Hôm vừa rồi, anh thợ sửa xe đó có hỏi một câu khiến tôi không biết phải trả lời như thế nào, anh bảo: "Học làm gì, nhiều người học không tốt vẫn làm sếp lớn. Bao nhiêu ông chẳng học hành gì mà vẫn buôn đất làm giàu, thế thì học để làm gì?".
Cháu tôi cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đó. Cháu có tư duy tốt nhưng lại muốn tìm "việc nhẹ lương cao" nên chẳng chú tâm học hành, chỉ thích bán hàng trên mạng. Với khả năng của mình, tôi tin chắc cháu có thể thi đậu vào những trường đại học top đầu, chất lượng tốt, nhưng cháu không làm thế. Cháu muốn bán hàng để có tiền ngay, đặc biệt là muốn gia đình cho đi du học tự túc như một số gia đình quê tôi gần đây: học mà không ra gì thì cho đi nước ngoài lao động, thậm chí là học tập.
Cháu đã không hiểu rằng, đâu phải cứ trường của nước ngoài là tốt, trường trong nước là tệ. Rất nhiều bạn trẻ ở quê tôi nhận ra vừa tốn tiền, lại vừa mất thời gian khi đi du học như vậy. Tôi có góp ý cho cháu cũng không được.
May mắn là những người mất niềm tin vào giáo dục như anh thợ sửa xe hay đứa cháu ở quê tôi không nhiều. Quê tôi là một làng quê rất yên bình nhưng hiếu học. Cuộc sống vốn diễn ra bình thường, êm đềm. Tuy vậy, thời gian vừa rồi, cả làng đã rất xôn xao, sửng sốt và kính nể vì thành tích học tập của một cháu trong làng. Cháu là con cả của thầy Phó Hiệu trưởng và cô giáo dạy tiếng Anh của trường THPT huyện. Cháu học tốt nhưng do bản tính khiêm tốn, không phô trương của gia đình nên mọi người xung quanh không biết nhiều về cháu. Cháu chỉ được một số người trong thôn biết đến khi đỗ vào một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội.
Hết kỳ một năm thứ nhất Đại học, cháu thi được học bổng và đi du học ở Canada. Lúc này, cả làng mới biết chuyện. Con đường phía trước của cháu còn dài, nhưng với khả năng, bản lĩnh của mình, tôi tin chắc cháu sẽ đạt được nhiều thành công trong cuộc đời. Thành tích học tập của cháu giúp tôi có câu trả lời cho anh thợ sửa xe. Đồng thời cũng là lời khuyên dành cho đứa cháu của mình.
Nhiều người dân ở quê tôi có thể không được học hành đàng hoàng, nhưng đều ý thức được tầm quan trọng của việc học, của giáo dục. Điều này cũng giống như quan điểm của các thành viên trong lớp Đại học của tôi. Trên nhóm chat của lớp, chúng tôi có một dạo thảo luận về chủ đề "có nên học Đại học hay không?". Mọi người thảo luận rất sôi nổi. Có nhiều người bảo "có", số khác nói "không".
Một bạn đang làm cho Apple ở bên Mỹ đưa ra ý kiến rằng: "Những thứ chúng ta đang sử dụng hàng ngày, những vật bất ly thân như điện thoại, máy tính... là kết quả của bao nhiêu nghiên cứu chuyên sâu của các trường Đại học, viện nghiên cứu. Nếu không có các đại học, các viện nghiên cứu... thì làm sao có các phát minh để làm ra những sản phẩm hữu ích như vậy. Có thể sự phát triển sẽ thay đổi cách thức làm việc, học tập... nhưng muốn có những thay đổi để nhân loại phát triển thì lúc nào cũng cần những trường Đại học, viện nghiên cứu mạnh; nghĩa là học Đại học sẽ luôn là điều cần thiết".
Cuộc thảo luận của chúng tôi kết thúc sau ý kiến này vì tất cả đều đồng ý về sự cần thiết của việc học Đại học, của việc học tập. Dịch bệnh Covid-19 thổi qua và cuốn bay những gì màu mè, hình thức; những thứ còn tồn tại và phát triển chính là những gì thực chất nhất. Chẳng hạn, dù dịch bệnh nhưng những nhà máy sản xuất những mặt hàng thiết yếu vẫn được duy trì và phát triển. Khi dịch bệnh hoành hành, thế giới càng cảm thấy được tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật, của giáo dục. Những người đang giải cứu thế giới khỏi đại dịch chính là những nhà khoa học đang miệt mài làm việc trong các phòng thí nghiệm để tạo ra vaccine hay thuốc diệt virus chứ không phải những ông cò đất, bán hàng đa cấp...
>> Buôn đất làm giàu sau 10 năm đi học
"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới và giáo dục chính như một động cơ vĩ đại trong quá trình phát triển cá nhân. Nhờ giáo dục, con gái một người nông dân có thể trở thành bác sĩ, con trai một người thợ mỏ có thể trở thành chủ nhân chính khu mỏ đó, và con cái những người nông dân có thể trở thành tổng thống một quốc gia vĩ đại. Cách chúng ta tạo ra thành quả từ những gì mình có, chứ không phải những thứ được ban phát, mới khẳng định được sự đặc biệt giữa một người với phần còn lại" (Nelson Mandela).
Chỉ có giáo dục mới làm cho dân trí cao lên. Dân trí cao thì đất nước sẽ phát triển, thế nước sẽ mạnh, ít bị đe dọa hơn. Điều này đã được đại văn hào Maxim Gorki đúc kết thành chân lý: "Đất nước sẽ mạnh hơn nếu nhiều văn hóa hơn".
Hôm nay, tiếng trống khai giảng năm học mới đang rộn ràng khắp mọi nơi. Dù là khai giảng offline hay online thì tiếng trống ấy cũng là những âm thanh rộn ràng, vui tươi... Đó chính là những âm thanh báo hiệu những chân trời tri thức được mở ra, mang tới bao điều kỳ diệu cho hàng triệu em học sinh, sinh viên trên khắp đất Việt thân yêu.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.