(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Năm 2009, khi còn ngồi trên ghế Học viện Ngân hàng, tôi đảm nhiệm vị trí lớp trưởng lớp tài năng (lớp "tinh hoa" của Học viện, nơi tập hợp của 50 bạn có điểm thi đại học cao nhất trong 3.000 sinh viên có điểm từ 27 đến 30, được giảng dạy bởi các GS, TS hàng đầu). Có lần, tôi được tham gia hội thảo của một ngân hàng trong nước. Khi đó, trong suốt buổi hội thảo, Giám đốc ngân hàng này nói một câu làm tôi nhớ mãi đến giờ: "Các em phải có ước mơ, phải sống với ước mơ và cháy hết mình vì ước mơ của mình. Nhất định các em sẽ thành công".
Chính nhờ câu nói này, khi tham gia các cuộc thi tuyển dụng năm 2011, tôi đã nộp CV vào tất cả các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Tôi nhớ mình phải đi phỏng vấn ít nhất 20 ngân hàng lớn nhỏ nhưng kết quả chỉ có ba nơi thông báo tôi trúng tuyển. Gia nhập ngành ngân hàng, tôi nung nấu ý chí trở thành một cán bộ quản lý mà cụ thể là Giám đốc phòng giao dịch. Có lẽ tôi đã sớm thực hiện được mục tiêu của mình nếu không vội rời tổ chức khi đã ít nhiều tạo dựng được thương hiệu của mình.
"Chân ướt chân ráo" chuyển sang một ngân hàng khác, tôi được bổ nhiệm ngay vị trí trưởng bộ phận, quản lý 1/2 phòng khách hàng cá nhân (KHCN). Khá phấn khích với vị trí mới, tôi từng nghĩ giấc mở trở thành giám đốc phòng ở đây gần tôi hơn bao giờ hết. Tôi lao đầu vào làm việc và làm việc. Trong ý nghĩ của tôi lúc đó, chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải trở thành "best saler" của chi nhánh để có thể sớm được bổ nhiệm Phó phòng chính thực tại phòng KHCN.
Nói về cường độ làm việc của tôi tại đây, nhiều bạn không chịu được áp lực sẽ không thể tưởng tượng được. Tôi đi làm và đi gặp khách hàng mỗi ngày ít nhất 100-150 km. Cá biệt, có ngày tôi chạy xe máy 200 km. Tôi không nhớ trong hai năm làm việc tại đây, tôi có nghỉ ngày nào không, nhưng tôi dám cá mình chính là cá nhân chăm chỉ nhất chi nhánh (bên cạnh trưởng phòng KHCN).
Tôi làm việc chăm chỉ nhưng lại không thông mình, thứ mà bất cứ ai muốn đạt được ước mơ thành giám đốc phòng đều phải có. Làm việc chăm chỉ dù kết quả có tốt mấy nhưng mãi mãi không thể thăng tiến. Thêm nữa, "thời thế tạo anh hùng", bạn phải gặp đúng "minh chủ" nhưng cũng phải đúng thời thế.
>> Đằng sau con đường thăng tiến của cán bộ ngân hàng
Cuối năm 2015, tôi đi phỏng vấn ở một ngân hàng khác. Sau khi phỏng vấn tôi đủ thứ về nghiệp vụ , cách tổ chức bán hàng, cách quản lý nhân viên, giám đốc chi nhánh hỏi tôi một câu: "Hãy cho tôi biết lộ trình phấn đấu của em trong 3-5 năm tới?". Tôi không ngần ngại trả lời một cách dõng dạc và đầy tự tin: "Mục tiêu của em trong 3-5 năm tới là trở thành giám đốc". Vị này ngạc nhiên vì chưa ứng viên nào tự tin như tôi, nhưng anh lại rất thích những con người có khát vọng rõ ràng như tôi.
Trong thời gian gần 10 năm công tác trong ngành ngân hàng, có một tấm gương giám đốc làm tôi rất khâm phục. Anh đi từ một chàng trai chuyên viên khách hàng doanh nghiệp (KHDN), lên phó phòng doanh nghiệp chi nhánh, rồi trưởng phòng doanh nghiệp chi nhánh, sau đó là giám đốc hàng loạt chi nhánh. Anh đi từng nấc thang một, một cách chắc chắn nên tôi nghĩ anh quá am hiểu các nhân viên từ cán bộ quản lý đến nhân viên vì đã trải qua tất cả.
Các anh em đồng nghiệp đầu tiên của tôi ngày xưa giờ nhiều người đã là giám đốc phòng, hay giám đốc chi nhánh. Đó là những người vào cùng đợt với tôi năm 2011. Hay những người em tại các các ngân hàng sau của tôi giờ cũng là giám đốc phòng hay là trưởng phòng tín dụng, giám đốc chi nhánh... Họ chắc chắn là những con người đã hy sinh nhiều thứ của bản thân để đạt được những thành công như bây giờ. Dù có lúc gặp khó khăn trong công việc, nhưng họ không bao giờ từ bỏ ý chí hay khát vọng trở thành giám đốc phòng, giám đốc chi nhánh. Để khẳng định mình trong những vị trí như vậy, đòi hỏi mỗi người ngoài năng lực chuyên môn cá nhân, tinh thần cầu tiến, thái độ quyết liệt trong công việc, còn cần sự may mắn nữa.
Tôi vẫn nhớ ngày trước, có người đánh giá tôi quá hiền lành, không nói được nhân viên. Họ có thể đã nhầm. Thời sinh viên tôi đã quản lý 50 con người lớp tài năng, mấy trăm con người trong hội đồng hương tại ngân hàng, giao lưu và kết nối hàng nghìn người trong câu lạc bộ vì tôi là trưởng ban đối ngoại. Tôi rất nóng tính, mang mệnh Hỏa. Đôi khi những con người trông mặt mũi hiền lành nhưng cho người ta cơ hội, bạn sẽ biết người ta hiền hay không? Đánh giá một con người phải dựa trên nhiều yếu tố.
Tôi lại nhớ có một câu nói "làm quản lý và làm nhân viên, chưa biết ai sướng hơn". Nhưng nếu quả thật bạn có đam mê, khát vọng vươn lên thì bạn nên quyết tâm đạt được nó để mai này không có gì phải hối tiếc. Giờ đây, sau khi trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và đã đạt được giấc mơ ngày sinh viên, tôi mới thấm thía câu nói "gian nan thử thách lòng người". Có chí thì sẽ thành công, bạn đừng nghe những lời đánh giá của ai đó nói mà hãy nhìn hành động họ cư xử với bạn, điều đó sẽ nói lên con người họ. Và đặc biệt, bạn phải làm việc thông mình chứ đừng bao giờ tin vào việc "làm việc chăm chỉ và mơ đến những điều tốt đẹp, là thành công sẽ đến". Thực tế và lý thuyết cách xa nhau rất nhiều.
Chúc cho những người đọc được bài viết của tôi sẽ thành công trong công việc và cuộc sống.
>> Chia sẻ bài viết về con đường thăng tiến của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Ngọc Tú