BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ: Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đặc trưng với biểu hiện đường máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do thiếu hụt hoặc kháng insulin trong cơ thể. Bệnh gây nhiều phiền toái, khiến sức khỏe ngày càng giảm sút cùng nhiều biến chứng nguy hiểm lên tim, thận...
Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng trên thế giới. Theo bác sĩ Duy, bất kỳ ai cũng có thể bị đái tháo đường, tuy nhiên, người có một trong các yếu tố như thừa cân, béo phì, lớn tuổi... thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Người thừa cân, béo phì
Bác sĩ Duy chia sẻ thêm, người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường. Insulin có vai trò vận chuyển glucose vào tế bào hoặc lưu trữ ở gan dưới dạng glycogen. Ở người béo phì, gan sẽ chứa nhiều chất béo nên không thể chứa thêm glucose. Do đó, glucose vẫn còn trong máu, đòi hỏi tuyến tụy phải tạo ra nhiều insulin hơn để giải phóng thành phần này. Lâu dài, tuyến tụy sẽ "kiệt sức", sản xuất ít insulin hơn gây ra bệnh tiểu đường.
Người trung niên và lớn tuổi
Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trung niên và lớn tuổi là sự thay đổi về chuyển hóa, rối loạn tiết insulin và kháng insulin (một tình trạng trong đó các tế bào của cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả hơn bình thường). Theo thời gian, cùng với sự lão hóa của cơ thể, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường huyết ổn định. Người lớn tuổi cũng thường sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến đường huyết như corticosteroid (điều trị các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus, dị ứng...), thuốc chẹn beta (điều trị cao huyết áp), nhóm thuốc thiazid (lợi tiểu)... làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Tiền sử gia đình bị đái tháo đường
Tiểu đường là bệnh có thể di truyền. Trong đó, tiểu đường tuýp hai có tỷ lệ di truyền cao hơn tuýp một. Đối với tiểu đường tuýp một: nếu cả cha và mẹ đều bị tiểu đường tuýp một thì tỷ lệ con cái mắc bệnh khoảng 30%. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ bị tiểu đường thì tỷ lệ con cái sinh ra mắc bệnh khoảng 6-4%. Đối với tiểu đường tuýp hai: nếu cả cha và mẹ đều bị tiểu đường tuýp hai, tỷ lệ con cái mắc bệnh cao hơn 50%. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ bị tiểu đường tuýp hai và dưới 50 tuổi thì tỷ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là 14% và sau 50 tuổi là 7,7%.
Mặc dù tiểu đường tuýp hai có tỷ lệ di truyền cao hơn tuýp một nhưng tùy vào các yếu tố tác động từ môi trường, chế độ ăn uống, con số này có thể thay đổi.
Có tiền sử đái tháo đường trong thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường tuýp hai sau này. Em bé sinh ra có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp hai cao hơn so với người bình thường.
Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng bất thường cholesterol xấu và triglycerid (một loại chất béo trong máu), giảm cholesterol tốt trong máu. Đây là nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng như: bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Rối loạn lipid máu còn gây ra viêm tụy cấp và mạn tính, dẫn đến biến chứng đái tháo đường tuýp hai.
Phụ nữ bị đa nang buồng trứng
Buồng trứng đa nang là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bác sĩ Duy cho biết thêm, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin. Khi insulin không được sử dụng hiệu quả, lượng đường huyết sẽ gia tăng, gây ra bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu ở Australia đã thu thập dữ liệu từ hơn 8.000 phụ nữ cho thấy, những người bị đa nang buồng trứng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai cao từ 4 - 8.8 lần so với người bình thường.
Bên cạnh nhóm có nguy cơ cao, chế độ sinh hoạt, làm việc ít vận động, ăn uống nhiều carbohydrat, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt) cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường. Bác sĩ Duy khuyên mọi người nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, không uống rượu bia, luyện tập thể dục thể thao... để phòng tránh bệnh. Những người từ 30 tuổi nên đi tầm soát sức khỏe định kỳ để được xét nghiệm máu, chẩn đoán tiểu đường ở giai đoạn sớm, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng về mắt, thận, huyết áp...
Nguyễn Trăm