Rò hậu môn (còn gọi là mạch lươn) là tình trạng xuất hiện các đường hầm (đường rò) bất thường dưới da, nối ống hậu môn với vùng da xung quanh hậu môn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, chuyên gia Ngoại Hậu môn - Trực tràng cho biết, có đến 95% trường hợp rò hậu môn là hậu quả của áp xe tuyến hậu môn - một ổ nhiễm trùng chứa mủ nằm ở vùng hậu môn trực tràng. Các trường hợp còn lại có thể do các nguyên nhân khác như bệnh Crohn, bệnh lao, viêm túi thừa, ung thư, chấn thương, tai biến phẫu thuật vùng chậu...
Phẫu thuật điều trị rò hậu môn
Rò hậu môn dù là đơn giản hay phức tạp hoặc tái phát đều phải được điều trị bằng phẫu thuật. Nguyên tắc điều trị là phải xác định được các lỗ rò trong, các ổ áp xe, định vị đúng hướng đi của đường rò chính và đường rò thứ phát, lấy hết tổ chức xơ, phá hết các ngóc ngách và bảo tồn cơ thắt hậu môn tối đa.
Bác sĩ Hậu cho biết, chụp cộng hưởng từ vùng chậu (MRI) và tái tạo hình ảnh trên không gian 3 chiều đang là phương pháp tiến bộ được đơn vị Hậu môn - Trực tràng ứng dụng nhằm định vị chính xác các lỗ rò trong, đường rò chính - phụ và các nhánh rò tương quan với trực tràng, ống hậu môn, gian cơ thắt, cơ nâng hậu môn, gốc bìu, niệu đạo, tuyến tiền liệt. Chụp MRI ít phụ thuộc vào người vận hành hơn so với siêu âm vùng chậu, do đó, kết quả đánh giá các đường rò phức tạp chính xác hơn. Một nghiên cứu của các chuyên gia ở Mỹ cho thấy, MRI vùng chậu tương quan với giải phẫu chính xác đến 90% trường hợp.
Khi đã xác định được "bản đồ" đường rò, bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định phương án tiếp cận và xử lý tối ưu đối với từng loại rò cụ thể. Đối với rò hậu môn phức tạp, quan trọng nhất là phải có đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm dày dặn, các dụng cụ phẫu thuật chuyên dùng để xử lý được lỗ rò trong, niêm mạc và mô xơ đường rò.
"Trong quá trình mổ phẫu thuật viên phải đủ kinh nghiệm và khéo léo để không làm tổn hại các cơ quan lân cận, tránh tối đa biến chứng hậu phẫu. Cụ thể, đối với rò hậu môn không lỗ ngoài, đường rò có thể xuyên vào cơ thắt, đổ vào lòng hậu môn - trực tràng. Phẫu thuật lấy đường rò phải thật cẩn thận và chính xác để không làm tổn thương cơ thắt hậu môn, nếu không, sau mổ rò người bệnh sẽ gặp biến chứng đại tiện không tự chủ", bác sĩ Hậu nói.
Trường hợp rò móng ngựa hay rò trên cơ nâng, đường rò có xu hướng ôm sát thành trực tràng, khi phẫu thuật phải khéo léo để tránh làm thủng trực tràng. Đối với rò hậu môn lan gốc bìu, lỗ rò trong thường ở vị trí 6 hoặc 12 giờ, đường rò có thể đi qua tiền liệt tuyến và niệu đạo tầng sinh môn. Bác sĩ sẽ lưu ý để tránh phạm vào tiền liệt tuyến hay niệu đạo vì có thể gây rò nước tiểu.
Sau khi mổ, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn các phương pháp chăm sóc cho vết thương. Bác sĩ Hậu cho biết, quá trình chăm sóc tốt nhất được thực hiện theo từng giai đoạn hồi phục, bắt đầu từ phản ứng viêm, đến tăng sinh mô hạt, biểu mô hóa và cuối cùng là liền sẹo, đảm bảo vết thương liền từ trong liền ra, từ dưới lên trên. Chăm sóc sau mổ tốt không chỉ giúp người bệnh nhanh bình phục, hạn chế đau mà còn tránh được biến chứng nhiễm trùng vết thương và hạn chế khả năng tái phát.
Áp dụng vật lý trị liệu hậu môn phối hợp cũng là một bước cần thiết sau mổ để thúc đẩy hoạt động bình thường trở lại của các nhóm cơ hậu môn. Nhờ quá trình này, sự mềm mại và chắc khỏe của các nhóm cơ được phục hồi, giúp hạn chế tình trạng ẩm ướt, viêm nhiễm và tránh són phân do yếu cơ thắt sau phẫu thuật.
Các loại rò hậu môn và biến chứng
Rò hậu môn có thể chia thành hai dạng là rò hậu môn đơn giản và rò hậu môn phức tạp. Theo bác sĩ Hậu, dạng rò đơn giản chiếm tỷ lệ khoảng 70%, được đặc trưng bởi các đường rò thẳng, ít ngóc ngách. Trong khi đó, rò hậu môn phức tạp tuy chiếm tỷ lệ ít hơn (30%) nhưng lại gây khó khăn cho điều trị bởi những đường rò phân nhánh ngoằn ngoèo, ảnh hưởng đến nhiều cơ hậu môn, nguy cơ tái phát cao dù đã điều trị bằng phẫu thuật.
Một số loại rò hậu môn phức tạp có thể kể đến như rò hậu môn không lỗ ngoài (lỗ rò chạy thẳng vào ống hậu môn - trực tràng), rò hậu môn hình móng ngựa, rò nhiều lỗ ngoài với các đường rò riêng biệt, rò trên cơ nâng hậu môn hay rò lan gốc bìu ở nam giới.
Bác sĩ Hậu chia sẻ thêm, rò hậu môn phức tạp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phẫu thuật. Mủ từ đường rò chảy ra nhiều làm tăng nguy cơ lở loét, nhiễm trùng, hoại tử hậu môn. Trường hợp viêm nhiễm nặng còn gây sốt cao, mất sức, mệt mỏi, suy giảm hệ miễn dịch. Các đường rò và lỗ rò không được can thiệp sẽ ngày càng lây lan sang khắp vùng chậu, ảnh hưởng đến tiết niệu, bàng quang, âm đạo... Thậm chí, bệnh còn làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn - trực tràng.
Ngọc An
ThS.BS Nguyễn Văn Hậu là bác sĩ Ngoại khoa lĩnh vực Hậu môn - Trực tràng, công tác tại Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Với nhiều năm học tập tại nước ngoài và hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc khám, điều trị các bệnh lý Hậu môn - Trực tràng, đặc biệt là các trường hợp Rò hậu môn dạng phức tạp, hoặc các ca rò tái phát nhiều lần. Để đặt hẹn khám và tư vấn với ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, khách hàng có thể liên hệ đến:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789\
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh