"Cách đây 20 năm, khi cả đám bạn chúng tôi tốt nghiệp cấp ba, mộng mơ vào những trường Đại học danh giá, chỉ có duy nhất hai người lựa chọn đi theo hướng khác biệt, mặc dù gia đình họ rất có điều kiện. Một người đi làm sớm, rất vất vả, nhưng sau bốn năm đã mua được một mảnh đất kế bên bệnh viện. Người còn lại cũng đi làm công và giúp đỡ việc kinh doanh của gia đình, cũng mua vài căn nhà rồi cho thuê.
20 năm thấm thoát trôi qua, người bạn mua được miếng đất kế bên bệnh viện giờ đã mở ra làm bãi giữ xe, 5 năm đầu thì chỉ là khu đất, 10 năm sau đã là tòa nhà ba tầng cho xe vào thuê đậu. Mỗi ngày, số tiền gửi xe của khách ít nhất là cả chục triệu đồng. Tính ra, giá trị miếng đất và tiền kinh doanh chỗ gửi xe ít nhất cũng tăng gấp 25 lần so với lúc đầu. Còn người bạn mua bốn căn nhà cho thuê, giá trị nhà giờ cũng cao ngất ngưởng.
Trong khi đó, những người còn lại trong nhóm tôi tốn bốn năm đại học, ra trường cũng chỉ vài người làm việc văn phòng, số còn lại vẫn làm kinh doanh chứ cũng không phải ai cũng tìm được việc theo đúng ngành nghề mình mơ ước. Tất nhiên, vẫn có những người học ra thành tài và làm ra tiền, vì dẫu sao ở nước ta, tấm bằng vẫn là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá một con người. Nhưng đừng vì thế mà ngăn cản con bạn làm điều khác biệt".
Đó là chia sẻ của độc giả Cyber xung quanh câu chuyện "Hai lần khiến con thôi ý định bỏ học". Nếu như cách đây 15-20 năm, tấm bằng đại học là chiếc vé duy nhất để lên con tàu thành công cho người trẻ thì nay, còn nhiều con đường khác dành cho bạn trẻ đạt được khát vọng làm giàu. Thực tế, hiện tượng sinh viên ra trường thất nghiệp tại các thành phố lớn, giấu bằng để xin làm công nhân, hay phải đi học nghề sau khi tốt nghiệp đại học... không còn là chuyện hiếm, thậm chí nó còn đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Cho rằng đại học không phải con đường duy nhất để đến với thành công, độc giả Bich Thuy Le bày tỏ quan điểm: "Cháu của đồng nghiệp tôi học ngành Ngôn ngữ Trung của Đạo học Hà Nội. Học lực tốt nên cháu thi đỗ dễ dàng, dư vài điểm dù trường lấy trung bình 8,5 điểm mỗi môn. Ấy vậy mà cháu đã quyết định bảo lưu kết quả đại học để đi ra ngoài làm tổ chức sự kiện. Giờ dịch bệnh bùng phát nên công việc đó phải tạm "đóng băng", còn bình thường thu nhập của cháu lên tới cả mấy chục triệu một tháng. Ban đầu, cháu quyết tâm bỏ nhà đi bụi, cậy nhờ bạn bè trên mạng mà gây dựng nên sự nghiệp ngày hôm nay.
Nói vậy để thấy, chỉ cần bạn có khả năng, có bản lĩnh thì cứ làm điều mình muốn, làm điều mình giỏi. Còn nếu cứ dập khuôn theo con đường của thế hệ 6X, 7X thì có khi ra trường cũng chỉ làm công việc làng nhàng mà thôi, có thể thu nhập ở mức khá, chứ để phất lên hẳn mà làm giàu thì rất khó".
>> Có nhà Sài Gòn nhờ không bỏ học
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Lilytranchicago lại cho rằng con đường học đại học không chỉ để kiếm tiền: "Học là để có thêm cơ hội, thêm một chiếc chìa khóa mở ra những ổ khóa tương lai. Điều đó cũng giúp bạn có thế giới quan, kiến thức tốt hơn so với người chưa được đi học. Tôi đi học 10 năm nhưng cuối cùng thành nông dân và buôn bán bất động sản ở chính miền quê mình sinh ra.
Nói thêm về quá trình lập nghiệp, tôi về quê từ năm 2013, gần như tay trắng. Hai vợ chồng khi đó cũng mới cưới, may mắn có năm mét đất mặt tiền. Tôi bán luôn được 400 triệu đồng, sau đó mua ba sào đất để trồng hồ tiêu. Còn vợ chồng tôi ở ké với mẹ. Vợ tôi xuống thị trấn làm công nhân. Tôi trồng hồ tiêu và nuôi dê trên ba sào đất của mình. Ở nông thôn chi phí thấp nhưng thời gian đó chúng tôi cũng chỉ đủ ăn.
Năm 2018, đất lên giá, tôi bán và góp vốn với bà chị ruột để mua bán bất động sản. Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi từ đó. Sau một năm, vợ chồng tôi ra riêng, mua thêm được hai mảnh đất, xây cái nhà nhỏ giá 300 triệu và vẫn tiếp tục làm vườn nhẹ nhàng, nuôi ít heo, gà. Vì không vay ngân hàng nên tôi cũng không quá quan tâm chuyện giá đất lên hay xuống. Cứ như vậy, 38 tuổi, tôi đã có tích lũy khoảng 1,7 tỷ đồng tiền mặt, hai miếng đất trị giá ba tỷ. Vợ tôi cũng nghỉ làm công nhân, về phụ việc cho bà chị, mỗi tháng túc tắc được năm triệu đồng, nhẹ nhàng sống.
Vài năm đầu, khi chưa có thành công, gia cảnh còn nghèo, nhiều người hàng xóm, bạn bố mẹ hay 'đá xoáy' khiến bố mẹ tôi lắc đầu thất vọng. Nhưng vài năm sau, khi mà vườn cây có thụ hoạch, được mùa, được giá, đất đai lại lên giá, tôi bỗng nhiên có thêm một nghề nữa là kinh doanh bất động sản. Nghĩ lại, nếu không đi học, tôi nghĩ mình sẽ chẳng được như bây giờ. Quan trọng là bạn đam mê gì trong công việc? Không có đam mê thì rất khó để thành công. Với tôi, học là để tư duy tốt hơn, còn chuyện giàu nghèo thì còn tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người.
Học là tất yếu để mong có thêm được một chìa khóa cơ hội mở ra tương lai tốt hơn, nhất là khi nhà nhà, người người đều cố gắng cho con cái đi học. Còn hạnh phúc thì có quá nhiều yếu tố chi phối, tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi người. Tôi có một đứa con, hiện còn bé, học giỏi. Tôi không ép buộc gì con cả, chỉ góp ý, giải thích để con hiểu tầm quan trọng của việc học. Còn sau này, con thích học đại học hay học nghề gì là tùy vào ý thích cá nhân và năng lực của con".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.