Tôi bị hồi hộp, tim đập nhanh, hụt hơi, khi khám tại bệnh viện bác sĩ cho đo điện tim, siêu âm tim. Bác sĩ kết luậnrRối loạn nhịp tim ngoại tâm thu thất, cho uống thuốc. Tôi dùng hơn một tháng nhưng vẫn chưa hết. Vậy cách điều trị hiệu quả nhất và nơi nào chuyên khoa tốt nhất hiện nay thưa bác sĩ? ...
Bác sĩ Nội tim mạch Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh,
Ngoại tâm thu thất có trường hợp cần dùng thuốc, có trường hợp phải triệt phá bằng sóng cao tần (gọi tắt là cắt đốt). Thông tin về bệnh của anh chưa đầy đủ. Để biết chính xác anh phải làm gì tiếp theo (điều trị bằng thuốc hay cắt đốt), chúng tôi cần thêm một số thông tin về nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu thất, vị trí ổ ngoại tâm thu, tần suất xuất hiện ngoại tâm thu đó, các loại loạn nhịp khác đi kèm, các bệnh khác đi kèm, những loại thuốc đang sử dụng...
Nếu anh đã dùng Concor 2,5mg mà vẫn không giảm thì nên đi khám một bác sĩ chuyên về loạn nhịp để được đánh giá thêm. Hiện tại, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có chuyên khoa về loạn nhịp với nhiều bác sĩ tim mạch giỏi, trang thiết bị hiện đại, có thể điều trị bằng thuốc hoặc triệt phá, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho anh tốt nhất.
Tôi nhịp tim chậm chỉ từ 50 đến 55 lần/phút. Như vậy có cần điều trị không?
Bác sĩ Nội tim mạch Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bác,
Nhịp tim chậm có 3 trường hợp: người hoạt động thể lực nhiều (ví dụ như vận động viên), do một số thuốc làm chậm nhịp tim, do bệnh lý. Trường hợp của bác nếu không sử dụng thuốc làm chậm nhịp, không hoạt động thể lực nhiều thì nên đi khám chuyên sâu về tim mạch để có câu trả lời chính xác nhất.
Thỉnh thoảng lúc ngủ nằm ngửa bỗng nhiên hụt hơi thở, nếu nằm nghiêng thì không bị hụt hơi. Như vậy là bệnh gì và cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ!
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Bác Diệp thân mến,
Triệu chứng bác mô tả có thể gặp trong bệnh suy tim, bệnh phổi mạn tắc nghẽn hoặc rối loạn thần kinh thực vật. Bác nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân, từ đó có cách điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp cho bác.
Con trai tôi sinh năm 2009, tự nhiên móng chân và móng tay cháu bị đen dần. Cháu không thấy biểu hiện gì khác lạ trong người liệu có sao không? Cháu có bị bệnh lý gì nghiêm trọng không? Tôi xin cảm ơn!
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào anh!
Với triệu chứng anh cung cấp là móng tay và móng chân cháu bị đen dần thì bác sĩ chưa định hướng được nguyên nhân là gì. Tuy nhiên, tình trạng này ít gặp ở người bình thường, có thể là một rối loạn lành tính hoặc biểu hiện của một bệnh lý tiềm tàng. Anh nên cho cháu đi khám thêm tại các cơ sở y tế có đa chuyên khoa (gồm da liễu, tim mạch, nội tiết, miễn dịch...) để được đánh giá toàn diện, tìm nguyên nhân gây bệnh nếu có, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Sóng wifi tác hại tới hệ thống tim mạch như thế nào? Xin cảm ơn các bác sĩ!
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào anh!
Sóng wifi từ lâu được coi là có một số ảnh hưởng không tốt đến cơ thể con người, với hầu hết các cơ quan bị tác động, đặc biệt là thần kinh và tim mạch. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào đủ lớn, đủ sức thuyết phục về tác hại của sóng wifi tới con người nhưng một số nghiên cứu nhỏ được đã tiến hành trong thời gian qua, chủ yếu là tiến hành trên động vật, ghi nhận rằng sóng wifi có những tác động nhất định tới hệ tim mạch như làm tăng nhịp tim, tăng khả năng mắc các rối loạn nhịp tim và có thể gây tăng tỷ lệ biến cố sức khỏe liên quan đến tim mạch. Vì thế, để phòng ngừa tác hại của sóng wifi tới sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường sóng wifi, đặt các thiết bị wifi xa nơi làm việc, tắt các thiết bị này khi không cần thiết...
Tuy nhiên, anh cũng không cần quá quan ngại, lo lắng về việc bắt buộc phải tiếp xúc với sóng wifi trong cuộc sống hàng ngày, vì tác hại của nó cũng chưa rõ ràng, trong khi những tiện ích mà nó mang lại khá to lớn.
Thân mến!
Tôi năm nay 56 tuổi, đi bộ thấy mỏi bắp chân và tê bì bàn chân. Vậy tôi có phải bị suy giãn tĩnh mạch chân hay không? Tôi có siêu âm tĩnh mạch chẩn đoán không bị suy tĩnh mạch. Vậy tôi bị bệnh gì và phải điều trị như thế nào?
