Xét nghiệm HbA1c (A1C) là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 2-3 tháng và được sử dụng để theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường tuýp hai. Đối với bệnh nhân tiểu đường, chỉ số A1C khoảng 7% hoặc ít hơn. Tuy nhiên, con số này có thể khác nhau ở mỗi người. Sau đây là 10 yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm A1C.
Tiến triển của bệnh
Lượng đường trong máu không ổn định ngay cả khi bạn vẫn tuân theo chế độ ăn kiêng, tập thể dục và kế hoạch điều trị như cũ là do tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp hai. Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Tulane (Mỹ) đăng trên Thư viện Quốc Y học Quốc gia của nước này, uớc tính rằng mức A1C sẽ tăng khoảng 1% sau mỗi hai năm với hầu hết các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh thuốc, thay đổi lối sống nhằm kiểm soát tốt đường huyết.
Thay đổi nội tiết tố
Kinh nguyệt và mãn kinh làm thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ngoài ra, căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần kích hoạt giải phóng các hormone có thể làm tăng lượng đường trong máu. Điều này khiến chỉ số A1C tăng lên. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng các hoạt động giảm căng thẳng như tập thể dục, thiền hoặc yoga, dành thời gian cho gia đình và bạn bè...
Mang thai
Theo tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa (Mỹ), mang thai làm thay đổi tuổi thọ của các tế bào hồng cầu khiến chỉ số A1C ở mức rất thấp. Điều này thường xảy ra ở giai đoạn đầu và giữa của thai kỳ. Bệnh nhân có thể có những mục tiêu đường huyết và A1C khác nhau khi mang thai. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn nhằm điểu chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp hơn.
Biến chứng hoặc các bệnh liên quan đến tiểu đường
Một số biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh thận mạn tính (CKD), bệnh về nướu có thể khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn. Các biến chứng tiềm ẩn khác gồm các bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, vấn đề về mắt... Xét nghiệm A1C có thể không phải là thước đo đáng tin cậy về lượng đường trong máu ở những bệnh nhân gặp phải biến chứng tiểu đường và suy thận. Bệnh nhân nên thường xuyên khám bác sĩ để kịp thời ngăn ngừa hoặc quản lý các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Các loại thuốc
Opioid và một số thuốc điều trị HIV có thể khiến kết quả xét nghiệm A1C tăng giả cao. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung đang dùng và khả năng tác động của chúng lên chỉ số A1C.
Mất hoặc truyền máu
Tuổi thọ của các tế bào hồng cầu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng mức đường huyết. Đó là bởi vì xét nghiệm A1C đo tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu của bạn có glucose gắn với hemoglobin, một loại protein trong tế bào hồng cầu. Những thay đổi trong tế bào hồng cầu có thể gây biến đổi A1C. Nếu gần đây bạn bị mất máu hoặc truyền máu, kết quả A1C của bạn sẽ không chính xác.
Thiếu máu không được điều trị
Kết quả A1C của người có lượng sắt thấp thường không chính xác, đặc biệt là những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt. Khi mức A1C cao bất thường và bạn nghi ngờ do thiếu máu thì nên nói với bác sĩ và làm xét nghiệm thêm nếu cần.
Điều trị không còn hiệu quả
Bệnh tiểu đường tuýp hai có thể tiến triển nghĩa là bạn cần phải có một phương pháp điều trị khác để quản lý mức A1C. Nếu phương pháp điều trị không còn hiệu quả và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, bạn nên nói với bác sĩ để điều chỉnh. Bạn có thể cần bắt đầu dùng thuốc nếu đang kiểm soát A1C bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Thay đổi liều lượng thuốc hiện tại, chuyển sang một loại thuốc mới hoặc thuốc tiểu đường uống sang insulin cũng có thể cần thiết.
Biến động tự nhiên của lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu có thể có sự thay đổi một cách tự nhiên trong suốt cả ngày. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đường huyết chẳng hạn như lượng carbohydrate tiêu thụ, mức độ hoạt động thể chất, chất lượng giấc ngủ... Biến động lượng đường trong máu ảnh hưởng đến chỉ số A1C của bạn. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên có thể giúp bạn duy trì ở mức ổn định.
Các yếu tố khác
Đôi khi, xét nghiệm A1C có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát gồm nhiệt độ, thiết bị được sử dụng và thậm chí cách xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm. Nếu bạn nghi ngờ kết quả A1C sai thì nên yêu cầu bác sĩ làm lại xét nghiệm.
Nhi Tiêu
(Theo Healthline)