Gừng là loại thảo mộc phổ biến với hương vị cay nồng, có hàm lượng carbohydrate và calo thấp, chỉ có 1,3 g carbohydrate trong một thìa cà phê. Ngoài tác dụng cải thiện chứng đau bụng, khó tiêu, gừng còn có một số lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường.
Theo Everyday Health (Mỹ), gừng có tiềm năng kiểm soát lượng đường trong máu. Sau khi phân tích các nghiên cứu rút ra kết luận rằng gừng có thể ức chế các enzym ảnh hưởng đến cách chuyển hóa carbohydrate và độ nhạy insulin, do đó, dẫn đến việc hấp thụ glucose nhiều hơn trong cơ. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, gừng cũng có khả năng làm giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường do có tác dụng hạ lipid.
Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tehran (Iran), bổ sung bột gừng có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu lúc đói. Những người tham gia nghiên cứu này dùng 2 g gừng mỗi ngày trong 12 tuần. Kết quả, nhóm này cũng có chỉ số mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian 2-3 tháng (A1C) thấp hơn. Một bài đánh giá của Mỹ và Hàn Quốc cho thấy, bổ sung gừng có thể giúp giảm mức A1C và mức đường huyết lúc đói ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai.
Gừng còn chống oxy hóa và chống viêm tự nhiên, có nhiều lợi ích cho sức khỏe đối với một số bệnh nhất định bao gồm một số loại ung thư. Đặc tính chống viêm của gừng cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa một số biến chứng tiểu đường như mất thị lực, các vấn đề tim mạch, bệnh thận...
Gừng góp phần tích cực trong việc điều trị bệnh tiểu đường nếu bạn sử dụng nó điều độ. Ăn tối đa 4 g mỗi ngày có thể giảm lượng đường trong máu và điều chỉnh sản xuất insulin. Tiêu thụ gừng thường xuyên trong khoảng thời gian ít nhất 6 tuần sẽ có kết quả tích cực trong quản lý bệnh tiểu đường.
Bạn có thể tập thói quen sử dụng gừng bằng cách pha một bình nước chanh gừng đá và uống với lượng bác sĩ cho phép. Khi thêm gừng vào chế độ ăn uống, người bệnh tiểu đường nên chọn củ gừng tự nhiên thay vì các sản phẩm gừng đã qua chế biến. Vì chúng thường thiếu giá trị dinh dưỡng, chứa nhiều đường bổ sung và có khả năng khiến lượng đường trong máu tăng vọt.
Tuy nhiên, gừng có khả năng tương tác với thuốc tiểu đường, thuốc chống đông máu và thuốc điều trị huyết áp. Theo Healthline (Mỹ), gừng có thể làm loãng máu, giảm huyết áp dẫn đến chảy máu nhiều và nhịp tim không đều. Mặc dù các tác dụng phụ rất hiếm gặp nhưng bạn có thể bị ợ chua, tiêu chảy và đau bụng nếu ăn lượng lớn gừng. Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều hơn một gam gừng mỗi ngày.
Gừng không phải là thuốc thay thế cho phương pháp điều trị thông thường. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa gừng vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong khi dùng gừng thì nên ngừng sử dụng.
Ngoài có lợi cho bệnh tiểu đường, gừng có thể giúp giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch theo tài liệu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ. Đây cũng là chất hỗ trợ ngăn ngừa và giảm cảm giác buồn nôn.
Nhi Tiêu
(Theo Everyday Health, Healthline)