mạnh khỏe!
Ba em năm nay 55 tuổi, huyết áp cao 169 nhưng không có chịu chứng mệt mỏi hay khó thở. Bác sĩ cho em hỏi là nên dùng thuốc gì cho ba hạ huyết áp? Em cần đưa ba đến bệnh viện khám không? Em xin cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào em,
Ba em năm nay 55 tuổi, nếu kết quả đo huyết áp 169mmHg là chuẩn (đo sau khi ngồi nghỉ 15-20 phút, đo ở tư thế ngồi, đo 2 lần cách nhau 2-3 phút và lấy chỉ số trung bình) thì tức là ba em được chẩn đoán tăng huyết áp độ II, cần được điều trị. Mặc dù ba em không có triệu chứng mệt mỏi hay khó thở, nhưng không có nghĩa là các biến chứng do tăng huyết áp như xơ vữa mạch máu, suy thận tiến triển, suy tim tiến triển... không diễn ra.
Việc điều trị tăng huyết áp không chỉ đơn thuần làm giảm con số huyết áp mà còn để bảo vệ cơ quan đích như: não, tim, thận, mắt... Vì vậy, ba em cần được dùng thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, lựa chọn loại huyết áp nào, thì cần được bác sĩ thăm khám cụ thể: như nhịp tim của ba em có nhanh không, ba em đã bị suy thận chưa, ba em có các yếu tố nguy cơ như béo phì/thừa cân, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... kèm theo hay không?
Bên cạnh dùng thuốc, ba em cũng nên điều chỉnh thêm chế độ ăn và sinh hoạt. Nếu chế độ sinh hoạt chưa thật sự khoa học thì cần điều chỉnh, ví dụ như ăn nhạt, giảm muối, hạn chế đồ chiên xào, mỡ bão hòa (mỡ-nội tạng động vật), ăn nhiều rau xanh, củ quả giàu omega, cá, dầu oliu, hạn chế bia, rượu, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên giảm cân nếu thừa cân. Mặc dù trong mùa dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp nhưng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nên em đừng quá lo lắng, hãy đưa ba em đi khám, đừng làm chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị bệnh của ba em.
3 hôm nay em đang đứng thì bị chóng mặt quay cuồng không đứng vững được, phải ngồi xuống nhắm mắt từ 5-10 giây mới hết. Sau khi hết chóng mặt thì người ra đầy mồ hôi. Xin bác sĩ tư vấn giúp em đây là triệu chứng bệnh gì? Cảm ơn bác sĩ.
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào anh,
Triệu chứng chóng mặt anh mô tả có thể gặp trong nhiều bệnh lý như rối loạn tiền đình, thiếu máu, huyết áp cao, nhồi máu não hoặc cơn thoáng thiếu máu não... Do đó, anh nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện để bác sĩ có thể trực tiếp thăm khám, chỉ định thực hiện kiểm tra cận lâm sàng nếu cần để tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho anh.
Em năm nay 37 tuổi. Cách đây 18 tháng em có đi khám và bác sĩ kết luận em bị tăng áp động mạch phổi 125 mHg kèm thông liên nhĩ. Sau đó bệnh viện cho về, cứ 6 tháng tái khám một lần, hiện em đang dùng thuốc misenbo, viagra và thuốc lợi tiểu hàng ngày. Sức khỏe em hoàn toàn bình thường, chỉ ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bạn,
Với những thông tin mà bạn cung cấp, có thể thấy bệnh lý của bạn là tình trạng tăng áp động mạch phổi mức độ nhiều, là hậu quả của bệnh lý thông liên nhĩ, một bệnh lý tim bẩm sinh nhưng không được phát hiện và can thiệp từ sớm. Về bệnh lý thông liên nhĩ, tùy vị trí lỗ thông mà có thể can thiệp bằng bít dụng cụ hoặc phẫu thuật, và ở giai đoạn còn can thiệp được thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Khi không được phát hiện sớm bệnh sẽ tiến triển, dẫn đến tình trạng tăng áp động mạch phổi cố định, như tình trạng bệnh lý hiện nay của bạn.
