Lượng đường (mức đường huyết) đóng vai trò là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Trong quá trình tiêu hóa, carbohydrate trong đường, tinh bột và chất xơ được biến đổi thành glucose, cơ thể sử dụng năng lượng này làm năng lượng hoặc lưu trữ. Lượng đường trong máu bị ảnh hưởng bởi thực phẩm đưa vào cơ thể, tuổi tác, căng thẳng, hoạt động thể chất, hút thuốc, uống rượu. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi các các vấn đề về tim và bệnh tiểu đường.
Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, người mắc tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, nếu theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên sẽ có thể hiểu được thuốc, thức ăn và hoạt động thể chất ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng bệnh của mình. Việc theo dõi lượng đường trong máu tăng hay giảm là điều quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường.
Thời điểm tốt để kiểm tra đường huyết là từ 1-2 giờ sau khi ăn, thời điểm này giúp bạn nắm được lượng đường trong máu tăng giảm ra sao với từng loại thực phẩm. Theo nguyên tắc chung, tốt nhất nên giữ lượng đường trong máu dưới 180 mg/dL từ 1-2 giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, phạm vi đường huyết mục tiêu sẽ phụ thuộc vào thời gian bị tiểu đường, tuổi, tình trạng sức khỏe khác, các biến chứng tiểu đường...
Mức đường huyết an toàn cho từng đối tượng cụ thể sau:
Đối tượng | Mức đường huyết (mg/dL) |
Trẻ mầm non không mắc bệnh tiểu đường (dưới 5 tuổi) | Dưới 250 |
Trẻ em trong độ tuổi đi học không mắc bệnh tiểu đường (6-11 tuổi) | Dưới 225 |
Thanh thiếu niên không mắc bệnh tiểu đường (12-18 tuổi) | Dưới 200 |
Trẻ em (0-18) mắc bệnh tiểu đường, một giờ sau khi ăn | Từ 90 đến 130 |
Trẻ em (0-18) mắc bệnh tiểu đường, 2 giờ sau khi ăn | Từ 90 đến 110 |
Người lớn không mắc bệnh tiểu đường không mang thai, 2 giờ sau khi ăn | Từ 90 đến 180 |
Người lớn mắc bệnh tiểu đường không mang thai | Dưới 180 |
Người lớn mắc bệnh tiểu đường dùng insulin trước bữa ăn | Dưới 180 |
Người lớn mắc bệnh tiểu đường không dùng insulin trước bữa ăn | Dưới 140 |
Người lớn bị tiểu đường thai kỳ, một giờ sau khi ăn | Dưới 140 |
Người lớn bị tiểu đường thai kỳ, 2 giờ sau khi ăn | Dưới 120 |
Người mang thai mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 từ trước, một giờ sau khi ăn | Từ 110 đến 140 |
Người mang thai mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 từ trước, 2 giờ sau khi ăn | Từ 100 đến 120 |
Khi nói đến mức đường huyết người ta thường quan tâm đến carbohydrate hay carbs. Tuy nhiên không phải tất cả các loại carbs đều chuyển hóa thành đường trong máu với tỷ lệ như nhau. Ví dụ về các loại thực phẩm phù hợp với từng loại carb bao gồm tinh bột hoặc carbohydrate phức hợp có nhiều trong các loại rau có tinh bột, đậu khô và ngũ cốc. Đường có nhiều trong trái cây, bánh nướng, đồ uống và các loại thực phẩm chế biến sẵn như ngũ cốc. Các sản phẩm từ lúa mì nguyên hạt, đậu gà, đậu lăng, quả mọng, lê và cải bruxen chứa nhiều chất xơ.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)