Trả lời:
Polyp túi mật là một mô nhỏ phát triển bất thường, nhô ra khỏi lớp niêm mạc bên trong túi mật. Một số polyp hình thành do sự lắng đọng cholesterol trong thành túi mật hoặc do tình trạng viêm. Một số khác có thể là khối u lành tính hoặc ác tính.
Khoảng 92% polyp túi mật là lành tính. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, béo phì, mỡ máu cao, viêm gan virus, thói quen ăn uống không khoa học... Bệnh hay gặp ở người trưởng thành (khoảng 7%), nhất là nữ giới từ 30-50 tuổi và có xu hướng gia tăng.
Biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, không đặc trưng, phần lớn là tình cờ phát hiện khi siêu âm. Chỉ khi có rối loạn bài tiết dịch mật, sỏi túi mật hoặc viêm túi mật kèm theo, bệnh mới bộc lộ triệu chứng lâm sàng. Người bệnh có thể đau tức nhẹ hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị sau ăn (khoảng 80%), đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn.
Có hai hướng điều trị polyp túi mật là theo dõi định kỳ và mổ cắt bỏ túi mật. Do có vai trò điều hòa bài tiết mật, giúp phân hủy chất béo, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nên không thể tùy tiện cắt bỏ túi mật nếu không có chỉ định. Biện pháp này chỉ được dùng để điều trị polyp gây triệu chứng đau, sốt tái phát hoặc dự phòng chúng chuyển thành ác tính (ung thư).
Thông thường với polyp có kích thước nhỏ hơn 5 mm, bác sĩ sẽ lên lịch siêu âm mỗi 6 tháng đến một năm hoặc 2 năm để theo dõi sự phát triển của polyp. Nếu sau 2 năm mà không thay đổi kích thước, người bệnh có thể dừng theo dõi. Nếu polyp có kích thước từ 6-9 mm, kèm theo các tố nguy cơ như người châu Á trên 60 tuổi, tiền sử bị viêm đường mật xơ hóa tiên phát, polyp không có cuống, kích thước thành túi mật trên 4 mm thì nên phẫu thuật cắt túi mật.
Polyp kích thước từ 10 mm trở lên có khả năng tiến triển thành ung thư. Lúc này, người bệnh cần mổ cắt bỏ túi mật để ngăn chặn sự phát triển của ung thư túi mật. Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị tốt, được ưu tiên dành cho bệnh nhân polyp túi mật. Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với mổ mở truyền thống như ít xâm lấn; vết mổ nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ; ít đau; khả năng hồi phục nhanh; hiếm gặp biến chứng sau phẫu thuật.
Thông tin bạn chia sẻ chưa đủ cơ sở để đánh giá có cần phẫu thuật cắt túi mật để đề phòng ung thư hay không. Tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế để siêu âm định kỳ. Bác sĩ sẽ dựa vào sự thay đổi kích thước và hình thái của polyp để đánh giá và chỉ định mổ khi cần thiết. Polyp kích thước 7 mm mà không có yếu tố nguy cơ, không gây triệu chứng đau, sốt... thì không cần phải xử trí. Trường hợp bạn tái khám thấy hình ảnh polyp rõ nét, có đặc điểm hình thái bất thường, xét nghiệm máu phát hiện các biểu hiện ác tính hoặc polyp biểu hiện triệu chứng lâm sàng cần phẫu thuật sớm.
Polyp túi mật lành tính không tự mất đi, nhưng phát triển chậm hoặc không tăng kích thước nên không gây ảnh hưởng nhiều, thuốc không có tác dụng điều trị. Tuy vậy, bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn ít ngọt, không ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ, lòng đỏ trứng gà... để hạn chế sự lắng đọng cholesterol trong túi mật.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội