Theo ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đối với trường hợp phẫu thuật cắt túi mật nội soi, người bệnh có thể xuất viện sau 1-2 ngày nếu ổn định và không có biến chứng xảy ra. Đối với phẫu thuật cắt túi mật hở, người bệnh sẽ cần ở lại bệnh viện trong khoảng 5-7 ngày để theo dõi. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật có thể mất khoảng 4-6 tuần.
Khi nào người bệnh được chỉ định cắt túi mật?
Phẫu thuật cắt túi mật thường được chỉ định để điều trị polyp túi mật, sỏi túi mật và ung thư túi mật. Ngoài ra, bất cứ tình trạng nào ở túi mật gây triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh cũng đều có thể được cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. Hầu hết phẫu thuật cắt túi mật được tiến hành qua nội soi, một số trường hợp khác cần được mổ mở. Điểm chung của hai phương pháp này là người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong quá trình thực hiện.
Cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi: ưu điểm của phương pháp này bao gồm vết mổ nhỏ hơn, tăng tính thẩm mỹ, người bệnh ít đau, khả năng hồi phục nhanh hơn và ít gặp biến chứng. Dù vậy, không phải người bệnh nào cũng phù hợp với phương pháp mổ nội soi.
Cắt túi mật bằng phẫu thuật mở hoặc mổ mở: thường được chỉ định cho các đối tượng có tiền căn phẫu thuật trước gây sẹo dính, người thừa cân, béo phì, thai phụ trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc trong trường hợp đặc biệt như chảy máu trong quá trình mổ, mổ cấp cứu... Thậm chí, có những trường hợp phẫu thuật viên phải chuyển từ mổ nội soi sang mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Những lưu ý trước và sau khi phẫu thuật cắt túi mật
Trước khi phẫu thuật, người bệnh cần được khám tiền mê và thực hiện một số xét nghiệm: xét nghiệm máu, siêu âm bụng..., đồng thời tắm bằng dung dịch sát trùng Chlorhexidine 4% vào buổi tối trước ngày mổ. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh dự phòng đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, xem xét bệnh sử và các loại thuốc điều trị, các chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng (nếu có) mà người bệnh đang sử dụng cũng như có thể yêu cầu người bệnh ngưng một vài loại thuốc trước khi mổ.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được chuyển đến phòng hồi tỉnh, kiểm tra sức khỏe. Khi tình trạng ổn định, người bệnh sẽ đưa về phòng bệnh. Trong khoảng 6-8 giờ sau mổ, người bệnh có thể ăn uống trở lại nên vận động đi lại sớm, hít thở sâu để phòng ngừa biến chứng viêm phổi và tắc mạch do cục máu đông sau mổ.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo, người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường sau phẫu thuật như sốt hoặc lạnh run, vết mổ sưng, đỏ, buồn nôn, nôn ói, đau bụng dữ dội, đầy hơi chướng bụng, vàng da vàng mắt và nước tiểu sậm màu.
Người bệnh nên ăn gì và kiêng gì sau phẫu thuật cắt túi mật
Những ngày đầu sau mổ, người bệnh nên ăn các món dạng lỏng, dần dần mới chuyển qua dạng thức ăn dạng đặc, theo nguyên tắc ăn từ ít đến nhiều, chia thành nhiều bữa nhỏ để dễ hấp thu. Người bệnh cũng nên chọn các thực phẩm chứa chất béo tốt (chất béo chưa bão hòa), các chế phẩm từ sữa như sữa chua, sữa ít béo và bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, uống 1-1,5 lít nước mỗi ngày để cơ thể đào thải nhanh chóng lượng thuốc mê còn sót lại trong cơ thể.
Một số loại thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau mổ mà người bệnh cần tránh như thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, thực phẩm giàu cholesterol, đồ uống có chứa cafein, rượu, bia, thuốc lá...
Ngoài ra, để phòng tránh biến chứng sau mổ, người bệnh cần lưu ý vận động nhẹ nhàng thường xuyên để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, không khuân vác vật nặng trong 4-6 tuần. Người bệnh nên thay băng vết thương hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, mặc quần áo rộng, thoải mái, tránh cọ xát vào vết thương và tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì nó có thể làm vết sẹo sẫm màu.
Theo bác sĩ Tâm, phẫu thuật cắt túi mật là loại phẫu thuật có độ an toàn và hiệu quả cao. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn về ngoại tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Hoàng My