Có lẽ giấc mơ của rất nhiều người là vươn đến thành công, được xã hội công nhận, vừa có tiền vừa có thời gian. Tôi nghĩ đó là giấc mơ chính đáng của một cuộc đời đáng sống. Và với nhân viên ngân hàng cũng không phải ngoại lệ, dù rằng thời thế đổi thay, sự cạnh tranh và áp lực trong ngành ngày càng lớn, tuổi nghề ngày càng ngắn.
Tuy nhiên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Một người đã được rèn luyện trong môi trường ngân hàng vài năm sẽ có bản lĩnh tốt để sẵn sàng đối diện với những vấn đề trong cuộc sống. Trên góc độ tích cực, nhân viên ngân hàng là một nghề có cơ hội tìm hiểu nhiều lĩnh vực kinh doanh, cũng như tiếp xúc nhiều người thành công trong xã hội. Đồng thời, họ còn là người được đào tạo bài bản về lý thuyết tài chính ở trường đại học, lại được vận dụng thường xuyên trong thực tiễn. Do đó, tư duy về tài chính – đầu tư cũng sâu sắc hơn.
Ở một khía cạnh khác, nghề ngân hàng đã không còn hấp dẫn như xưa với rất nhiều áp lực, chỉ tiêu cũng như rủi ro pháp lý. Chuyện đi sớm về trễ, tăng ca cuối tuần gần như thói quen. Việc ngắm ánh hoàng hôn giờ tan ca dần thành điều xa xỉ. Tâm thế và vị thế của nhân viên ngân hàng ít khi tự tin khi luôn bơi lội trong bộ số KPIs vừa cao vừa xa, năm sau gấp rưỡi năm trước, mà chưa biết khi nào dừng lại?
Do đó, thật dễ hiểu khi phần lớn nhân viên đều muốn thoát ra hoàn cảnh hiện tại. Bỏ việc ư? Chưa hẳn. Vì thói quen thận trọng của nghề nên họ ít nhiều đều cân đo việc "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", hiếm khi chủ động nghỉ việc mà chưa tìm được công việc khác.
>> Kiếm hai tỷ đồng sau hai năm đầu tư đất
Tôi may mắn là người học đúng ngành làm đúng nghề, chưa thất nghiệp ngày nào. Nhưng lúc nào tôi cũng muốn có nhiều nguồn thu nhập hơn để chủ động trong cuộc sống. Tôi khởi nghiệp "nghề tay trái" năm 2012 với việc thành lập công ty kinh doanh thương mại hạt điều. Nói hoành tráng cho vui chứ thực tế là sau giờ làm ngân hàng, tôi đi tiếp thị bán hạt điều rang muối cho các quán nhậu, quán karaoke, quán tạp hóa. Cảm giác cầm từng gói hạt điều vào tiếp thị các anh nhậu, hay chạy xe máy 80 km chỉ để giao đơn hàng 1,5 triệu thật khó tả. Dễ hiểu là tôi đã phá sản lần khởi nghiệp đầu tiên ấy chỉ sau một năm.
Để quên đi nỗi buồn, tôi tập trung hoàn thành khóa cao học, trở thành Thạc sĩ năm 2013. Với đầy đủ bằng cấp và thêm mối quan hệ, năm 2014 - 2015, tôi được mời thỉnh giảng (cuối tuần) ở trường đại học về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm 2016, tôi lại nhớ về khởi nghiệp và quyết định ngưng dạy, mở quán cà phê, sinh tố nhỏ bên cạnh ngôi trường đại học của mình.
Lần khởi nghiệp này đã biến tôi từ hình ảnh người thầy trên bục giảng, hay anh nhân viên ngân hàng áo sơ mi trắng ngồi máy lạnh bằng hình tượng một anh chủ quán quần lửng, áo thun. Cứ đều đặn 23h đêm, ba lần một tuần, tôi đi chợ đầu mối, chở cả chục bao cam, dâu, mít, xoài... trên con xe cà tàng về cất tủ lạnh. Cảm giác này cũng khó tả không kém lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi. Và rồi, tôi lại phá sản sau một năm.
