Lượng đường trong máu giữa các bữa ăn cung cấp thông tin về cách cơ thể quản lý lượng đường. Mức đường huyết lúc đói cao cho thấy người bệnh không thể giảm lượng đường trong máu. Điều này chỉ ra tình trạng kháng insulin hoặc sản xuất insulin không đầy đủ hoặc cả hai. Nếu đường huyết thấp bất thường có thể do thuốc điều trị tiểu đường đang làm giảm lượng đường trong máu quá nhiều.
Đường huyết lúc đói phụ thuộc vào ba yếu tố gồm số lượng và chất lượng bữa ăn; khả năng sản xuất, đáp ứng insulin của cơ thể người bệnh. Để đánh giá mức đường huyết lúc đói, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm HbA1c, xét nghiệm đường huyết thông thường hoặc theo dõi lượng đường liên tục.
Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này dùng để đo lượng đường trong máu trong 3 tháng qua. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, xét nghiệm HbA1c bình thường là khi ít hơn 5,7%, tiền tiểu đường từ 5,7-6,4%, bệnh tiểu đường từ 6,5% trở lên.
Đo đường huyết tại nhà: Mọi người có thể tự kiểm tra đường huyết tại nhà bằng cách đo lượng đường trong máu lúc đói khi thức dậy và trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Bạn cũng có thể đo lượng đường trong máu trước khi ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Đây là lúc lượng đường trong máu trở lại mức bình thường.
Thời điểm thích hợp để kiểm tra đường huyết sẽ phụ thuộc vào mục tiêu điều trị và các yếu tố khác. Ví dụ, hầu hết người mắc bệnh tiểu đường không cần phải kiểm tra giữa các bữa ăn trừ khi họ đang sử dụng thuốc tiểu đường có thể làm giảm lượng đường trong máu. Những người khác có thể kiểm tra giữa các bữa ăn nếu họ cảm thấy lượng đường xuống thấp. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 không tạo ra đủ insulin cần phải kiểm tra lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin.
Với người bệnh tiểu đường, đường huyết lúc đói (thử vào buổi sáng trước khi ăn hoặc uống nước) là 80-130 mg/dL. Đường huyết 2 giờ sau khi ăn là dưới 180 mg/dL. Đối với người không mắc căn bệnh này, mức đường huyết mục tiêu lúc đói (thử vào buổi sáng trước khi ăn hoặc uống nước) là 72-99 mg/dL, 2 giờ sau khi ăn là dưới 140 mg/dL. Mục tiêu mức đường huyết của người bị tiền tiểu đường và người không mắc tiểu đường là giống nhau.
Kiểm tra lượng đường trong máu lúc đói: Kết quả lượng đường trong máu lúc đói dưới 99 mg/dL là bình thường. Mức đường huyết lúc đói dao động từ 100-125 mg/dL cho thấy tiền tiểu đường và mức 126 mg/dL trở lên là bệnh tiểu đường.
Theo dõi lượng đường liên tục: Một lựa chọn khác là dùng theo dõi đường huyết liên tục (CGM). Máy theo dõi ghi lại mức đường huyết của người bệnh trong suốt 24 giờ. Thiết bị này có thể cung cấp mức độ và biến động đường huyết của một người trong suốt cả ngày.
Thử nghiệm không nhịn ăn: Xét nghiệm máu không nhịn ăn gồm xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên (RPG) và xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống (OGTT). Với xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu bất kỳ lúc nào trong ngày mà không yêu cầu nhịn ăn.
Với xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống (OGTT), bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của một người trong 2 giờ, bắt đầu bằng xét nghiệm máu lúc đói. Tiếp theo, bạn uống đồ uống có đường và bác sĩ sẽ lấy mẫu máu cứ sau 30-60 phút trong khoảng thời gian 2 giờ.
Để giữ lượng đường trong máu lúc đói không tăng quá cao, mọi người nên ăn uống lành mạnh. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chọn rau không có tinh bột, hạn chế ăn đường và muối... Người dùng thuốc điều trị tiểu đường và có nguy cơ tụt đường huyết nguy hiểm nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.
Người bệnh nên chủ động thực hiện các bước để ngăn chặn lượng đường trong máu giảm xuống gồm ăn nhiều bữa ăn trong ngày, tăng lượng thức ăn và ăn nhẹ khi hoạt động thể chất cường độ cao, tránh hoặc hạn chế đồ uống có cồn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nôn mửa hoặc tiêu chảy gây khó khăn cho việc quản lý lượng đường trong máu.
Kim Uyên
(Theo Medical News Today)