Để đánh giá chính xác mức độ tăng áp phổi và xem xét còn chỉ định can thiệp hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thông tim để đánh giá áp lực mao mạch phổi bít, từ đó xem xét xem tổn thương của bạn còn có thể can thiệp được nữa hay không. Cho đến khi có thể làm tất các các thăm dò cần thiết và đánh giá chính xác mức độ bệnh, bạn cần duy trì liên tục việc điều trị nội khoa tình trạng suy tim và tăng áp động mạch phổi bằng thuốc. Bạn sẽ duy trì thuốc liên tục, lâu dài và tái khám kiểm tra định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa, từ đó có thể kiểm soát được tình trạng suy tim và tăng áp động mạch phổi. Chúc bạn yên tâm điều trị và nhớ thăm khám đều đặn theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ cho tôi hỏi Bệnh viện Tâm Anh có khám bệnh về huyết áp không và có sử dụng bảo hiểm y tế được không?
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bác,
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ các chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm với hệ thống máy móc hiện đại như: máy đo ECG 12 chuyển đạo, máy theo dõi huyết áp liên tục 24h, máy siêu âm tim chuyên dụng, hệ thống chụp CT tim, mạch máu hiện đại... có thể giúp tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Bệnh viện Tâm Anh có áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế nên bác vui lòng mang theo thẻ bảo hiểm kèm chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân để nhân viên đăng ký có thể hỗ trợ bác khi thăm khám tại bệnh viện.
Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, bác có thể liên hệ tổng đài Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Trân trọng!
Tôi bị rối loạn nhịp tim sau khi mắc Covid-19. Trước đó, tôi leo cầu thang bộ nhà 40 tầng trong 18 phút, nhịp tim trung bình trong quá trình leo là 97. Sau 2 tháng bị Covid-19, trong quá trình đeo Holter theo dõi nhịp tim 24 tiếng, tôi leo 20 tầng trong 35 phút thì nhịp tim lên 135 nên tôi lập tức ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bạn,
Chúng tôi rất chia sẻ với tình trạng rối loạn nhịp tim và giảm khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 của bạn. Các rối loạn nhịp tim, lo âu, hạn chế khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 hoặc ngay cả sau tiêm vaccine ngừa Covid–19 là những triệu chứng dai dẳng rất thường gặp khi khách hàng đến khám với chúng tôi.
Với tình huống của bạn có hai vấn đề. Thứ nhất, bạn gắng sức quá mức sau mắc Covid-19 khiến khả năng phổi không đáp ứng được nhu cầu oxy cơ thể, gây thiếu máu não co giật. Bạn không nên lặp lại mức gắng sức như vậy nữa. Thứ hai, để lượng giá mức gắng sức phù hợp với mình, chúng tôi khuyên bạn nên làm nghiệm pháp gắng sức (Treadmill) được thực hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Trong quá trình bạn gắng sức, các bác sĩ tim mạch sẽ theo dõi sát toàn trạng của bạn và thông báo mức tới hạn cơ thể bạn có thể dung nạp, từ đó có lời khuyên cho bạn về mức gắng sức và các môn thể thao bạn có thể rèn luyện phù hợp với thể lực của bản thân. Chúng tôi tin tưởng với sự rèn luyện kiên trì và phù hợp sức khỏe của bạn, chức năng phổi sẽ hồi phục.
Người Việt Nam mình có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm 50 năm khỏe mạnh chỉ với 2/3 phổi trái (ông phải cắt phổi phải và 1/3 phổi trái vì lao phổi). Ông đã ra đi nhưng để lại bài tập thở vô cùng quý giá, bạn có thể tham khảo trên mạng. Vậy nên, không có căn cứ gì mà bạn không sống vui sống khỏe sau khi có chế độ sinh hoạt và luyện tập phù hợp. Rất mong tin vui hồi phục sức khỏe từ bạn!
