Đánh giá về thực trạng "Nửa thập kỷ sốt đất ảo", nhiều độc giả VnExpress cho rằng, nguyên nhân chính là nạn "cò đất" ngày càng bành trướng:
Có lẽ không ở đâu trên thế giới lại có nhiều "cò đất", nhiều nhà đầu tư bất động sản như ở Việt Nam. Chỉ tính sơ sơ những người mà tôi quen biết (anh em, đồng nghiệp, bạn bè) đã có trên 70% có hoạt động đầu tư, mua bán bất động sản. Họ cứ bảo tôi kém vì 30-40 triệu tiền lương/ tháng mà chẳng có mảnh đất nào ngoài căn nhà đang ở. Họ bảo tôi mua ôtô làm gì, mua đồ dùng phục vụ cuộc sống làm gì cho phí?
Họ lấy ví dụ, nếu trước đây tôi không bỏ tiền mua cái xe máy vài chục triệu, mà để dành mua đất, thì giờ bán đất đi có thể mua vài cái ôtô... Tôi nóilại với họ rằng "bây giờ đầu tư vẫn không muộn, nếu có gì trong nhà (trừ đất) có thể bán đi để đầu tư mua đất, sau này vẫn có lời và đến năm họ khoảng 80-90 tuổi hãy bán đi mà xây biệt thự, mua xe sang".
Đi đâu cũng toàn là "cò". Cuối cùng, người muốn bán không bán được, người muốn mua lại không mua được. Giữa năm 2019, tôi mua một miếng đất 275 m2, có 100 m2 thổ cư ở Long Sơn, Vũng Tàu giá 1,75 tỷ đồng. Tôi xây nhà khá đẹp hết hơn 600 triệu. Đến cuối 2020, vì công việc, tôi bán đi miếng đất và căn nhà đó nhưng rao bán không được. Những kẻ đến hỏi toàn là "cò đất", tôi dán giấy đăng bán thì bị chúng bóc ngay lập tức.
Đến khi nhờ "cò đất" lúc tôi mua thì được trả lời rằng "dạo này đất ở đây hết sốt rồi, chỉ bán được tầm 1,3 tỷ. Tôi đành chấp nhận đăng ở các trang bất động thì bán đươc với giá 1,5 tỷ. Tính ra một năm tôi lỗ một tỷ đồng. Người mua thì khen rẻ vì hỏi đâu cũng giá chóng mặt, trong khi không gặp được chủ nhà.
Sau khi bán xong, tưởng hết gian nan, tôi về Vũng Tàu tìm mua đất khác còn mệt mỏi hơn. Hỏi chỗ hẻo lánh, giá bèo nhất cũng hai tỷ đồng. Chỗ muốn đặt cọc thì cũng chỉ được làm việc với "cò". Tới ba lần tôi mới gặp được chủ thực sự. Theo giao kèo nên chủ nhà không nói giá. Sau khi hoàn tất thủ tục, tôi mới được biết chủ miếng đất mình mua nhờ bán ba năm mới được. Giá nhờ bán chỉ là 1,4 tỷ nhưng mình phải mua 1,8 tỷ.
>> Vì sao giá nhà vẫn tăng dù dịch bệnh kéo dài?
Sốt đất chỉ là chiêu trò của các "cò lái" dụ dỗ người mua dính bẫy. "Cò" sẽ thuê người khác đóng vai khách hàng tới mua, đặt cọc, thậm chí họ bỏ tiền thuê rất nhiều người tới dự án đóng vai khách hàng đặt cọc. Từ đó, chúng đánh vào tâm lý đám đông khi thấy nhiều người đặt cọc mua, khiến khách hàng không nghi ngờ gì mà đặt cọc theo.
"Cò đất" tung hoành khắp các vùng miền, tạo sóng ảo. Người dân cả tin nên mua nhanh không hết. Vẫn mảnh đất đó, để không hàng chục năm, qua tay hàng chục người mà không tăng giá trị, chỉ làm cho lạm phát tăng cao. Người người ảo tưởng mình đang giàu có, chi tiêu hoang phí, lạm phát lại tăng, chất lượng cuộc sống đi xuống.
Trong khi các doanh nghiệp phần lớn gặp nhiều khó khăn do Covid-19, người dân thực sự đã "thấm đòn" sau hơn một năm dịch bệnh hoành hành, vậy mà giá bất động sản gần đây có chiều hướng sốt ảo. Thực sự, rất đáng lo ngại cho người có nhu cầu thực sự. Cơ quan quản lý rõ ràng chưa mạnh tay vào cuộc, kể cả "bong bóng" có vỡ thì đất đai lại để trống không, nhưng giá vẫn không giảm mà chỉ "đóng băng" mà thôi, người dân vẫn rất khó tiếp cận.
Bản chất vấn đề vẫn là đầu cơ và nạn "cò đất" hoành hành. Hệ quả là nó sẽ khiến người dân không còn tập trung vào sản xuất, giới trẻ không còn đam mê học tập bởi "có học giỏi và làm công ăn lương cả đời cũng không bằng món hời từ bán đất", đấy là câu cửa miệng của "cò" bất động sản hiện nay.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.