Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mặc dù đều gây đau, chảy máu quanh khu vực trực tràng nhưng rò hậu môn và trĩ là hai bệnh khác nhau. Do hướng điều trị rò hậu môn và trĩ có nhiều khác biệt nên việc phân biệt hai bệnh lý này khá quan trọng.
Triệu chứng
Rò hậu môn là tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính vùng hậu môn, trực tràng. Đây là hậu quả của một áp xe quanh hậu môn nhưng không được điều trị triệt để, bị vỡ ra tạo thành đường rò. Một số nguyên nhân tiềm ẩn ít gặp khác như bệnh Crohn, lao ruột; viêm nhiễm do các bệnh lây qua đường tình dục; tổn thương sau điều trị tia xạ vùng hậu môn trực tràng, chấn thương...
Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch ở hậu môn sưng phồng, kém đàn hồi do giãn nở quá mức. Bệnh có thể hình thành bên trong trực tràng hoặc dưới da hậu môn. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ thường là táo bón mạn tính, béo phì, mang thai, lao động bê vác vật nặng, quan hệ tình dục qua hậu môn...
Tiến sĩ Khanh nhận định, bệnh trĩ và rò hậu môn thường dễ gây nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng giống nhau như ngứa, sưng đỏ vùng hậu môn, cảm giác đau khi đại tiện. Hai bệnh này đều gây ra tình trạng ẩm ướt. Tuy nhiên, trĩ chỉ gây ẩm ướt nhẹ còn rò hậu môn thường chảy nhiều dịch mủ vàng, có mùi hôi.
Bệnh trĩ có một số triệu chứng riêng biệt như đau hoặc khó chịu khi ngồi, gần hậu môn có các cục u. Trong khi, bệnh nhân rò hậu môn còn có thêm triệu chứng xì hơi qua lỗ rò. Do lỗ rò ăn sâu qua tuyến hậu môn ra tận lớp da bên ngoài nên khi đại tiện, dịch hậu môn, máu mủ và phân cũng theo đường rò đi ra khiến người bệnh đau đớn. Khi tiểu tiện, người bệnh có cảm giác xót do nước tiểu rớt vào vùng nhiễm trùng; nếu nhiễm trùng trở nặng có thể sốt hoặc ớn lạnh.
Cách điều trị
Phương pháp điều trị rò hậu môn và bệnh trĩ có nhiều khác biệt. Nếu như trĩ có thể thuyên giảm bằng cách thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt khi ở cấp độ nhẹ thì rò hậu môn lại yêu cầu can thiệp phẫu thuật mới có thể cải thiện. Trường hợp do bệnh Crohn hoặc lao cần điều trị phối hợp nguyên nhân đặc hiệu gây rò.
Bệnh trĩ có thể khắc phục bằng các phương pháp điều trị bảo tồn tại nhà, chẳng hạn ngâm hậu môn trong nước ấm; uống nhiều nước; ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Bạn có thể rửa vệ sinh hậu môn thay vì lau bằng giấy sau khi đi tiêu để giảm đau rát, phòng tránh nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm thuốc làm mềm phân, kem bôi giảm đau... Trường hợp bệnh trở nặng có thể can thiệp phẫu thuật. Một số phương pháp điều trị như thắt dây cao su quanh búi trĩ, chích xơ mạch máu đến nuôi búi trĩ hoặc phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.
"Phẫu thuật rò hậu môn hiện là phương pháp điều trị duy nhất giúp giảm áp lực bên trong cơ vòng hậu môn, cho phép máu lưu thông nhiều và vết thương mau lành hơn. Nhờ đó, người bệnh rò hậu môn do viêm dẫn tới áp xe tại chỗ có hy vọng khỏi bệnh, không tái phát", Tiến sĩ Khanh nói.
Thông thường, bác sĩ tìm lỗ rò, mổ cắt đường rò, dẫn lưu áp xe và cắt bỏ hết các tổ chức xơ kèm ngóc ngách của lỗ rò. Đây là tiểu phẫu đơn giản, nhanh hồi phục, không có nhiều nguy hiểm và biến chứng. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau phẫu thuật.
Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị bảo tồn bệnh lý rò hậu môn như đóng lỗ trong, nội soi hoặc dùng tia laser kiểm soát đường rò, dùng vật liệu sinh học (collagen, fibrin, tế bào gốc) hoặc vật liệu nhân tạo bịt kín đường rò...
Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách hai bệnh lý này dễ gây mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bệnh trĩ kéo dài có thể gây thiếu máu, sa nghẹt búi trĩ dẫn tới tắc mạch và hoại tử, viêm nhiễm lở loét vùng hậu môn và xung quanh như tầng sinh môn... Rò hậu môn diễn biến xấu có thể gây viêm tấy lan tỏa vùng chậu, hội chứng Fournier, nhiễm trùng huyết, nhất là ở người có bệnh nền như tiểu đường.
Tiến sĩ Khanh khuyên, khi có các triệu chứng đại tiện ra máu, đau rát, ngứa vùng hậu môn, rò mủ, chảy dịch hôi,... người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Nhờ đó, người bệnh được điều trị sớm, tránh trường hợp tự bắt bệnh và tự ý sử dụng thuốc cho hai bệnh này, rất dễ nhầm lẫn. Việc điều trị không đúng bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mọi người nên chủ động bổ sung thêm chất xơ trong chế độ ăn; luyện tập thể dục, tránh ngồi quá lâu; lao động vừa sức, di chuyển vật nặng đúng cách. Điều trị dứt điểm tình trạng táo bón, tiêu chảy... cũng là cách đề phòng khả năng mắc hai căn bệnh này.
Trịnh Mai