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Triệu chứng tê mỏi bắp chân và bàn chân khi đi lại gặp trong một số bệnh như suy tĩnh mạch, hẹp/tắc động mạch chi dưới (còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên chi dưới) hoặc bệnh lý thần kinh. Anh siêu âm tĩnh mạch không thấy bị suy tĩnh mạch thì cần tìm thêm các nguyên nhân khác. Anh nên đến bệnh viện khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân và điều trị.
Tôi siêu âm kết quả có đốm xơ vữa động mạch chủ bụng. Chỉ số Cholesterol 6mmol/l. Bác sĩ cho thuốc chống đông máu và thuốc giảm Cholesterol Avastatine. Tôi bị như vậy có nguy cơ gì, cần uống thêm thuốc gì không và tái khám ở chuyên khoa nào?
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Bác Vượng thân mến,
Xơ vữa động mạch chủ bụng nằm trong bệnh xơ vữa động mạch. Yếu tố nguy cơ đưa đến bệnh này là cao tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá... Nguy cơ của bệnh là người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, phình bóc tách động mạch chủ, hẹp động mạch ngoại biên... nếu bệnh tiến triển. Để điều trị, bác cần được khám toàn diện và đánh giá nguy cơ tim mạch toàn bộ. Ngoài việc điều trị giảm mỡ máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, bác nên điều chỉnh lối sống, chế độ ăn, kiểm soát cân nặng (nếu thừa cân), điều trị huyết áp, đái tháo đường (nếu có bệnh đi kèm).
Kết quả xét nghiệm của tôi Cholesterol 283mg/dl, Triglycerid 807mg/dl, Sgot 55u/L, Sgpt 109u/L, Ggt 483 u/L. Bác sĩ cho biết cách điều trị?
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Anh Tân thân mến
Anh bị rối loạn lipid máu (tăng triglyceride), tăng men gan. Anh có nguy cơ viêm tụy cấp do triglyceride > 500 mg/dL. Kết quả xét nghiệm này thường gặp ở người uống nhiều rượu bia hay đái tháo đường chưa kiểm soát tốt, suy giáp, bệnh thận... Anh nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân rối loạn mỡ máu và điều trị sớm. Không nên tự uống thuốc giảm mỡ máu vì men gan của anh cao. Anh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị và theo dõi phù hợp.
Cháu nhà em 20 ngày tuổi, đi khám và siêu âm bác sĩ kết luận cháu bị: thông liên quanh màng lan dưới van chủ được 7,1 - 5,0 mm, shunt PGmax 10mmHg, có conus dưới hai van động mạch, không hẹp đường ra các thất. Thông liên thất lỗ thứ phát 3,1mm shunt T-P. Bác sĩ cho hỏi trường hợp của cháu liệu có ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào chị,
Theo như chị mô tả, cháu nhà có dị tật bẩm sinh thông liên thất thể quanh màng lan đến dưới van động mạch chủ và thông liên nhĩ (không phải thông liên thất thứ phát). Tuy nhiên, cháu bé còn khá nhỏ (20 ngày tuổi). Với tổn thương như chị mô tả, khả năng tự vá là không quá cao. Chị nên cho cháu tiến hành theo dõi siêu âm sau 6 tháng. Khi cháu khoảng 1-2 tuổi, đạt được cân nặng khoảng >10 kg là có thể phẫu thuật.
Trong quá trình theo dõi và chăm sóc, chị cố gắng tránh để cháu bị viêm phổi, tiêm đầy đủ các loại vaccine cho cháu, vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm họng. Nếu được, chị nên đưa cháu đến siêu âm và thăm khám với các chuyên gia Tim bẩm sinh.
Ba em 60 tuổi, hai tháng trước bị đau thắt tim ngất xỉu phải nhập viện. Bác sĩ kết luận nhồi máu cơ tim do bị tắc mạch vành. Hiện ba em uống thuốc đều đặn hàng ngày, tuy nhiên khi đi bộ ba vẫn hay đau tức ngực mà do dịch em chưa đưa ba đi khám được. Mong bác sĩ tư vấn trường ...
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chị Nguyệt Anh thân mến,
Ba của chị đã từng bị nhồi máu cơ tim, hiện nay bác mệt, tức ngực khi đi lại. Tốt nhất, chị nên đưa bác bệnh viện khám lại để điều chỉnh thuốc hoặc xem xét chỉ định nong mạch vành (nếu cần). Hiện nay dịch bệnh đã tạm ổn, bác có thể đến bệnh viện khám để được điều trị và chăm sóc đầy đủ.
Năm 2020 tôi siêu âm tim khoẻ 1/4, 2021 thì hở 2/4. Cho tôi hỏi liệu các năm về sau tôi có hở nặng hơn không, có uống thuốc hay điều trị gì không ạ? Tôi không thấy tức ngực hay hụt hơi. Cảm ơn bác sĩ.
