Khi tiêu thụ carbohydrate (đường và tinh bột) như bánh mì, gạo, mì ống, sữa, trái cây, cơ thể sẽ sẽ chuyển hóa thành glucose. Tuyến tụy tiết ra insulin đưa glucose từ máu vào tế bào để tạo năng lượng cho các cơ quan. Ở người tiểu đường, insulin không đủ hoặc không hoạt động bình thường làm gián đoạn khả năng sử dụng carbohydrate hiệu quả, khiến lượng đường trong máu cao. Người tiểu đường ăn nhiều carbohydrate có thể dẫn đến đường huyết tăng đột biến. Do đó, người bệnh cần chế độ ăn hạn chế hấp thụ carbohydrate như chế độ ăn ketogenic (keto).
Theo nghiên cứu của Anh và Mỹ, chế độ ăn keto có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, giảm lượng đường trong máu và giảm cân. Ăn kiêng keto gần như loại bỏ hoàn toàn tinh bột, buộc cơ thể phân hủy chất béo để lấy năng lượng nên làm giảm cân. Ăn kiêng keto cho phép cơ thể duy trì lượng đường ở mức thấp và khỏe mạnh. Do lượng carbohydrate thấp trong chế độ ăn này giúp ngăn chặn đường huyết tăng đột biến, làm giảm nhu cầu insulin.
Nghiên cứu của Đại học Witwatersrand (Nam Phi) cũng chỉ ra, chế độ ăn keto còn có nhiều lợi ích như hạ huyết áp, cải thiện độ nhạy và giảm insulin, giảm phụ thuộc vào thuốc. Ăn kiêng keto có thể tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu).
Lượng carbohydrate trong chế độ ăn keto dao động từ 20-50 gam mỗi ngày. Theo các nhà khoa học Ấn Độ, để tuân theo chế độ ăn này, bữa ăn của người bệnh tiểu đường có thể gồm 10% lượng calo từ carbohydrate, 20% từ protein và 70% từ lipid. Người bệnh cần tránh thực phẩm chế biến sẵn, tập trung vào thực phẩm tự nhiên. Thực phẩm cho chế độ ăn keto gồm các loại rau ít carbohydrate (rau nhiều chất xơ, không chứa tinh bột), trứng, các loại thịt nạc nhưng ăn lượng vừa phải. Chất béo lành mạnh (quả bơ, các loại hạt, dầu ô liu), cá (cung cấp protein), quả mọng (cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa) thường có trong chế độ ăn này.
Theo Medical News Today, mặc dù chế độ ăn keto có lợi trong kiểm soát đường huyết nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ. Cụ thể, ăn ít carbohydrate có thể gặp các triệu chứng giống như bệnh cúm, táo bón, chuột rút ở chân, mất tập trung và tinh thần sa sút do thiếu năng lượng. Chế độ ăn keto cũng khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, đau đầu và mất muối. Hầu hết các tác dụng phụ chỉ xuất hiện tạm thời nhưng về lâu dài, ăn kiêng keto có thể làm phát triển sỏi thận, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng nguy cơ gãy xương do nhiễm axit, rối loạn lipid máu và gia tăng các đợt hạ đường huyết.
Lượng carbohydrate được khuyến nghị hàng ngày sẽ thay đổi dựa trên chiều cao, cân nặng, sử dụng thuốc, di truyền và mức độ vận động. Người bệnh tiểu đường có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu carbohydrate. Để tránh các tác nguy cơ lâu dài của chế độ ăn keto, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định lượng carbohydrate phù hợp ăn vào. Kết hợp thực phẩm giàu dinh dưỡng và carbohydrate dạng sợi giúp quản lý đường huyết. Thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạn chế carbohydrate tinh chế hay chế biến từ đồ ngọt, nước ngọt.
Chế độ ăn keto làm giảm lượng đường trong máu nên một số người bệnh tiểu đường theo chế độ ăn này có thể giảm nhu cầu dùng thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, người bệnh đang dùng insulin theo chế độ ăn keto có nguy cơ cao bị hạ đường huyết. Không tiêu thụ đủ carbohydrate cũng có thể nguy hiểm khi dùng một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác. Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng chế độ ăn keto hay bất kỳ chế độ ăn uống nào.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)