"Sự cố gắng trong học tập không bao giờ là thừa. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, ba mẹ đã ý thức được rằng việc học sẽ giúp cho cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn. Thế nên, cả sáu chị em tôi đều có học thức từ Trung cấp đến Đại học và giờ cuộc sống đều ổn định. Quê tôi ở một tỉnh nghèo ở miền Trung. Tôi năm nay 45 tuổi, đã có hai căn nhà, một ở TP HCM đang cho khách thuê (giá trị khoảng bảy tỷ đồng) và một ở Bình Dương (gần Thủ Đức).
Cuộc sống của hai vợ chồng tôi cũng chỉ là làm công ăn lương, tuy không giàu như người khác nhưng cũng ổn định, tất cả là nhờ có học. Hiểu được giá trị của học thứ, tôi luôn luôn hướng cho con rằng việc học là quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì nhà tôi không phải đại gia, có sẵn tiền để muốn làm gì thì làm, nên tôi muốn con học để sau này dù không giàu thì cũng có cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn. Chưa chắc giàu có đã gọi là thành công, vì thế, hãy cho mình một cuộc sống thoải mái (từ việc học), vì xã hội bây giờ chưa biết ngày mai sẽ ra sao".
Đó là chia sẻ của độc giả Tanvu19762511 xung quanh câu chuyện "Cố vào đại học dù 'lương không bằng người bán cá'", nhấn mạnh tầm quan trọng của sự học. Tuy nhiên, ngày nay, câu chuyện bỏ Đại học không còn xa lạ với giới trẻ. Không chỉ có ở nước ngoài, những năm gần đây, xu hướng bỏ Đại học làm giàu ở nước ta đang ngày càng phát triển với sự xuất hiện của hàng loạt doanh nhân trẻ thành công. Thế nhưng, thành công nào cũng luôn là một chặng đường đầy khó khăn và nguy hiểm. Bỏ học đại học cũng không dành cho tất cả.
>> Bằng đại học giúp tôi vực dậy sự nghiệp ở tuổi 37
Lý giả về thực tế này, độc giả Tuệ nêu quan điểm về nguyên nhân khiến nhiều người thất bại dù có bằng cấp:
"Tại sao có bằng đại học vẫn thất nghiệp, hoặc lương không bằng bà bán cá ngoài chợ? Rất nhiều sinh viên ra trường có bằng cấp rất tốt, học lực khá, giỏi, vẫn thất nghiệp, vậy nguyên nhân là gì? Những người lao động chân tay có thu nhập hàng chục, thậm chỉ hàng trăm triệu trong khi nhân viên văn phòng lương chưa tới chục triệu, phải chăng bằng cấp không có tác dụng?
Để tham gia hệ thống sản xuất hàng hóa, bạn phải đáp ứng được một trong hai (hoặc cả hai) yêu cầu: sở hữu được các tư liệu sản xuất có giá trị, sau đó tiến hành cho thuê tư liệu sản xuất ấy (tuyển người làm thuê); hoặc sở hữu được phương thức sản xuất có giá trị sau đó tiến hành cho thuê phương thức sản xuất ấy (đi làm thuê).
Hiện nay, đa số tư liệu sản xuất đã được tập trung về các đầu mối quan trọng như các doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước hoặc các cá nhân giàu có, địa vị cao trong xã hội. Phần lớn lao động sẽ không còn quyền với tư liệu sản xuất hoặc tư liệu ấy không đủ nuôi sống chính họ nên họ phải đi làm thuê, tức là cho thuê trình độ của mình. Trình độ vận hành càng cao (có học, có bằng cấp, kinh nghiệm...) thì càng là lợi thế cho bạn trong việc cạnh tranh ấy.
>> Bằng đại học giúp vợ chồng tôi đổi đời
Vậy tại sao các bạn được giáo dục, đào tạo, có bằng cấp rất cao nhưng vẫn thất nghiệp, đi làm công nhân hoặc đi làm lương không bằng bà bán cá, bán xôi? Có thể hiểu thế này, nếu bạn có trình độ cao như sửa chữa một cái ôtô thì bạn cũng không thể có việc làm nếu bạn không biết cách thương lượng để hành nghề. Ở đây chính là bạn có trình độ nhưng thiếu công cụ, nguồn lực để vận hành. Nói khái quát là bạn không có quyền tiếp cận, sử dụng tư liệu sản xuất thì cũng sẽ không thể thành công.
Do đó, để thành công, con người phải ý thức được nền sản xuất đang có hai cuộc chiến chứ không phải một. Cuộc chiến thứ nhất chính là cạnh tranh tư liệu sản xuất, quyền tiếp cận tư liệu sản xuất. Và cuộc chiến thứ hai chính là cạnh tranh về trình độ vận hành (phương thức sản xuất). Nên khi chỉ tập trung vào một cuộc chiến thì bạn sẽ thất bại.
>> Anh thợ sửa xe làm giàu 'không cần học'
Vấn đề thất nghiệp của các bạn có trình độ cao, có bằng đại học chính là không xin được việc đúng với chuyên môn của họ. Tức là không có quyền tiếp xúc với tư liệu sản xuất phù hợp với ngành nghề họ được đào tạo. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nổi lên là do sự cạnh tranh quá gay gắt giữa cung và cầu.
Khi cung lớn mà cầu ít (tư liệu sản xuất có sẵn không đổi, mà đạo tạo ra quá nhiều dẫn tới dư thừa) thì bạn sẽ thất nghiệp. Hay việc bạn có trình độ cao, học vấn tốt nhưng tính cách không phù hợp hoặc bạn không có khả năng thương thuyết tốt để cho chủ sở hữu tư liệu sản xuất tin tưởng thì bạn cũng sẽ không được thuê (yếu kỹ năng mềm). Hoặc do địa vị, quyền lực gia đình, xã hội thấp khiến bạn không thể chen chân vào hệ thống thượng lưu, tinh anh do sự đóng kín, truyền nối bảo thủ của xã hội thì bạn cũng vẫn thất nghiệp.
Vậy nên, để thành công, các bạn ngoài cạnh tranh về trình độ, còn phải cạnh tranh về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm để có được quyền tiếp xúc với các nguồn lực sản xuất. Ngược lại, nếu không có được quyền tiếp xúc với tư liệu sản xuất trong nước vì bị người khác cạnh tranh gắt gao thì bạn có thể ra nước ngoài ở những nước có trình độ thấp hơn để cạnh tranh hoặc các nước già hóa dân số - nơi có nhiều vị trí trống để bạn lấp vào. Còn nếu các bạn an phận thì không thể nào tránh khỏi vòng quay thất nghiệp".
>> Theo bạn, học để làm gì? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.