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chị Thanh Bình thân mến,
Năm 2020 chị siêu âm tim thấy hở van 1/4 (có lẽ là van hai lá), là hở vai mức độ nhẹ; một năm sau siêu âm tim hở van 2/4, là hở van mức độ trung bình, có tăng hơn so với năm trước. Do đó, chị cần theo dõi định kỳ, khám chuyên khoa tim mạch tìm nguyên nhân hở van. Hiện tại, hở van mức độ trung bình không cần điều trị thuốc, chủ yếu là điều trị các yếu tố nguy cơ và bệnh lý tim mạch đi kèm.
Tôi luôn tập thể dục đều hàng ngày khoảng một tiếng gồm chạy bộ, tập gym. Huyết áp luôn đạt 120/60, nhịp tim 60. Nhưng khoảng 6 tháng lại đây huyết áp buổi sáng khi đo thường là 160/90. Hiện tôi vẫn tập thể dục đều đặn. Lúc tập về sau một tiếng, đo huyết áp 120/80. Lúc tập chạy (tôi chạy được 10 km) ...
Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Tăng huyết áp là tên gọi chung của nhiều dạng tăng huyết áp khác nhau như tăng huyết áp buổi sáng, tăng huyết áp về đêm, tăng huyết áp áo choàng trắng... Trước khi đưa ra quyết định điều trị huyết áp, các bác sĩ cần xác định chính xác tình trạng huyết áp của bác. Để làm điều đó, bác có thể theo dõi huyết áp hàng ngày tại nhà, mỗi ngày đo 2 lần sáng - tối, đo ở cánh tay trái, tư thế ngồi, ghi nhận chỉ số huyết áp vào sổ theo dõi huyết áp. Sau đó, bác mang thông tin đó đến các cơ sở y tế có phòng khám tim mạch chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ sẽ cho bác mang Holter huyết áp 24 h nhằm xác định dạng tăng huyết áp của bác trước khi đưa ra điều trị.
Ngoài ra, bên cạnh dùng thuốc, điều trị huyết áp bằng các phương pháp không dùng thuốc như hạn chế ăn mặn (<5g muối/ngày), tăng cường rau xanh, bỏ thuốc lá, giảm chất kích thích (bia, rượu, cà-phê)... là những phương pháp bác có thể áp dụng ngay lập tức.
Tôi 65 kg cao 168 cm, không thường xuyên vận động thể thao. Các chỉ số hầu như bình thường theo kết quả khám sức khỏe hàng năm.
Một năm lại đây, từ khi dùng Apple Watch tôi phát hiện ngày khoảng 2-4 lần nhịp tim đập trong khoảng 120-135 dù lúc đó tôi đang ngồi/nằm tĩnh. Tôi cũng thi thoảng choáng váng nếu đổi ...
Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Nhịp tim của cơ thể có thể thay đổi theo thời gian trong ngày và hoạt động của cơ thể. Thường nhịp tim sẽ tăng khi vận động, giảm khi trời tối hoặc thời điểm ngủ sớm. Theo như thông tin anh cung cấp, quá trình nhịp nhanh của anh diễn ra hàng ngày, khi nghỉ ngơi, tuy nhiên lại không rõ là dạng nhịp nhanh gì, và thời gian của cơn nhịp nhanh là bao lâu. Do đó, để có chẩn đoán chính xác, anh nên đến các cơ sở khám tim mạch chuyên sâu. Tại đây, các bác sĩ có thể chỉ định cho anh mang máy điện tim trong 24 tiếng liên tục (Holter điện tim). Căn cứ vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ có nhiều cơ sở để chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp.
Tôi thường bị huyết áp thấp 90/60 mmHg hoặc 85/58 mmHg. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Cảm ơn bác sĩ.
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Bác Quy thân mến,
Nếu bác có huyết áp thấp từ trước đến giờ và không có triệu chứng gì thì không cần điều trị. Trường hợp gần đây mới có tình trạng này hoặc xuất hiện triệu chứng huyết áp thấp, bác nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể gặp là hẹp hay tắc mạch máu, hẹp eo động mạch chủ, hở van tim, suy tim, suy giáp... Chúc bác sớm tìm được nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế với hệ thống trang thiết bị tim mạch hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ là một địa điểm thăm khám mà bác có thể yên tâm chọn lựa.
Bác sĩ cho cháu hỏi, con cháu một tháng tuổi bị tim bẩm sinh thông liên thất 3mm quanh phần màng. Vậy cháu hỏi lỗ thông liên thất đó có thể tự đóng không hay phải phẫu thuật ạ?
Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Thông liên thất 3mm phần quanh màng có khả năng tự đóng khá cao. Do đó, để theo dõi tình trạng của cháu, anh có thể đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch tiến hành theo dõi đánh giá tình trạng tim mạch và lỗ thông mỗi 6-12 tháng/lần.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế với hệ thống trang thiết bị tim mạch hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ là một địa điểm thăm khám mà anh và gia đình có thể yên tâm chọn lựa.
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn