Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra quá mức. Bệnh trĩ phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc dưới da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại). Trĩ tuy không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Nguyên nhân gây ra trĩ là do tăng áp lực hậu môn và trực tràng. Từ đó, mục tiêu của các phương pháp ngăn ngừa nguy cơ mắc trĩ chính là tránh các hoạt động chèn ép làm căng hậu môn, trực tràng. Trước vấn đề này, nhiều người đặt ra thắc mắc rằng quan hệ tình dục qua đường hậu môn có phải là nguy cơ gây ra trĩ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, những người có nguy cơ cao sinh ra trĩ khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn thường có collagen ở hậu môn lỏng lẻo. Đối với người có collagen ở hậu môn chắc chắn, khả năng sinh trĩ ở hậu môn vẫn có nhưng sẽ thấp hơn.
Với người bị trĩ, khi quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, tình trạng giao hợp có thể gây đau và khiến triệu chứng nặng hơn. Sự thâm nhập trong quá trình giao hợp có thể gây nhiều tác động tiêu cực tới bệnh trĩ như gây kích ứng trĩ, dẫn tới tình trạng chảy máu và đau. Việc ma sát và áp lực khi thâm nhập qua đường hậu môn cũng có thể gia tăng kích ứng, khó chịu và đau đớn cho người bệnh. Hơn nữa, hình thức giao hợp này có thể làm rách niêm mạc hậu môn, tạo ra các vết nứt hậu môn và chảy máu. Búi trĩ chảy máu còn thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV vì virus HIV có thể dễ dàng lây lan qua các vết cắt, vết thương hở.
Bác sĩ Hậu cho biết, khi mắc bệnh trĩ, người bệnh không cần ngưng quan hệ tình dục. Người bệnh chỉ cần lưu ý về tần suất, cách thức quan hệ và chọn các tư thế "yêu" phù hợp để không làm triệu chứng bệnh nặng hơn. Trước khi giao hợp với bạn tình, người bệnh có thể sử dụng thiết bị hỗ trợ tình dục (sex toy) để đánh giá tình trạng bệnh trĩ của bản thân. Nếu cảm thấy đau hay kích ứng, người bệnh nên dừng lại và tránh quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.
"Người bệnh trĩ khi quan hệ nên thực hiện với tốc độ và thời gian mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất; tìm hiểu những tác động của trĩ đến cơ thể. Khi bị nóng rát, đau nhói hay cơn đau ngày càng tăng, bạn nên dừng lại, giảm tốc độ, thêm chất bôi trơn hoặc thay đổi tư thế phù hợp", bác sĩ Hậu lưu ý.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn không phải tác nhân chính gây bệnh trĩ. Tuy nhiên, khi giao hợp, người bệnh nên sử dụng các biện pháp an toàn để tránh gây rách niêm mạc hậu môn, hình thành các vết nứt, gây chảy máu. Người bệnh trĩ nếu áp dụng hình thức quan hệ này cần đặc biệt cẩn trọng vì có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
Anh Đài