BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chia sẻ, chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh đái tháo đường không bị thiếu hay thừa dinh dưỡng, kiểm soát tốt lượng đường trong máu, mỡ trong máu, điều chỉnh cân nặng, tránh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp... Người bệnh đái tháo đường cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và tạo thói quen ăn uống đúng giờ mỗi ngày... để giữ đường huyết ổn định.
Rau củ
Những thực phẩm nhiều chất bột đường gồm 2 loại: thực phẩm giàu tinh bột như cơm, bún, mì, khoai, bắp; thực phẩm nhiều đường mà người bệnh phải hạn chế như bánh kẹo, mật ong, nước ngọt... Một số loại rau có thể chứa nhiều tinh bột, góp phần làm lượng đường trong máu tăng cao. Tuy chất xơ từ rau, trái cây ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt là những loại thực phẩm được khuyến cáo ăn nhiều nhưng người bệnh đái tháo đường cũng cần lưu ý liều lượng.
Bắp, khoai, đậu sẽ cung cấp nhiều chất xơ cho người bệnh, góp phần hạn chế tăng đường huyết nhanh. Do đó, người bệnh có thể đổi món với các loại thực phẩm này. Mặc dù bí ngô có nhiều chất bột đường nhưng loại quả này lại chứa nhiều chất xơ, thấp năng lượng và ít bột đường. Bạn có thể thay thế cho cơm trong bữa ăn thiếu cơm. Cơm có nhiều bột đường nhưng ít chất xơ nên cần ăn ít theo khuyến cáo của bác sĩ (ví dụ, trung bình một chén mỗi bữa ở người lớn).
Dưới đây là lượng chất xơ, carbohydrate và kcal trong các thực phẩm này mà người bệnh tiểu đường có thể tham khảo.
Bắp: bửa chén bắp hạt (khoảng 100 gram hạt) cung cấp 196 kcal; 40 gram carbohydrate; 1,2 gram chất xơ.
Khoai lang: nửa củ khoai lang 100 gram chứa 119 kcal; 28,5 gram carbohydrate; 1,3 gram chất xơ.
Gạo: 70 gram gạo nấu ra một chén cơm chứa 53 gram carbohydrate; 241 kcal; 0,3 gram chất xơ.
Đậu Hà Lan: một chén đậu 50 gram chứa 171 kcal, 30 gram carbohydrate, 3g chất xơ.
Bí ngô: một chén 150 gram chứa 36 kcal; 8,4 gram carbohydrate; 1,1 gram chất xơ.
Nước ép rau xanh, trái cây
Theo bác sĩ Yến Thủy, nước ép rau xanh, trái cây nghe thì có vẻ rất tốt cho sức khỏe nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng rất quan trọng là chất xơ. Chất xơ là thành phần không thể thiếu với người bệnh đái tháo đường. Nó giúp duy trì tình trạng bình ổn cho đường huyết nhờ đặc tính khó tiêu hóa, hạn chế hoạt động của carbohydrate trong thực phẩm và kìm hãm quá trình tạo năng lượng - nguyên nhân làm tăng lượng đường máu. Chất xơ cũng có thể trì hoãn tiêu hóa thức ăn ở ruột, làm chậm quá trình tăng glucose trong máu. Người bệnh nên dùng toàn bộ thực phẩm thay vì chỉ ép lấy nước để uống.
Bác sĩ Yến Thủy chia sẻ thêm, cho dù tinh bột được xếp vào danh sách những thực phẩm hạn chế thu nạp với người đái tháo đường nhưng không phải bỏ hoàn toàn các loại rau củ chứa thành phần này. Cách tốt nhất là người bệnh kiểm tra hàm lượng tinh bột và kết hợp chúng với các thực phẩm giàu protein và chất béo khác. Điều này giúp giảm bớt lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn. Ví dụ, bạn có thể ăn một củ khoai tây nướng nhỏ cùng cá hồi nướng và bông cải xanh hấp để phòng tránh tình trạng lượng đường tăng cao sau khi ăn.
Người bệnh đái tháo đường cũng có thể cân đo lượng carb từ thực phẩm, chia nhỏ từng bữa, sao cho tương ứng với lượng insulin tiết ra từ cơ thể hay thuốc. Nếu mức thu nạp insulin nhiều hơn mức chuyển hóa thì đường huyết sẽ tăng. Tuy nhiên, cơ thể thu nạp quá ít tinh bột cũng sẽ khiến lượng đường huyết bị hạ thấp. Người bệnh nên nắm rõ cách chọn lựa thực phẩm chứa bột đường và số lượng ăn mỗi bữa sau khi có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
Nhã Trang