Tất nhiên xuyên suốt quá trình trên, tôi vẫn làm ngân hàng như công việc chính, thậm chí còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và thăng tiến lên vị trí lãnh đạo. Do đó, tôi vẫn có thứ để vui và quan trọng là có thu nhập để sống sau hai lần khởi nghiệp thất bại. Tôi dành thời gian vài tháng sau đó chỉ để tĩnh tâm, suy ngẫm, tự học những gì cho là cần thiết nhằm phân tích thất bại của những "nghề tay trái" đã qua.
Không phải tôi thiếu vốn, không phải tôi lười biếng, mà then chốt là "nghề tay trái" ấy không gắn bó mật thiết, không khai thác triệt để lợi thế nghề ngân hàng và cũng chưa hẳn phù hợp với tính cách của tôi. Do đó, nó không tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt để đạt được lợi nhuận cá biệt. Và tôi quyết tâm đi tìm điều chân ái ấy.
>> Giảng viên đại học cầm máy khoan đi làm giàu
Tôi lục tìm trong từng "ngăn" trí nhớ, từng "ngóc ngách", "ngõ hẻm" của bộ não xem có điều gì thật đơn giản nhưng dễ lãng quên, điều gì tưởng bình thường nhưng không hề tầm thường và quan trọng là thật sự phù hợp với thời gian, nguồn lực của bản thân. Tôi chợt nhớ ra, trong khoảng thời gian hai lần khởi nghiệp trên tôi có mua hai bất động sản: một bất động sản trả góp để bù đắp chỉ tiêu cho người bạn và một bất động sản mua giúp người bạn khác khi họ kẹt tiền. Lúc mua, tôi không suy nghĩ gì và khi bán chỉ để bù đắp khoản lỗ phá sản. Và lúc này, tôi mới phát hiện ra, thời gian qua, sức lực và thời gian khởi nghiệp của tôi đã đặt sai chỗ.
Chọn sai đường, làm sai phương pháp, do đó nỗ lực của tôi dù nhiều nhưng kết quả đều là thất bại. Tôi bắt đầu chọn lọc trong tệp khách hàng ở ngân hàng, làm thân với những người có kiến thức tốt, am hiểu địa bàn, hiện kinh doanh bất động sản có lợi nhuận cao. Tôi nhận ra, sự thật chỉ đơn giản là mua đi bán lại, "gặp thời một tốt cũng thành công". Và tôi bén duyên với bất động sản từ đó.
Với lợi thế là nhân viên ngân hàng, việc vay vốn của tôi rất thuận lợi và lãi suất ưu đãi hơn nhiều so với người ngoài ngành. Tôi lại có lợi thế công việc đi thẩm định thực tế thường xuyên, nên chỉ cần chú tâm hơn một chút là có nhiều nguồn thông tin hữu ích. Khi bán hàng, tôi có thể hỗ trợ người mua vay ngân hàng. Từ đó, tạo nên một lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho quy trình chuyển hóa "tiền – hàng – tiền" này. Điều này đúng là chân ái mà tôi mong muốn.
"Nghề tay trái" nhưng thu nhập gấp 2-3 lần "nghề tay phải". Mô hình kinh doanh rất gọn gàng: không mặt bằng, không điện nước, không nhân viên, không khấu hao, không công nợ... Tất nhiên, "thiên thời" luôn thay đổi, sự sôi động của thị trường bất động sản cũng dần chậm lại. Mặc dù tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhưng tôi cũng chịu sự chi phối đó. Thu nhập từ bất động sản của tôi bắt đầu đi ngang từ nửa cuối năm 2019, thời gian tồn kho bình quân có dấu hiệu tăng lên, đây cũng là lúc tôi bắt đầu suy nghĩ về "chân ái" khác.
>> 9 năm 'bỏ phố về quê' xây nhà, mua đất
Tôi lại dành thời gian nhiều hơn cho việc nghiên cứu, lần này chủ yếu là tự học trên internet, đọc sách và một số lớp đào tạo ngắn hạn của ngân hàng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính. Tôi đã chọn lọc từ rất nhiều vấn đề để cô đọng, định hình lại nhân sinh quan của mình – quan điểm về giá trị của thời gian, sức khỏe hay khái niệm về "danh mục đầu tư bền vững" để vượt qua khủng hoảng Covid-19.
Tôi nghiền ngẫm và rút ra đại lượng đo lường cho bản thân mình là thời gian và sức khỏe, vì đây là điều chỉ mất chứ không thêm. Tôi kiếm tiền nhưng luôn quy tiền thành thời gian và sức khỏe mà tôi đã đánh đổi. Từ đó, tôi sẽ nhận định nó có đáng hay không với tâm thế, vị thế hiện tại? Theo tôi, từ năm 2020 đến hiện tại, "thiên thời", chúng ta vẫn đang tìm cách giải cứu nền kinh tế trong đại dịch: Giảm lãi suất để doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư công để làm đầu tàu kéo các thành phần kinh tế khác đi lên.
Và tôi bắt đầu hòa mình vào "dòng chảy" ấy bằng việc chủ động tái cơ cấu tài chính, định hình lại "danh mục đầu tư" của mình từ giữa năm 2020: rút bớt tiền từ bất động sản và hình thành ngân sách cho đầu tư tài chính nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Trong đầu tư tài chính, tôi lại chia ra chứng khoán và hàng hóa phái sinh (những thứ mà pháp luật bảo hộ). Trong đó, tôi lại tiếp tục phân theo hạng mục trên tiêu chí ngắn hạn – trung hạn – dài hạn. Tôi hứng thú để có thể nghiên cứu mỗi đêm sau khi con cái đã ngủ để định hình được cách mua bán chứng khoán trong tổng thể bức tranh đầu tư tài chính của mình. Tất nhiên, vẫn là phong cách đi từ lý thuyết đến thực tiễn, tránh thái quá bên nào.
>> Bằng đại học giúp vợ chồng tôi đổi đời
Có lẽ, trời thương hoặc cũng có thể do tôi luôn dựa theo ông trời – thiên thời, mà tổng hòa thu nhập của tôi vẫn tăng đều đặn trong hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên, điều tôi tự hào nhất là đã nâng cao được nhận thức về đầu tư – tài chính, tìm được con đường để vươn tới "tự do tài chính" phù hợp với thời gian, nguồn lực bản thân. Nó cũng thỏa mãn quan điểm của tôi là phải tiết kiệm thời gian, mô hình gọn gàng, không phô trương nhưng rất hiệu quả.
Việc hiểu sâu sắc hơn những giá trị thời gian, sức khỏe hay danh mục nêu trên đã giúp tôi vận dụng vào công cuộc khởi nghiệp lần ba của mình trong mùa dịch. Nhưng lần này dường như nó vô hình, tự nhiên, nhẹ nhàng, không "đao to búa lớn" thành lập doanh nghiệp, không hoành tráng mang danh Giám đốc, không bày biện mặt bằng quán xá, không làm ông chủ trả lương cho nhiều người... Hôm nay, tôi chỉ làm chủ bản thân, kiếm tiền hiệu quả, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, dạy dỗ con cái, đi du lịch, con được học trường quốc tế, người thân đau ốm được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện tư...
Tôi biết, con đường chỉ mới hình thành, tất nhiên nó sẽ còn rất dài, nhiều chông gai và không nói trước được gì. Nhưng tôi vui vì mỗi ngày luôn có động lực mạnh mẽ để tìm kiếm thành công trên con đường đó. Tôi hy vọng các bạn cũng vậy. "Lỡ làm người rồi không thể sống một cuộc đời hoài phí được".
>> Bạn đã vượt qua khó khăn để định hướng, thay đổi cuộc đời như thế nào?Gửi bài tại đây.