Trái cây là lựa chọn lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như chất xơ. Tuy nhiên, một số loại trái cây có hàm lượng đường cao có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Dưới đây là một số loại trái cây mà người bệnh tiểu đường nên hạn chế theo Medical News Today.
Trái cây nhiều đường
Chỉ số đường huyết (GI) cho biết một loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Hầu hết các loại trái cây khác có chỉ số GI từ thấp đến trung bình. Đường trong trái cây tươi là fructose, không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu hoặc insulin. Tuy nhiên, một số loại có chỉ số GI từ 70 đến 100 chẳng hạn như dưa hấu, chuối quá chín... sẽ chứa nhiều đường. Người bệnh tiểu đường có thể ăn những loại trái cây này nhưng ở mức chừng mực. Ăn các loại trái cây có chỉ số GI thấp sẽ phù hợp hơn với người bệnh.
Trái cây giàu carbohydrate
Theo Tổ chức Bệnh tiểu đường của Anh, lượng carbohydrate (carb) một người ăn có tác động nhiều nhất đến lượng đường trong máu. Bạn nên xác định loại carb nào có ít chất dinh dưỡng hoặc không tốt cho sức khỏe thì nên loại bỏ. Một số loại trái cây có chứa nhiều carbohydrate nhưng lại mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và thông thường không nằm đứng đầu trong danh sách thực phẩm giàu carbohydrate cần loại bỏ trước tiên.
Hàm lượng carb trong một số loại trái cây so với các loại thực phẩm giàu carb khác thường thấp hơn. Chẳng hạn, một quả táo vừa chứa 15-20 g carb, một quả chuối lớn có 30 g carb, 20 g carb trong một phần trái cây khô; trong khi một bánh muffin chocolate là 55 g carb, 500 ml soda 54 g carb.
Nước trái cây
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), sự kết hợp của chất xơ và đường đơn khi ăn trái cây có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Tuy nhiên, uống nước ép trái cây sẽ làm tăng đường huyết nhanh chóng. Nghiên cứu Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) đã xem xét việc tiêu thụ trái cây ảnh hưởng thế nào đến người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều trái cây hơn ít có nguy cơ mắc bệnh nhưng người uống nhiều nước trái cây có nhiều khả năng phát triển tình trạng này hơn. Một nghiên cứu năm 2017 của Tây Ban Nha cũng kết luận tương tự.
Trái cây sấy khô
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), người bệnh tiểu đường có thể ăn trái cây sấy khô nhưng cần lưu ý không thêm đường khi sấy và dùng khẩu phần nhỏ. Nghiên cứu của Tây Ban Nha đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ đã tìm thấy mối tương quan tích cực giữa việc ăn các loại hạt và trái cây sấy khô với việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp hai.
Một người mắc bệnh tiểu đường nên ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ liệt kê một số loại trái cây phổ biến mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể bổ sung trong chế độ ăn uống như: táo, bơ, chuối, việt quất, anh đào, bưởi, kiwi, xoài, cam, đu đủ, dứa, mận, quả mâm xôi, dâu tây, quýt, lê... Tổ chức Bệnh tiểu đường của Anh gợi ý lượng trái cây dưới đây có thể chiếm một phần trái cây và rau mỗi ngày.
Phần | Trái cây |
Quả tươi nhỏ: 2 quả trở lên | 2 trái mận |
2 trái kiwi | |
3 trái mơ | |
6 trái vải | |
14 trái anh đào | |
Trái cây tươi cỡ vừa: 1 trái | 1 trái táo |
1 trái chuối | |
1 trái lê | |
1 trái cam | |
Trái cây tươi lớn: ít hơn 1 trái | 1/2 trái bưởi |
một lát đu đủ dài 5 cm | |
2 lát xoài 5 cm | |
Trái cây khô: 30 g | 2 quả sung khô |
một nắm chuối khô | |
Trái cây đóng hộp trong nước trái cây | 2 trái quả lê hoặc đào |
8 múi bưởi |
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ cũng khuyến nghị lựa chọn rau củ quả dựa vào phương pháp đĩa, đếm lượng carb và chỉ số GI.
Phương pháp đĩa: Người bệnh có thể chọn 1/2 đĩa chứa rau củ quả.
Đếm lượng carb: Một trái cây nhỏ hoặc nửa cốc trái cây đóng hộp hoặc đông lạnh có khoảng 15 g carb. Bạn có thể thay thế trái cây cho một khẩu phần carb khác trong một bữa ăn hoặc một ngày.
GI: Hầu hết các loại trái cây có điểm GI thấp do hàm lượng chất xơ cao nên bạn có thể đưa nó vào trong chế độ ăn uống, hạn chế các loại có GI cao.
Kim Uyên
(Theo Medical News Today)