(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi thấy người ta hay nói đến thành công nhiều hơn thất bại. Điều đó cũng bình thường bởi lẽ thành công thường được nhắc đến như một tấm gương và bài học cho những ai chưa thành công. Nhưng có ai biết rằng đằng sau thành công của mỗi người có những góc khuất ít ai có thể biết được trừ người đó. Nhiều khi là những đắng cay của nghề.
Người ta nói nghề tín dụng bạc lắm. Khi mới chập chững bước chân vào nghề tín dụng tôi đã được nghe các anh chị đi trước nói rằng: "Sau năm năm làm tín dụng, nếu bạn không được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, ít nhất là trưởng nhóm, trưởng bộ phận, thì có lẽ bạn không hợp với nghề và nên chuyển sang làm các vị trí khác hoặc là không làm ngân hàng nữa". Đơn giản là nghề tín dụng quá áp lực và lấy đi của bạn quá nhiều thứ: sức khỏe, chất xám... Tuy nhiên, nó cũng cho bạn nhiều thứ nếu bạn có thể làm tốt.
Câu nói của các anh chị đi trước có thể không đúng với tất cả nhưng nếu các bạn làm cán bộ Quan hệ khách hàng (QHKH) trong các ngân hàng khối cổ phần và nước ngoài, tôi nghĩ sau năm năm làm tín dụng, chắc chắn các bạn cũng sẽ mệt nhoài. Vì chỉ tiêu tính theo tuần, ngày nào không có khách hàng là tâm trạng rất bất an, một tháng trôi đi quá nhanh. Tôi được biết có những ngân hàng cứ ba tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu là có thể cho nhân viên nghỉ mà không cần lý do. Nghề sale cũng như bao nghề khác, bạn không làm được thì sẽ có người khác làm thay bạn.
Con đường thăng tiến của một cán bộ QHKH phụ thuộc rất nhiều yếu tố: năng lực bán hàng, kỹ năng quản lý, các tổ chức bán hàng, ngoại hình, khả năng giao tiếp... Tôi không thể kể hết được vì nó không có một chuẩn mực nào đầy đủ cả. Nhưng với quan điểm cá nhân tôi, những ai lên làm cán bộ quản lý đa phần đều tài năng vượt trội so với phần còn lại. Họ có những cái người khác không có. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đấy những nhân tài không có đất dụng võ vì một số lý do nào đó khách quan. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không công bằng, bạn hãy tập quen với điều đó dần vì thành công hay không là do chính bản thân bạn mà thôi.
Có thể những người trong nghề QHKH thấy vài năm gần đây số lượng các cán bộ nhảy việc đã lên đến mức báo động. Đa số các bạn làm trên hai năm kinh nghiệm đã muốn tìm cho mình một chân trời khát vọng mới. Nhưng theo cá nhân tôi, nếu mới hai năm kinh nghiệm mà bạn đã tự cho mình đủ tự tin để tìm một vị trí mới thì tôi cho là còn hơi ít. Hai năm mới là bước hoàn thiện những phẩm chất cơ bản nhất của một cán bộ QHKH. Chu kỳ kinh doanh của một khách hàng dài hơn nhiều so với hai năm. Bạn phải đi cùng khách hàng từ thất bại đến thành công thì mới có thể thấy rằng nghề tín dụng quả thật nhiều đắng cay nhưng cũng có những ngọt bùi.
>> Tôi lên sếp vì dám nhảy việc từ doanh nghiệp lớn sang công ty nhỏ
"Nhân tài như lá mùa thu", câu nói này thời nào cũng đúng cả. Ngay trong giới ngân hàng ở bất kỳ đâu, ai làm tốt có năng lực gần như mọi người biết nhau cả, cũng không cần quảng cáo gì nhiều. Những con người có niềm đam mê, có sự cống hiến nếu chọn được một môi trường tốt thì tài năng sẽ nở rộ. Nhưng có phải ai cũng may mắn như vậy? Với một cán bộ QHKH, tìm được môi trường tốt là điều mà ai cũng mong và hy vọng.
Theo như thông kê của nhiều cán bộ quản lý, con đường nghề nghiệp của một cán bộ QHKH nếu gặp may mắn và thuận lợi sẽ như sau: ba năm lên Trưởng nhóm, Trưởng bộ phận; từ 4-6 năm lên Trưởng/ Phó phòng; sau bảy năm lên Giám đốc/ Phó Giám đốc phòng giao dịch; sau 10 năm lên Giám đốc/ Phó giám đốc chi nhánh; sau 15 năm lên Giám đốc khối/ Phó Giám đốc khối... Đó có thể là một con đường màu hồng và nhiều cám dỗ với tất cả những ai mới vào nghề.
Tôi từng gặp rất nhiều tài năng của nghề QHKH, những người bán hàng xuất chúng. Họ cũng khát khao một vị trí quản lý nhưng ở nơi họ làm vì nhiều lý do không cho ước mơ của họ thành hiện thực. Và ở một nơi không xa, có những ngân hàng dang tay chào đón họ và khi sang đó họ đã phát huy hết tài năng của mình và nổi tiếng khắp hệ thống. Thật tiếc cho ngân hàng cũ đã không sử dụng hết tài năng và cũng chúc mừng ngân hàng mới đã trân trọng những tài năng thực thụ.
Tôi thiết nghĩ các ngân hàng nên có một bộ tiêu chí đầy đủ về lộ trình nghề nghiệp cho các cán bộ QHKH, để họ yên tâm cống hiến và không phải bận tâm là tại sao mình cống hiến và làm nhiều như vậy lại không được thăng tiến, trong khi những người năng lực thua xa mình lại được. Tôi biết hiện tại đã có một số ngân hàng thí điểm mô hình này và đã đạt được những thành công nhất định. Một tổ chức muốn lớn mạnh và phát triển cần những con người tài năng có tâm và có tầm.
Tôi rất hy vọng sẽ không còn những cán bộ QHKH tài năng xuất chúng mà sau 5-6 năm vẫn là một cán bộ QHKH. Điều này thật lãng phí vì nhân tài trong các ngân hàng không phải nhiều. Cán bộ QHKH chỉ rời bỏ ngân hàng khi làm việc ở đó họ không được ghi nhận công sức và không được phát huy hết năng lực.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.