"Làm thuê hay làm chủ?" là vấn đề muôn thuở với những người trẻ mới bước chân vào đời. Gần đây, tôi thấy người ta có xu hướng ca ngợi những người dám từ bỏ công việc làm thuê với thu nhập cao để khởi nghiệp con số không, chấp nhận thách thức để làm chủ. Để rồi từ đó, nhiều người đánh giá thấp những người làm nhân viên, làm thuê, coi rằng họ thiếu bản lĩnh và khát vọng tuổi trẻ.
Phải thừa nhận rằng, ham muốn được tỏ ra mình quan trọng luôn là bản năng con người. Đa số chúng ta đều muốn được làm chủ, làm sếp thay vì làm thuê, làm nhân viên. Nhưng trong thực tế, số lượng chủ doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong xã hội. Chưa kể, trong số những người chủ ấy, liệu được bao nhiêu người thực sự thành công với cương vị của mình, hay cũng chỉ sống lay lắt qua ngày để rồi thất bại một ngày nào đó? Vậy làm chủ có phải là đích đến cuối cùng với tất cả chúng ta?
Thực ra, không nhất thiết cứ phải đứng đầu doanh nghiệp, điều hành cả công ty mới gọi làm chủ. Thứ cần hơn với mỗi chúng ta đôi khi chỉ là làm chủ bản thân, làm chủ thời gian của chính mình, làm chủ tài chính cá nhân. Nếu nhìn dưới góc độ này, ngay cả khi chỉ là một nhân viên, bạn cũng sẽ có những mục tiêu rất cụ thể cho bản thân mình để làm tốt nhất công việc hiện tại và làm chủ cuộc sống của bản thân. Đó mới thực sự là hành phúc.
Thực tế, nhiều người chỉ làm thuê cho những doanh nghiệp mạnh, tăng trưởng tốt còn sướng hơn gấp nhiều lần những người mang tiếng tự làm chủ công ty của mình nhưng cứ mãi làm ăn bết bát, lẹt đẹt. Vậy nên khoan hãy khẳng định rằng làm chủ sướng hơn làm thuê. Vấn đề ở đây là bạn phải hiểu rõ làm chủ là khả năng tự quyết định con đường của bản thân, không phụ thuộc vào người khác, chứ không phả là việc làm chủ một doanh nghiệp nào đó.
>> 12 năm lay lắt vì làm chủ sớm
Tôi từng đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để lao vào con đường làm chủ mù quáng như vậy. Để rồi sau những tháng ngày vật vã với sự nghiệp kinh doanh riêng, tôi nhận ra làm chủ thực tế chẳng đẹp như giấc mơ của mình và nhiều người trẻ khác. Làm chủ rồi, tôi mới hiểu thực ra mình chỉ là người làm thuê cho chính doanh nghiệp của mình, làm thuê cho các nhà đầu tư và đôi khi là làm thuê cho cả nhân viên của mình nữa (khi họ không thể làm tốt việc được giao).
Sau những năm tháng ấy, tôi trở lại với công việc làm thuê. Tôi kiếm một công việc ổn định trong một tập đoàn có tiếng, chỉ làm chuyên viên nhưng mức lương tôi nhận được khá cao do nhiều có năm kinh nghiệm. Thêm vào đó, tôi cũng chẳng phải "vắt óc" suy nghĩ, trăn trở làm sao về việc kinh doanh khởi sắc. Làm nhân viên nên tôi chỉ cần làm tốt công việc của mình, nếu làm vượt chỉ tiêu, tôi còn được thưởng nóng và thăng chức, vừa nhẹ đầu, vừa thoải mái.
Trong số bạn bè cùng khóa với tôi, có nhiều bạn sau 10 năm vẫn chỉ là một nhân viên, nhưng khi hỏi ra, lương thưởng của họ cực khủng, chẳng thua kém gì mấy tay mơ làm chủ doanh nghiệp đang chật vật bên bờ vực phá sản ngoài kia. Họ có thể không có cấp dưới, không có chức danh, địa vị, không được "oai" khi nói về công việc của mình, nhưng xét cho cùng, họ lại chẳng thua kém ai về mặt tài chính, vẫn dư sức mua nhà, tậu xe, đi đây đi đó.
Dĩ nhiên, thế giới luôn tồn tại những ngoại lệ như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg... nhưng con số đó rất nhỏ và chẳng có gì đảm bảo bạn cũng hội đủ mọi tố chất để làm được như họ. Thế nên, đừng quá thần thánh hóa chuyện làm chủ, phải dốc hết sức tuổi trẻ để thể hiện mình, chinh phục những cột mốc vượt quá khả năng. Cố đu bám theo những thứ không phải của mình, bạn sẽ chỉ nhận lấy thất bại. Và cũng không phải thất bại nào cũng là mẹ của thành công.
Xã hội luôn có phân công lao động phù hợp, người làm sếp, người làm nhân viên, người lao động trí óc, người bán sức chân tay... Hãy làm một nhân viên giỏi còn hơn đâm đầu vào làm một người chủ kém. Tôi tin đó là chìa khóa để bạn có được thành công. Khi không phải là một người thông minh kiệt xuất hay tài giỏi hơn người, hãy cứ chọn một công việc ổn định, không làm chủ thì làm nhân viên.
Tóm lại, "ổn định" không hề xấu như quan điểm của nhiều người. Tư tưởng ổn định sớm, nếu nhìn một cách toàn diện hoàn toàn là một lựa chọn thông minh. Quan trọng là bạn phải biết mình là ai, khả năng đến đâu, thế mạnh là gì để tìm và chọn một vị trí phù hợp nhất cho bản thân, để phát huy tối đa lợi thế. Tôi ngưỡng mộ cách nhiều người phá bỏ lối mòn định kiến để tự mình làm chủ, nhưng không có nghĩa là tôi cũng sẽ làm như họ. Hiện tại, tôi hài lòng với công việc làm nhân viên của mình và thấy hạnh phúc với lựa chọn đó. Còn bạn thì sao?
>> Theo bạn, tuổi trẻ nên làm thuê hay dấn thân làm chủ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net