Men gan là các protein giúp tăng tốc độ phản ứng hóa học trong cơ thể bao gồm sản xuất mật và các chất giúp máu đông, phá vỡ thức ăn và chất độc, chống lại nhiễm trùng. Theo Hiệp hội Gan mật Mỹ, chỉ số ALT, AST bình thường ở nữ giới là 19-25 UI/L, lớn hơn 25 UI/L là cao; chỉ số bình thường ở nam giới là 29-33 UI/L và lớn hơn 35 UI/L là cao. Giới hạn của chỉ số GGT là 8-61 UI/L, chỉ số ALP là 45-115 UI/L.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết men gan tăng cao là dấu hiệu cho thấy gan hoạt động không bình thường. Các nguyên nhân phổ biến làm tăng men gan như sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, nhất là acetaminophen, một số loại thuốc theo toa... Men gan cao có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan do virus, xơ gan...
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng cao, bác sĩ sẽ hỏi về nguyên nhân cơ bản như lối sống, thói quen ăn uống. Nguyên nhân tăng men gan phổ biến nhất là do bệnh gan nhiễm mỡ. Theo Tạp chí Medical News Today, có khoảng 25-51% những người bị tăng men gan có tình trạng này. Bệnh xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan gây ra mệt mỏi, đau ở bên phải của bụng nhưng thường không rõ triệu chứng. Bác sĩ kiểm tra những người bị rối loạn sử dụng rượu hoặc hội chứng chuyển hóa để tìm nguyên nhân men gan cao.
Bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có thể gặp trong hội chứng chuyển hóa là nhóm các triệu chứng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các triệu chứng này bao gồm đường trong máu cao, huyết áp cao, thừa cân, cholesterol cao. Bác sĩ có thể kiểm tra người có một hoặc nhiều triệu chứng này để tìm nguyên nhân gây tăng men gan.
Viêm gan virus
Có một số loại virus dẫn đến viêm gan A, B, C, D và E. Các triệu chứng viêm gan phổ biến như mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, đau khớp, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, sốt, nước tiểu đậm, ngứa, vàng da và mắt. Viêm gan gây tổn thương tế bào gan, là nguyên nhân khiến men gan tăng cao.
Viêm gan do bia rượu
Uống quá nhiều bia rượu có thể dẫn đến viêm hoặc tổn thương gan do rượu. Ethanol trong bia rượu khi uống vào chuyển hóa thành acetaldehyde, chất gây tổn thương gan. Các triệu chứng của viêm gan do rượu tương tự như các triệu chứng của các loại viêm gan khác. Nếu một người thường xuyên sử dụng rượu bia, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ men gan để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Viêm gan do thuốc và thực phẩm chức năng
Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, có rất nhiều loại thuốc khi dùng có thể gây tăng men gan và viêm gan như sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen, các thuốc điều trị bệnh lao, các thuốc hạ mỡ máu... Những thực phẩm chức năng và các thảo dược không rõ nguồn gốc được nhiều người truyền tai nhau sử dụng với mục đích tăng cường sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân hay gặp gây tăng men gan và viêm gan.
Xơ gan
Xơ gan là tổn thương với sẹo vĩnh viễn ở gan, ngăn gan hoạt động bình thường. Xơ gan có thể dẫn đến suy gan. Các triệu chứng xơ gan thường thấy như mệt mỏi và ngứa da. Người bị bệnh viêm gan hoặc gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị có nguy cơ xơ gan. Bác sĩ kiểm tra nồng độ men gan có thể xác định được bệnh xơ gan.
Khi gan bị viêm hoặc tổn thương, xét nghiệm máu có thể thấy men gan tăng cao, các chỉ số dễ nhận thấy là AST và ALT. Tiến sĩ Khanh khuyến cáo, hầu hết những người bị tăng men gan không có triệu chứng. Nếu tổn thương gan là nguyên nhân tăng men gan, bạn có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, ngứa, vàng da hoặc mắt, ăn không ngon, buồn nôn và nôn.
Theo Tiến sĩ Khanh, khoảng 1/3 số người bị tăng men gan trở lại bình thường sau 2-4 tuần. Nếu men gan của bạn vẫn cao, bác sĩ có thể yêu cầu thêm xét nghiệm máu hoặc siêu âm, chụp CT, MRI để chẩn đoán bệnh. Men gan cao lâu ngày nếu không được điều trị có thể làm giảm tuổi thọ. Chỉ số AST tăng gấp đôi khiến nguy cơ tử vong tăng 32%. Với ALT tăng gấp đôi, nguy cơ tử vong tăng lên 21%.
Có nhiều cách giúp bạn giữ cho gan khỏe mạnh như: hạn chế uống rượu bia, ăn uống lành mạnh, không dùng chung kim tiêm hoặc các vật dụng bị dính máu, tiêm vaccine viêm gan A và B, quản lý lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường, theo dõi cân nặng, tập thể dục thường xuyên. Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn nếu có ý định dùng bất kỳ loại thuốc nào; không nên tự dùng thuốc và thực phẩm chức năng.
Lục Bảo