Con hay có dấu hiệu tức ngực, khó thở, thường là bên ngực phải. Biểu hiện là lồng ngực như có dây siết chặt quanh lồng ngực, đồng thời có một điểm đau buốt ở sau lưng xuyên lên phía trước ngực, vị trí sau lưng bị đau thường là gần với cột sống. Nhiều lúc con không thể lấy hơi được, lấy hơi nhẹ ...
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chị Phượng thân mến,
Nguyên nhân đau ngực như chị mô tả có thể do bệnh phổi, lồng ngực, cơ xương, thần kinh, hẹp van tim, rối loạn thần kinh chức năng... Do đó, chị nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện khám. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như chụp X-quang, đo điện tim, siêu âm tim và xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra hướng xử trí phù hợp hoặc tư vấn cụ thể hơn cho chị.
Em có tiền sử nhịp nhanh xoang, bình thường nhịp tim em từ 85-95 lần mỗi phút. Do em chủ quan, không đi khám và không dùng thuốc nên sau khi tiêm AstraZeneca mũi 1, vừa dứt kim tiêm ra là nhịp tim em tăng vọt, 135-140 lần/phút. Sau khi nằm theo dõi sau tiêm 30 phút, về nhà tim em vẫn bị dội từng ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào chị,
Theo thông tin chị chia sẻ, có lẽ chị đã đi khám và được cho dùng thuốc Concor và Procoralan (là 2 loại thuốc hạ nhịp tim khi nhịp tim nhanh). Không rõ chị đã được làm các xét nghiệm và thăm dò gì để chẩn đoán rối loạn nhịp nhanh chưa (ví dụ như xét nghiệm máu, chức năng tuyến giáp, theo dõi nhịp tim lưu động 24 giờ bằng máy Holter điện tim...). Nhịp tim người bình thường lứa tuổi chị sẽ dao dộng trong khoảng 60-100 nhịp/phút. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp nhanh như cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (nhịp nhanh trong cơn 140-180 ck/phút, xuất hiện và kết thúc đột ngột), cường giáp (nhịp tim thường xuyên nhanh), thiếu máu, cường giao cảm, lo lắng, căng thẳng...
Vấn đề rối loạn nhịp của chị tăng lên sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, không rõ lúc đó huyết áp của chị có tăng/tụt không, có triệu chứng khó thở, mần ngứa, nôn mửa... không, có được chẩn đoán phản vệ với vaccine không hay chỉ ghi nhận nhịp tim nhanh không triệu chứng? Một số trường hợp ghi nhận rối loạn nhịp sau tiêm, tuy nhiên thường kèm theo tình trạng căng thẳng, lo lắng của người bệnh.
Việc tiêm phòng bổ sung vaccine Covid-19 mũi 2, mũi 3... là cần thiết trong tình hình hiện tại.
Chi phí điều trị bệnh đổ mồ hôi tay chân khoảng bao nhiêu ạ? Bệnh viện Tâm Anh có điều trị bệnh này không?
Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin tình trạng bệnh của mình đang gặp phải nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể hơn cho bạn. Hiện bệnh đổ mồ hôi tay có nhiều phương pháp điều trị. Tùy theo tình trạng của bạn sau khi thăm khám, chúng tôi sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Bệnh viện Tâm Anh TP HCM có áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế với một số trường hợp. Do đó, bạn cố gắng sắp xếp thời gian đến khám trực tiếp để chúng tôi có thể kiểm tra và tư vấn cụ thể hơn cho bạn. Chúc bạn sức khỏe!
Chồng tôi bị cao huyết áp đã 15 năm, vẫn uống thuốc điều trị đều đặn hàng ngày. Đợt vừa rồi đi lấy thuốc theo định kỳ, bác sĩ có yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra thì phát hiện huyết áp cao, suy thận. Các chỉ số xét nghiệm: Gluco 4.7, Ure10, Creatin 200, siêu âm SAOB 2 thận nhỏ TLT 28gr. Toa thuốc: ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Với thông tin bác đưa ra thì chuyên môn chúng tôi ước tính bác trai suy thận độ IIIb hoặc độ IV (độ suy thận chia 5 độ, càng cao càng nặng). Đây là ước tính vì không có thông tin chính xác về tuổi và cân nặng của bác trai, với độ này cũng là mức nguy hiểm báo động. Với mức độ suy thận này vẫn có chỉ định bảo tồn, chưa có chỉ định ghép thận hoặc lọc thận.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chúng tôi rất sẵn sàng khám và theo dõi bệnh lý của bác trai. Bác có thể đưa bác trai sớm đến khám và tư vấn định kỳ với sự phối hợp của chuyên khoa Thận học và Tim mạch. Chúng tôi sẽ điều trị thuốc tối ưu, theo dõi định kỳ và hạn chế các thuốc độc cho thận. Cảm ơn bác đã tin tưởng trao gửi sức khỏe bác trai cho Bệnh viện Tâm Anh!
Tôi 30 tuổi, thường bị căng thẳng khi lo lắng một vấn đề trong công việc hoặc cuộc sống. Cảm giác gấp gáp, tim đập nhanh hơn và khó tiêu hơn sau khi ăn. Những lúc như vậy tôi thường cảm thấy hơi tức ngực kèm theo ợ và nôn nhẹ. Sau khi nôn thì mọi thứ trở lại bình thường. Ngoài ra, tôi hay ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bạn,
Triệu chứng bạn miêu tả có thể liên quan tới rối loạn thần kinh thực vật vì có các yếu tố khởi kích như stress công việc, lo lắng... Tuy nhiên, trước hết cần loại trừ các bệnh lý thực thể trước khi chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật. Chính vì thế, bạn cần được làm một số thăm dò cơ bản về hình ảnh học và chức năng tim như: Siêu âm doppler tim và van tim, đo điện tâm đồ, đo điện tâm đồ 24 giờ để đánh giá rối loạn nhịp trong vòng 24 giờ. Thêm vào đó, bạn có thể khám thêm chuyên gia tâm lý để làm một số test về giao cảm và được tư vấn sử dụng thuốc một cách tốt nhất.
Con em 6 tuổi, là bé gái. Năm ngoái em đưa bé đi khám tổng quát thì tình cờ phát hiện bé bị hở van tim 2 lá 1/4. Bác sĩ bảo không cần điều trị, chỉ cần theo dõi là được. Gần đây bé lại hay tức ngực, ho khan một vài ngày rồi hết... thì em có cần đưa bé đến khám ...
Phó Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn!
Theo kết quả siêu âm bạn cung cấp, con bạn bị hở van tim 2 lá 1/4. Đây là tình trạng hở van nhẹ, có thể là hở van sinh lý, không cần điều trị. Thông thường, tình trạng hở van này sẽ không diễn tiến theo thời gian. Gần đây con bạn có thêm triệu chứng tức ngực, ho khan. Bạn nên cho con khám lại ở cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch, vì có thể cháu có bệnh lý mới của đợt này, có thể triệu chứng của tim hoặc hô hấp. Khi khám lại, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán và tư vấn cho bạn cụ thể hơn.
Em đang có thai 28 tuần. Lúc 11 tuần đo độ mờ da gáy là 2mm, Double test (T21) 1:623. Ở tuần 20 siêu âm phát hiện thất phải 2 đường ra thể chuyển vị đại động mạch, hẹp eo động mạch chủ, tuần hoàn hệ thống phụ thuộc ống động mạch. Xin bác sĩ tư vấn trường hợp con em có nguy hiểm không ...
Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn!
Theo kết quả siêu âm tim thai trên, đây là một bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Bạn cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ, chuẩn bị nơi sinh và chăm sóc sau sinh chuyên sâu. Trường hợp này cần được hội chẩn giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ sơ sinh và tim mạch nhi (bác sĩ thông tim can thiệp nhi và phẫu thuật viên tim mạch nhi) để lên kế hoạch chăm sóc, phối hợp tốt nhất. Sau khi chào đời, cháu sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức sơ sinh và có thể phải được thông tim hoặc mổ tim sớm trong giai đoạn sơ sinh. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau và tiên lượng khác nhau từ trung bình tới nặng. Chúc bạn và bé khỏe!
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn