Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, mạch máu hoặc dây thần kinh bị phá hủy, ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi nên cơ thể người bệnh đái tháo đường khó hạ nhiệt như người bình thường, cảm thấy nóng hơn vào mùa hè. Người bệnh dễ bị sốc nhiệt, kiệt sức hơn. Tình trạng thân nhiệt còn ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, gây ra những biến chứng nguy hiểm khác tới sức khỏe.
Để có mùa hè an toàn, người bệnh nên lưu ý đến chế độ ăn uống, tập luyện, kiểm soát đường huyết... Dưới đây là những tình trạng thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh.
Ăn trái cây nhiều đường
Mùa hè là thời điểm có nhiều trái cây, nhất là những loại có lượng đường cao như nhãn, vải, sapôchê, mít, sầu riêng, dưa hấu... Bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết, nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, trên 70 và người bệnh cần hạn chế, chỉ nên ăn số lượng ít và thỉnh thoảng. Ăn nhiều loại trái cây có GI cao khiến đường huyết tăng cao. Nếu đường huyết không được kiểm soát sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến mắt, thận, thần kinh.
Một số loại trái cây có mức GI thấp (20-49) như táo, bơ, cherry, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây... GI trung bình (50-69) như quả sung, nho, trái kiwi, xoài, cam, nho khô, chuối có vỏ còn xanh... Người bệnh nên ăn trái cây với khẩu phần khoảng 200 gram trái cây mỗi ngày với khoảng một nắm tay.
Dễ mất nước
Uống từ 1,5-2 lít nước lọc mỗi ngày giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Người bệnh uống ít nước có các triệu chứng mất nước nhẹ như mệt mỏi, giảm đi tiểu, khát nhiều hơn, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, khô miệng và khô mắt.
Khi không kiểm soát đường huyết tốt khi nắng nóng, cơ thể gia tăng bài tiết nước tiểu, khiến mất nước nhanh hơn. Tình trạng mất nước nặng hơn khi xuất hiện các triệu chứng như khát nước liên tục, nước tiểu sẫm màu, huyết áp thấp, tim đập nhanh, đường huyết tăng cao... Cơ thể thiếu nước thường xuyên có thể dẫn đến suy thận, biến chứng huyết khối, tắc mạch.
Nếu người bệnh đái tháo đường đang dùng thuốc lợi tiểu, có biến chứng thận, tim hoặc bệnh lý khác thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống nước, chẳng hạn như giảm lượng nước.
Đường huyết không ổn định
Người bệnh còn đối diện nguy cơ hạ đường huyết. Thời tiết nắng nóng, sự trao đổi chất diễn ra nhiều hơn và cơ thể có khả năng hấp thụ nhiều insulin hơn. Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cảm thấy lo lắng, đổ mồ hôi, chấn động, tim đập nhanh, bất tỉnh... Bác sĩ Quỳnh Trâm lưu ý, người bệnh hạ đường huyết có thể ăn một mẩu bánh hoặc uống một viên đường huyết để cân bằng lại đường. Quan trọng nhất, người bệnh cần đo đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bỏ ăn vì nắng nóng
Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ thêm, vùng dưới đồi (có kích thước nhỏ ở trung tâm não) có nhiệm vụ điều tiết cho cơ thể mát mẻ và nhận thấy cảm giác đói. Khi thời tiết chuyển sang nắng nóng, cơ thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách bài tiết nước dưới dạng mồ hôi. Lúc này, vùng dưới đồi chỉ chú ý hỗ trợ cho cơ thể mát mẻ mà quên đến cơn thèm ăn. Do đó, nhiều người có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, bỏ ăn; khiến đường huyết bị hạ thấp, nguy hiểm đến sức khỏe. Để phòng tránh, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn.
Ngoài uống đủ nước, kiểm tra đường huyết, bác sĩ Trâm khuyên, người bệnh cần bảo quản tốt thuốc và tránh nắng. Bởi thời tiết nắng nóng dễ làm hỏng thuốc, máy đo đường huyết... Khi đi ra ngoài nắng, người bệnh cần mang dù, nón rộng vành, kính bảo vệ mắt, đồ chống nắng... để tránh tổn thương da, mất nước.
Đinh Tiên