Tuyến tụy tiết ra insulin để chuyển hóa lượng glucose từ thức ăn được đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, ở người bệnh đái tháo đường do thiếu hụt insulin hoặc cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả nên glucose này dính vào hemoglobin (một loại protein của tế bào hồng cầu). Khi tế bào hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể thì glucose cũng theo cùng. Các tế bào hồng cầu có thời gian sống 2-3 tháng. Do đó, xét nghiệm HbA1c (hemoglobin glycated) cần thực hiện hàng quý và có thể xét nghiệm từ 2-4 lần một năm.
Kết quả xét nghiệm HbA1c gồm những mức độ: dưới 5,7% là bình thường, 5,7% đến 6,4% tiền đái tháo đường, từ 6,5% trở lên là mắc bệnh đái tháo đường. BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) giải thích, nếu kết quả xét nghiệm chỉ số HbA1c cao trên 7% có nghĩa cơ thể tồn dư quá nhiều đường trong máu. HbA1c càng cao, nguy cơ bị biến chứng đái tháo đường càng lớn. Người bệnh đái tháo đường không được điều trị trong thời gian dài, mức HbA1c thường trên 8%.
Chỉ số HbA1c tăng trong trường hợp cơ thể không khỏe, đổi thuốc điều trị, chế độ ăn uống không kiểm soát tốt (ăn nhiều tinh bột, uống nước ngọt...), ít tập thể dục, căng thẳng, buồn chán, bệnh mạn tính (suy thận mạn...). Khi đường huyết cao, người bệnh dễ đối diện các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng tiểu, suy thận, giảm thị lực, đục thủy tinh thể...
Tùy vào từng người bệnh mà bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường sẽ đề ra mục tiêu HbA1c khác nhau. Tuy nhiên, các mục tiêu đều trên cơ sở các mức HbA1c như sau:
Với người bệnh đái tháo đường type 2: Mục tiêu đưa đường huyết về dưới 7% để ổn định và tốt nhất ở mức 48 mmol/mol (6,5%). Nếu mức HbA1c của người bệnh đái tháo đường cao hơn mục tiêu, bác sĩ có thể thay đổi phương án điều trị như kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc.
Với bệnh nhân tiền tiểu đường: Mức mục tiêu điều trị phải đưa đường huyết về dưới 39 mmol/mol (5,7%). Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường cùng với bác sĩ khoa Dinh dưỡng - Tiết chế lên kế hoạch điều trị, xây dựng chế độ ăn uống luyện tập. Điều này giúp kiểm soát đường huyết, duy trì sức khỏe ổn định, ngăn bệnh tiến triển.
Bác sĩ Nguyên Duy khuyên, việc đạt mức mục tiêu HbA1c không phải dễ dàng nhưng người bệnh cần cố gắng để giữ đường huyết trong phạm vi mục tiêu. Vì nếu không kiểm soát, mức HbA1c cao báo hiệu nhiều nguy cơ phát triển biến chứng đe dọa tính mạng (nhiễm toan ceton - biến chứng do tăng axit trong máu, tăng áp lực thẩm thấu máu...). Nếu mức HbA1c tăng so với lần gần nhất xét nghiệm HbA1c, bác sĩ xem xét các loại thuốc người bệnh đang dùng, có thể tăng liều hoặc kê loại thuốc mới. Người bệnh đái tháo đường cần vận động nhiều hơn để điều hòa năng lượng trong cơ thể.
Đôi khi, chỉ số HbA1c giảm không phải người bệnh do không kiểm soát tốt chế độ ăn uống, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ mà vì thiếu máu mạn tính (thiếu máu tán huyết, hồng cầu hình liềm...) dẫn đến thời gian sống của hồng cầu ngắn, sau khi truyền máu hoặc dùng lượng lớn vitamin C, E... Khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện có trang thiết bị xét nghiệm hiện đại và bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường nhiều kinh nghiệm giúp người bệnh phát hiện những bất thường để có phương án điều trị phù hợp.
Nguyễn Trăm