Theo công bố báo cáo biến động giá chào bán nhà phố mặt tiền tại TP HCM, mức cao nhất thuộc về địa bàn quận 1, bình quân các giao dịch đạt 473 triệu đồng mỗi m2. Hai khu vực trung tâm khác là quận 3 và 5 lần lượt đạt giá bình quân 376-384 triệu đồng mỗi m2. Cột giá cho thấy nhà phố mặt tiền các quận 1, 3, 5 đắt gấp 2-3 lần giá nhà phố mặt tiền bình quân 24 quận huyện (146 triệu đồng một m2).
Rõ ràng, giá đất vẫn tăng, mặc dù thanh khoản kém. Điều này có nhiều lý do:
- Dịch ảnh hưởng tới túi tiền của người dân, dẫn đến sức mua kém. Dịch hạn chế đi lại nên giao dịch mua bán bị cản trở, dẫn đến thanh khoản kém. Trong khi đó, giá đất trung tâm thành phố vốn rất cao nên kén người mua, kéo theo thanh khoản kém. Nhóm nhà giá rẻ khoảng 2-5 tỷ đồng (nhà hẻm, vùng ven, căn hộ...) dễ tiếp cận, nên cũng dễ bán hơn.
Thế nhưng, thực tế, 18 tháng qua, nhà mặt tiền và nhà hẻm đều tăng giá. Đặc biệt, các quận trung tâm như quận 1, 3, 5 ngày càng tăng mạnh hơn các quận, huyện khác, mặc dù thanh khoản kém đi. Tóm lại, bất động sản vẫn thể hiện giá trị thực, và là kênh đầu tư và trú ẩn an toàn mùa dịch (nhược điểm là thanh khoản không tốt như kênh khác, và cần vốn lớn).
Giá đất các quận nội thành hầu như chỉ có tăng, cùng lắm là đi ngang (kèm thanh khoản thấp), bất chấp dịch hay ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Việc mong chờ giá đất Sài Gòn hay Hà Nội giảm, theo tôi, là điều viễn vông.
>> 20 năm mua nhà đất để có gấp 80 lần tài sản
Có người cho rằng giá đạt hiện nay là ảo. Theo tôi, cứ hiểu đơn giản giá bất động sản như chứng khoán, giá trị thực là giá khớp lệnh của một cặp lệnh mua - bán vừa xảy ra. Tức là giá cả mà hai bên đồng tình mua bán với nhau. Khi định giá một sản phẩn nào đó, có người cho rằng nó còn rẻ, còn tiềm năng, mua vào. Có người cho rằng đã cao, nên bán ra. Tóm lại, không có giá nào vừa lòng và đạt được đồng thuận của mọi người. Không có một mức giá nào làm hài lòng tất cả. Người ít tiền sẽ thấy giá cao, vô lý, người nhiều tiền và thấy tiềm năng sẽ cho rằng nó hợp lý.
Giá trị trực không làm hài lòng mọi người được, mỗi người có tiêu chí định giá khác nhau. Giá trị thực chỉ đơn giản là nó xảy ra ngoài đời thực, và có khớp lệnh giao dịch tại mức giá đó. Bạn có thể cho rằng giao dịch đó là ảo, là từ tay trái bán qua tay phải, và kỳ vọng mức giá thấp hơn mới là giá thật. Tuy nhiên, giá bạn kỳ vọng lại không xảy ra nên nó cũng không thực. Ví dụ như cùng một số tiền, có nguời lựa chọn điện thoại andriod, có người lựa iPhone, tùy vào tiêu chí, túi tiền của mỗi người, chứ không có cái nào là giá thật, giá ảo.
Bạn cho rằng giá nhà trung tâm cao thì có thể không mua, và kỳ vọng nó giảm giá. Nhưng thực tế, người ta khảo sát 18 tháng qua, dù thanh khoản kém nhưng giá nhà đất vẫn không giảm. Do đó, khi kinh tế hồi phục lại càng khó giảm hơn, cùng lắm chỉ đi ngang mà thôi.
>> Cách tôi chốt lời trước khi vỡ 'bong bóng' bất động sản
Không ai dám khẳng định bất động sản là kênh đầu tư sinh lời nhiều nhất. Bởi nó vẫn có những thời điểm "đóng băng", chôn vốn, thanh khoản khó... Đầu tư bất động sản lại cần phải có vốn lớn (tiền nhàn rỗi càng tốt, không nên vay mượn, lướt sóng). Nhưng chung quy, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, dễ dàng nhất.
Bạn có thể đầu tư chứng khoán hay lĩnh vực khác như vàng, Bitcoin..., chắc chắn sẽ có những thời điểm tăng trưởng nhanh hơn bất động sản, nhưng bù lại, bạn cần phải có kiến thức đầu tư - thứ mà không phải ai cũng có. Và bên cạnh những người phất lên, cũng có rất nhiều người thua lỗ, mất sạch.
Bất động sản thì ngược lại, ngoài hai khó khăn đã nêu trên (thanh khoản kém và vốn lớn), thì hầu như xét về dài hạn, chắc chắn nó sẽ đem lại lợi nhuận cho bạn. Hơn hết, bạn không cần quá nhiều kiến thức tài chính chuyên sâu như chứng khoán, việc duy nhất của bạn là chọn mua miếng đất có tính pháp lý tốt, không tranh chấp mà thôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.