HbA1c (A1C) là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 2-3 tháng và theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường tuýp hai. Bệnh nhân tiểu đường thường có chỉ số A1C khoảng 7% hoặc ít hơn. Mục tiêu A1C cần giảm ở mức dưới 5,7%. Tuy nhiên, con số này có thể khác nhau ở mỗi người.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo, bệnh nhân tiểu đường xét nghiệm HbA1c (A1C) hai lần mỗi năm. Nếu thay đổi liệu pháp hoặc không đạt được mục tiêu về lượng đường trong máu nên xét nghiệm 4 lần mỗi năm. Giảm chỉ số A1C có thể giảm nguy cơ biến chứng như tổn thương thần kinh và các vấn đề về mắt.
Dưới đây là những cách có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu hàng ngày và giảm chỉ số A1C.
Tập thể dục thường xuyên
Theo Jordana Turkel - chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường ở New York (Mỹ) khuyến nghị, tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần. Các hình thức tập thể dục khác nhau như dắt chó đi dạo, đạp xe, chơi thể thao, tập thể dục nhịp điệu... giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin, từ đó giảm chỉ số A1C.
Nếu bạn theo dõi đường huyết hàng ngày thì nên kiểm tra trước và sau khi tập thể dục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, hormone căng thẳng được tạo ra khi tập thể dục cường độ cao có thể làm tăng lượng đường trong máu. Các yếu tố khác như thực phẩm ăn trước khi tập thể dục và thời gian tập luyện cũng ảnh hưởng đến đường huyết.
![Chạy bộ thường xuyên có thể giúp kiểm soát chỉ số đường huyết. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/07/06/012-8067-1656060396-3879-1657123374.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-JysCitgVHYykBsMIKct0A)
Chạy bộ thường xuyên có thể giúp kiểm soát chỉ số đường huyết. Ảnh: Freepik
Chế độ ăn uống phù hợp
Bạn nên nhờ các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn cân bằng. Áp dụng quy tắc đĩa thức ăn: nửa đĩa rau, 1/4 protein (chất đạm) và 1/4 ngũ cốc nguyên hạt. Nếu bạn thích trái cây thì chỉ nên ăn một chén nhỏ, ăn với một ít protein hoặc chất béo nạc. Cách này giúp bạn tiêu hóa carbohydrate (carbs) để giảm nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu. Thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có đường và nước hoa quả có nhiều carbs và calo cần tránh. Vì chúng có thể dẫn đến tăng đột biến đường huyết và tăng cân.
Bỏ bữa, ăn ít bữa trong ngày hoặc ăn quá nhiều, quá thường xuyên có thể khiến lượng đường trong máu giảm và tăng quá mức. Điều này đúng nếu bạn đang dùng insulin hoặc một số loại thuốc tiểu đường khác. Bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn xác định lịch ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh.
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi thay đổi các loại thuốc hoặc insulin, bắt đầu chế độ ăn uống ít carbohydrate hoặc tập thể dục phù hợp.
![Chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/07/06/thuc-pham-cho-nguoi-benh-3179-6555-4578-1657123374.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PxxN44rKJpN5tL7VLe1c_g)
Chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik
Kiểm tra xét nghiệm A1C
Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân xác định tần suất kiểm tra lượng đường trong máu. Kiểm tra chỉ số TIR (thời gian đường huyết nằm trong khoảng mục tiêu) để xem có đang ở mức tối ưu hay không. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, Ngưỡng mục tiêu mức đường huyết của mỗi người có thể khác nhau nhưng chỉ số TIR được khuyến cáo từ 70-180 mg/dl (3,9 đến 10 mmol/l).
Nắm rõ chỉ số A1C là một phần quan trọng trong việc theo dõi và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng giai đoạn. Nếu bạn có thắc mắc, bạn có thể nhờ bác sĩ giải đáp.
Nhi Tiêu
(Theo Everyday Health)